Cơ Hội Mới Cho Nghề Nuôi Cá Tra
Cá tra được Chính phủ xác định là một trong những sản phẩm chủ lực của ĐBSCL và cả nước. Dù đã có mặt trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng hiệu quả sản xuất vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Hội thảo “Hiện trạng, thách thức và cơ hội của ngành nuôi cá tra Việt Nam” trong khuôn khổ Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế Việt Nam 2011 thêm một lần nữa khẳng định: Cần có sự liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị sản xuất, để con cá tra phát triển bền vững!
Theo Đề án phát triển sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL đến năm 2020, vùng nuôi cá tra chủ yếu ở khu vực ven sông Tiền, sông Hậu gồm các địa phương như: thành phố Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long... với diện tích năm 2015 là 11.000 ha và năm 2020 là 13.000 ha. Các cơ sở nuôi cá tra mới phải có diện tích từ 10 ha trở lên. ĐBSCL rất có lợi thế trong việc nuôi cá tra. Theo Chi cục Thủy sản thành phố Cần Thơ, so với năm 2010, khối lượng XK cá tra có giảm nhưng kim ngạch vẫn đạt hơn 150 triệu USD. Năm 2011, diện tích nuôi cá tra tại các địa phương ước đạt 900 ha, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2010.
Giá trị kinh tế của con cá tra rất lớn nhưng thời gian qua người nuôi chưa được hưởng lợi tương xứng. Ông Phillip Serène, Cố vấn cao cấp Công ty Cổ phần Ewos Việt Nam, nói: “Con cá tra Việt Nam là loài cá độc quyền, ít nơi nào trên thế giới có được. ĐBSCL lại có nhiều ưu điểm với hệ thống sinh thái đa dạng, có tiềm năng lớn để phát triển thủy sản, trong đó không thể không kể đến con cá tra. Đặc biệt, nông dân ĐBSCL rất giỏi với 50 năm kinh nghiệm trong nghề nuôi loài cá này. Song, vẫn chưa tận dụng và khai thác hết tiềm năng thế mạnh của vùng”.
Nuôi cá tra của phần lớn người dân ĐBSCL chưa ổn định trong quy trình nuôi và XK. Có thời điểm người dân ồ ạt nuôi (năm 2008) do thấy người khác nuôi cá lãi cao. Nhiều người giàu lên nhờ nuôi cá, nhiều người làm theo nhưng lại thiếu kế hoạch, cũng như tầm nhìn. Vì vậy, nguồn nguyên liệu cá tra tăng gấp đôi dẫn đến dư thừa, giá cá giảm, người nuôi bị thiệt. Mặt khác, chất lượng con giống cá tra chưa được tốt, do thoái hóa gen, tỷ lệ chết từ 30-50%, chất lượng nhiều loại thức ăn chưa tốt. Ngoài ra, thiếu sự liên kết giữa người nuôi và DN khiến người nuôi bị thua lỗ, không còn vốn để tiếp tục tái đầu tư để phát triển bền vững loài cá này. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt cá tra nguyên liệu cho XK. Vì vậy, việc sản xuất, nuôi và chế biến cá tra thời gian qua chưa đạt hiệu quả cao.
Theo ông Nguyễn Như Pho, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ewos Việt Nam, trước giờ người nuôi cá tra quan tâm nhiều đến việc tìm con giống, chăm sóc để cá không bị bệnh, phần lớn chưa quan tâm đến chất lượng thức ăn, trong khi chi phí thức ăn chiếm khoảng 70% giá thành mỗi kg cá tra. Thức ăn cho cá đóng vai trò rất quan trọng, phải đủ chất dinh dưỡng, bảo đảm an toàn. Thức ăn tốt không những tăng sản lượng cá mà còn giảm bớt chi phí thức ăn và ô nhiễm môi trường. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, thực tế làm sao có nguồn thức ăn sạch, an toàn để cá tra và các loài cá khác sinh trưởng tốt, những điều này vẫn chưa được sự quan tâm của nhiều DN chế biến thức ăn đầu tư... Ý thức và nhận diện được vai trò của công nghệ sản xuất thức ăn, nhất là đối với những loại thức ăn dễ làm cho cá mắc bệnh.
Tại hội thảo “Hiện trạng, thách thức và cơ hội của ngành nuôi cá tra Việt Nam” do Công ty Cổ phần Ewos Việt Nam tổ chức trong khuôn khổ Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế Việt Nam cho thấy, việc sở hữu công nghệ sản xuất thức ăn an toàn cho cá tra là điều không khó. Hiện nay, nhiều DN trong và ngoài nước đã chủ động đến ĐBSCL để tìm cơ hội đầu tư, hợp tác chuyển giao công nghệ. Điển hình, Công ty Cổ phần Ewos Việt Nam, trực thuộc Tập đoàn Ewos (Na Uy) – chuyên cung cấp thức ăn cho cá, đã và đang nỗ lực sản xuất các loại thức ăn có tác dụng tăng sức đề kháng, giảm tỷ lệ chết trong quá trình nuôi dưỡng cá giống và có cả thức ăn cho cá mắc bệnh. Theo ông Nguyễn Như Pho, mục tiêu của Ewos Việt Nam là muốn chia sẻ những thành quả nghiên cứu về thức ăn nuôi cá trong nhiều năm và các phương tiện nghiên cứu hiện có. Ewos Việt Nam sẽ cung cấp cho thị trường Việt Nam thức ăn nuôi cá với hệ số chuyển hóa thức ăn thấp, tỷ lệ philê cao... nhằm giảm bớt chi phí thức ăn và ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, Ewos Việt Nam còn cung cấp các loại thức ăn chức năng có tác dụng tăng sức kháng bệnh, giảm tỷ lệ chết trong quá trình nuôi dưỡng, vận chuyển cá giống và đặc biệt là thức ăn cho cá mắc bệnh. Trong kế hoạch phát triển, Ewos Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các trang trại nuôi cá, các nhà máy chế biến cá, hướng dẫn theo dõi, giám sát kỹ quy trình nuôi, sử dụng thức ăn Ewos hướng tới tiêu chuẩn sản xuất cá sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng. Cá được nuôi và chế biến đạt các tiêu chuẩn trên sẽ được Ewos hỗ trợ giới thiệu vào thị trường tiêu thụ cao cấp như EU, Nhật Bản...
Hiện nay, không riêng gì Ewos Việt Nam mà một số DN kinh doanh thức ăn nuôi cá đã phối hợp với các trang trại nuôi cá, nhà máy chế biến cá. Đây là cơ hội để người nuôi cá tra mở rộng mối quan hệ, tiếp xúc với nhiều DN sản xuất chế biến cá, tìm cơ hội hợp tác ổn định đầu ra và tăng lợi nhuận.
Có thể bạn quan tâm
Với điều kiện tự nhiên ưu đãi, mô hình tôm sinh thái của Cà Mau đang mở ra một hướng đi mới cho người dân vùng rừng ngập mặn. Tuy đã có nhiều bước tiến đáng kể nhưng trên thực tế mô hình này vẫn chưa thật sự mang lại lợi ích cho người dân như mục tiêu ban đầu đặt ra.
UBND TP Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu Sở Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an TP tăng cường công tác phối hợp liên ngành, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu thuỷ sản giống, thuỷ sản nhập khẩu, đặc biệt là cá tầm.
Ưu đãi thấp, rủi ro dịch bệnh, đầu ra không ổn định… là những yếu tổ cản trở đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực chăn nuôi gia súc gia cầm ở Việt Nam
Huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) vừa phát hiện 2 ổ dịch bệnh lở mồm long móng với hơn 20 con bò bị nhiễm bệnh. Hiện các ổ dịch đã được khoanh vùng, không để bệnh lây lan trên diện rộng.
Giống bò Barahman đỏ có trọng lượng gần 1 tấn/con trưởng thành, giá trị kinh tế cao hơn bò vàng song thời gian sinh trưởng lại như nhau.