Cơ Hội Mới Cho Vịt Bầu Lục Yên (Yên Bái)
Ở Lục Yên (Yên Bái) có giống vịt bầu - giống vịt cho thịt thơm, ngon được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, giống vịt này đang mai một.
Để giảm bớt nguy cơ thất thoát nguồn gen giống vịt quý, huyện Lục Yên đã xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát triển nguồn gen giống vịt quý Lục Yên”. Trong tương lai không xa, giống vịt đặc sản này sẽ mở hướng phát triển kinh tế nhằm nâng cao đời sống của nhiều hộ dân.
Từ trung tâm huyện Lục Yên, chúng tôi vượt hơn 30km về xã Lâm Thượng, nơi gần như quê hương của giống vịt bầu đặc sản. Theo người dân địa phương, giống vịt bầu đã có mặt ở đây từ rất lâu đời, hộ nuôi vịt có thâm niên cũng trải qua vài đời. Từ lâu, chăn nuôi vịt gắn với đời sống sản xuất, phong tục tập quán của người Tày do nhà thường ở gần suối, mỗi nhà thường có ao nhỏ nên rất thuận tiện cho việc nuôi.
Ông Hoàng Văn Thành - Phó chủ tịch UBND xã Lâm Thượng hồ hởi giới thiệu: “Nhà tôi cũng đã có mấy đời nuôi vịt, vịt bầu thường có lông vằn, chân ngắn. Vịt bầu có đặc điểm rất dễ nhận biết, con đực đầu xanh biếc, nặng từ 2 - 3 kg, con mái nặng từ 1,8 - 2 kg. Da vịt bầu mỏng, vàng như gà thiến, thịt vịt chắc, thơm ngon, vị ngọt đậm đà, người ăn không biết chán”.
Hiện nay, giống vịt bầu vẫn được người dân duy trì nuôi rải rác ở các xã nhưng vịt bầu thuần chủng nhất, ngon nhất, nuôi nhiều nhất là ở Lâm Thượng. Lý giải điều này, Chủ tịch UBND xã Trần Thanh Trúc cho biết: “Trước đây, vịt bầu có mặt ở hầu hết các xã nhưng nay, nhiều nhất chỉ có ở Lâm Thượng. Có một đặc điểm là cũng con vịt bầu Lục Yên nhưng khi mang về nơi khác nuôi thì thịt vịt không ngon như nuôi ở Lâm Thượng. Sở dĩ vịt bầu ngon là do được nuôi dưới dòng suối trong mát quanh năm, ăn tôm, cua, rêu đá cùng với khí hậu thổ nhưỡng ở đây mà ngon hơn ở địa phương khác”.
Theo ông Hoàng Văn Vững, một hộ chăn nuôi vịt bầu lâu năm ở Lâm Thượng thì vịt bầu rất dễ nuôi, chỉ trong vòng 6 tháng là có thể bán được, đặc biệt có sức đề kháng bệnh tật rất tốt. Song do năng suất thấp nên mỗi nhà chỉ nuôi vài con, nhà nhiều cũng chỉ 10 - 20 con để đãi khách quý. Vài năm nay, thương lái đến hỏi mua nhưng không đủ bán.
Vịt bầu là giống vịt quý hiếm, chất lượng cao nhưng đến nay một phần bị mai một do giống đang bị thoái hóa vì người dân đã nuôi vịt lai, vịt cỏ lẫn với vịt bầu và một phần chạy theo năng suất, người nuôi chọn giống vịt cho năng xuất cao hơn mà chất lượng lại kém xa vịt bầu.
Trước thực trạng vịt bầu đang bị mai một đồng thời phát huy lợi thế, tiềm năng về đất đai, nguồn nước và khai thác tốt nguồn giống vịt bầu quý của địa phương, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Yên đã xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát triển nguồn gen vịt bầu Lục Yên” được thực hiện từ nay đến năm 2020.
Ông Trần Thanh Trúc - Chủ tịch UBND xã Lâm Thượng cho biết: “Việc bảo tồn giống vịt bầu Lục Yên là cần thiết, chúng tôi đang vận động người dân đưa giống vịt bầu này trở thành hàng hóa bởi đây là hướng đi bền vững, nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế gia đình. Hiện Lâm Thượng có khoảng gần 20.000 con vịt bầu”.
Hiện nay, vịt bầu Lục Yên đã có mặt ở các nhà hàng thành phố Yên Bái. Với nỗ lực khôi phục và bảo tồn giống vịt đặc sản, trong tương lai không xa, giống vịt quý này sẽ sản xuất thành hàng hóa cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Nội dung của Đề án “Bảo tồn và phát triển nguồn gen vịt bầu Lục Yên” tập trung đánh giá đặc điểm sinh học để xây dựng quy trình nuôi vịt bầu Lục Yên; xây dựng khu bảo tồn tập trung đạt tiêu chuẩn an toàn để bảo tồn nguồn gen vịt bầu; hỗ trợ giống kỹ thuật xây dựng mô hình nuôi vịt bầu với quy mô 100 con/hộ/năm; xây dựng cơ sở sản xuất giống vịt bầu thuần chủng đạt tiêu chuẩn, trong đó sẽ hỗ trợ kinh phí xây dựng lò ấp, khu vực úm nuôi vịt con để duy trì giống cho người chăn nuôi đồng thời xây dựng thương hiệu cho giống vịt quý này.
Có thể bạn quan tâm
Ông Nguyễn Trọng Tùng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên cho biết, mô hình cánh đồng mía mẫu áp dụng cơ giới hóa được triển khai trong niên vụ mía 2013-2014 trên 40ha tại các xã Ea Ly (Sông Hinh) 10ha, Ea Chà Rang (Sơn Hòa) 10ha và Xuân Quang 1 (Đồng Xuân) 20ha.
Đến thăm mô hình trang trại trồng cây ăn quả, nuôi ong lấy mật của hộ ông Hoàng Văn Tung, xóm Lý Nhân xã Bá Xuyên (T.X Sông Công - Thái Nguyên), chúng tôi cảm phục nghị lực và ý chí của người nông dân chăm chỉ này. Bằng sức lao động của chính mình, vợ chồng ông Tung đã xây dựng lên mô hình kinh tế hiệu quả cho doanh thu xấp xỉ 700 triệu đồng mỗi năm.
Chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi hươu của gia đình ông Nguyễn Đức Hải ở xóm Chùa, xã Thống Nhất. Gia đình ông là một trong 3 hộ đầu tiên áp dụng mô hình nuôi hươu trên địa bàn xã. Ông Hải cho biết: Trước đây, gia đình cũng chăn nuôi lợn thả vườn. Song công việc chăn nuôi lợn vất vả, giá thức ăn tăng cao mà giá bán, đầu ra không ổn định nên ông quyết tâm chuyển đổi sang nuôi hươu.
Anh Nguyễn Tấn Khanh, ngụ ở ấp 3 - xã Bình Thới (Bình Đại - Bến Tre) là nhân viên quản lý cửa hàng Quang Minh - chuyên cung cấp thức ăn và thuốc nuôi trồng thủy sản. Tuy bộn bề công việc nhưng với sự nhạy bén, chịu khó học hỏi, anh đã mạnh dạn đầu tư trên 170 triệu đồng xây dựng chuồng trại, mua kỳ đà giống về nuôi.
Niên vụ trước, bước vào đầu vụ thu hoạch, giá cà phê là 42.000 đồng/kg. Song năm nay, giá đột ngột giảm 6.000-7.000 đồng/kg xuống còn 34.000 đồng/kg. Đây là mức giá cà phê thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.