Cơ Hội Nào Cho Nông Dân Việt?

Theo nhận định từ các chuyên gia kinh tế, một trong những lĩnh vực sẽ chịu tác động lớn nhất từ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là nông nghiệp. Nông dân Việt Nam phải thích ứng với môi trường cạnh tranh khốc liệt về sản xuất - kinh doanh sản phẩm nông nghiệp.
Nông dân Đồng Nai đang từng bước làm quen với sự cạnh tranh của thị trường chung này. Các doanh nghiệp (DN), chủ trang trại thì đầu tư sản xuất theo hướng công nghiệp với quy mô lớn; hộ nông dân sản xuất nhỏ, lẻ thì liên kết để tăng sức cạnh tranh.
* Sản xuất lớn
Ông Nguyễn Thanh Phi Long, một trong những chủ trang trại tiên phong ứng dụng mô hình chăn nuôi VietGAP tại Đồng Nai, chia sẻ: “Chúng tôi đã đầu tư xây dựng chuỗi các trang trại trên địa bàn Đồng Nai, trong đó 60% tổng đàn gà đã đạt chứng nhận VietGAP và tiến tới sẽ ứng dụng cho toàn hệ thống trang trại.
Đảm bảo về chất lượng là vấn đề được tôi quan tâm hàng đầu để bước vào hội nhập. Ở đây, tôi đang hoàn thiện quy trình khép kín trong chăn nuôi, từ khâu sản xuất con giống đến tổ chức giết mổ và phân phối ra thị trường nhằm làm ra sản phẩm sạch với giá cạnh tranh nhất”.
Ông Đỗ Hải, một trong những khách hàng lớn của Nhà máy đường Biên Hòa - Trị An, cho biết: “Nhờ ứng dụng cơ giới hóa và sản xuất theo quy mô lớn, chi phí sản xuất của tôi giảm gần 50% so với cách làm truyền thống. Ngành mía đường Việt Nam đang chịu áp lực cạnh tranh rất lớn trên thị trường thế giới, nhưng vẫn không thiếu cơ hội nếu đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, sản xuất theo hướng công nghiệp”.
Công ty cổ phần DFB Hanco Việt Nam (DFB Hanco Nutrition) chuyên sản xuất sữa và thực phẩm dinh dưỡng vừa khởi công xây dựng nhà máy sản xuất sữa và ngũ cốc nảy mầm GABA tại Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai (huyện Cẩm Mỹ), trong giai đoạn 1 với vốn đầu tư 450 tỷ đồng, dự kiến nhà máy sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 36 ngàn tấn sản phẩm/năm.
Ông Phạm Ngọc Châu, Phó tổng Giám đốc DFB Hanco Việt Nam, so sánh: “Gạo GABA nhập khẩu cao gấp 10 lần giá gạo thường của Việt Nam.
Chúng tôi đầu tư để sản xuất ra những dòng sản phẩm sữa và dinh dưỡng ứng dụng công nghệ sinh học đạt chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Ngoài mục tiêu cung cấp cho người tiêu dùng loại thực phẩm có giá trị cao về dinh dưỡng, chúng tôi cũng muốn góp phần thay đổi cái nhìn về nông sản Việt Nam, không chỉ dừng lại ở xuất khẩu thô với giá trị thấp”.
* Nông hộ liên kết để phát triển
“Song song với việc đầu tư nhà máy chế biến, chúng tôi sẽ triển khai xây dựng vùng nguyên liệu được chuẩn hóa từ khâu chọn giống, canh tác đến thu hoạch. Đồng Nai là một trong những ưu tiên lựa chọn vì gần nhà máy chế biến và điều kiện tự nhiên rất thuận lợi để phát triển cây trồng. Chúng tôi sẽ liên kết với nông dân, DN tại địa phương để triển khai dự án, không chỉ dừng lại ở khâu bao tiêu sản phẩm mà sẽ đồng hành với nông dân trong suốt quá trình sản xuất” - ông Châu nói.
Ngoài cây ca cao, Đồng Nai đang triển khai hàng loạt dự án chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ với nhiều loại cây, con chủ lực, như: cà phê, điều, tiêu, mía… Các chuỗi liên kết này thu hút sự tham gia của doanh nghiệp, nông dân và nhà nước. Mục tiêu nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, góp phần tăng sức cạnh tranh cho các mặt hàng nông sản khi bước vào hội nhập.
Ông Lê Minh Tôn, Chủ nhiệm Hợp tác xã ca cao huyện Thống Nhất, thông báo: “Chúng tôi vừa thành lập hợp tác xã này trên nền tảng các câu lạc bộ năng suất cao. Ở đây, sự liên kết không chỉ dừng lại giữa nông dân trồng ca cao tại một xã mà mở rộng ra quy mô cấp huyện, cấp tỉnh.
Tham gia chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, nông dân được hỗ trợ rất nhiều, như: được hướng dẫn về kỹ thuật canh tác, bao tiêu sản phẩm với giá tốt, hỗ trợ về vốn… Hợp tác xã vừa được DN hỗ trợ vốn để xây dựng nhà sơ chế tại chỗ. Theo đó, 1 tấn ca cao tươi, nông dân có thể thu lợi thêm vài triệu đồng nhờ giảm được chi phí vận chuyển và công lao động”.
Ông Nguyễn Thế Bảo, Chủ nhiệm hợp tác xã xoài Suối Lớn (huyện Xuân Lộc), nhận xét: “Nhiều khách hàng từ châu Âu, Hàn Quốc… đặt vấn đề hợp tác với Suối Lớn cho thấy nông sản của Việt Nam không thiếu cơ hội khi tham gia vào thị trường thế giới. Với trái xoài, Đồng Nai có nhiều vùng chuyên canh với diện tích lớn. Ở đây, chúng ta cần liên kết lại để tìm đầu ra bền vững”.
Có thể bạn quan tâm

Nhà vườn huyện Lai Vung đang bước vào thu hoạch cam (từ tháng 8 đến tháng 10 âm lịch). Toàn huyện có 615ha cam đang cho trái, trong đó cam xoàn 200ha, cam sành 50ha, còn lại là cam dây, tập trung các xã Long Hậu, Tân Thành, Vĩnh Thới, Tân Phước; năng suất ước đạt 20 tấn/ha.

Ngày 22.8, Giám đốc Công ty điện lực Bình Thuận Trần Ngọc Linh cho biết đã chính thức thông báo đến các huyện, thị trong tỉnh tạm ngưng việc thí nghiệm kiểm tra bảo dưỡng đường dây và biến áp điện của khách hàng do có phản ứng của người dân.

Sau nhiều năm canh tác trên diện tích đất gần 2 ha với cây mía, cây mì, gia đình ông Trần Xuân Liêm (SN 1965, làng Kruối, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ) đã mạnh dạn chuyển sang trồng cây thanh long xuất khẩu. Nhờ khí hậu thuận lợi, những lứa quả thanh long đầu tiên đã đem lại kết quả đáng mừng.

Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đã chỉ đạo như trên tại hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện nghị định 67 về chính sách phát triển thủy sản, hỗ trợ ngư dân đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ được tổ chức tại TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) ngày 22-8.

Những năm gần đây giá cà phê trên thị trường cả nước nói chung và Tây Nguyên nói riêng có nhiều biến động, lúc lên cao, xuống thấp…, tranh thủ cơ hội lúc giá cà phê xuống thấp (thường là lúc đầu vụ), nhiều người dân đã bỏ tiền mua cà phê về nhà tạm trữ, chờ tăng giá bán kiếm lời.