Cơ Chế, Chính Sách Còn Vênh
“Vênh” trong bồi thường
Khảo sát về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư từ năm 2010 đến nay trên địa bàn huyện Mộ Đức, UBND huyện cho biết đã phê duyệt 77 phương án bồi thường (PABT), hỗ trợ và tái định cư (TĐC) với tổng diện tích đất đã thu hồi hơn 2.000ha của 4.896 hộ. Tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ trên 239 tỷ đồng.
Đến nay, huyện đã bố trí TĐC cho 145 hộ với 145 lô đất/15.000m2, có 37 hộ ở 2 phương án chưa nhận tiền bồi thường.
37 trường hợp chưa nhận tiền bồi thường ở huyện Mộ Đức tập trung ở 2 dự án, gồm: Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 24 đoạn Thạch Trụ-Phổ Phong (2 hộ); Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 (35 hộ). Trong đó, 2 hộ kiên quyết “giữ” đất, bất chấp việc khiếu nại đã được UBND tỉnh, huyện giải quyết là bà Bùi Thị Thanh Trúc và Phạm Thị Nhị ở xã Đức Lân. Lý giải thái độ này, bà Bùi Thị Thanh Trúc cho rằng “do việc đền bù chưa thỏa đáng”. Đó là vì sao đất của bà và người dì đều nằm trên mặt tiền Quốc lộ 24, được tách ra cùng một thửa nhưng một mảnh thì đền bù theo giá đất ở, mảnh kia thì không?
Đối với 35 hộ bị ảnh hưởng của Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 thì ngoài lý do đất tranh chấp, đền bù không đúng, họ còn bức xúc với chuyện cắt xén nhà nên đến giờ vẫn không chịu nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Điều này, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Phạm Ngọc Lân là “một phần do cơ chế chính sách”.
Bởi quy trình cắt xén nhà hiện giờ vẫn chưa thống nhất giữa cơ quan lập và thẩm định, kéo theo việc định giá trị cũng “vênh”. Đó là chưa kể nhiều trường hợp đất bị thu hồi gần hết, nhưng vì chưa đụng vào nhà nên người dân không được TĐC. “Việc này cấp trên nên xét lại vì diện tích đất còn lại quá ít, nếu không bố trí TĐC thì họ không biết sống ở đâu”, ông Lân cho hay.
Chờ gỡ nút thắt trong bồi thường, giải phóng mặt bằng
Sở TN-MT đang tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất áp dụng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, những quy định này vừa cụ thể, chi tiết, vừa đảm bảo yếu tố pháp lý nhưng thông thoáng và dễ thực hiện hơn so với các quy định trước đây.
Cụ thể: Đất ở trong khu vực bị ô nhiễm môi trường có nguy cơ đe dọa tính mạng con người; đất ở có nguy cơ sạt lở, sụt lún đe dọa tính mạng con người, trước đây không quy định còn hiện nay được bồi thường, hỗ trợ và TĐC. Hay việc bồi thường trước đây áp dụng theo khung giá đất do UBND tỉnh ban hành hằng năm, nay giá đất để tính bồi thường theo giá đất cụ thể tại thời điểm quyết định thu hồi đất cho từng dự án...
Riêng Dự án tiêu úng, thoát lũ, chống sạt lở vùng hạ lưu sông Thoa đã được UBND huyện giải quyết nhưng còn 3 hộ Nguyễn Đình Binh, Lữ Phi, Lữ Nước (Đức Lân) vẫn không chịu giao đất, cản trở thi công. Điều này kéo theo gói thầu số 17 Dự án tiêu úng, thoát lũ, chống sạt lở vùng hạ lưu sông Thoa phải dừng cả năm trời.
Một vấn đề tồn đọng nữa là trong số 77 PABT đã được UBND huyện Mộ Đức phê duyệt không có PABT nào xây dựng kèm phương án đào tạo nghề. Điều này được ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Ban Văn hóa-xã hội HĐND tỉnh thẳng thắn chỉ rõ: “Chủ đầu tư chỉ chú trọng làm sao PABT được thông mà “né” việc đào tạo nghề để tiết kiệm chi phí, trong khi đơn vị chủ quản cũng thiếu kiểm tra, giám sát”. Giải thích vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Phạm Ngọc Lân cho rằng: “Vì không biết đào tạo nghề gì, rồi lao động học xong chẳng biết tìm việc ở đâu nên chủ đầu tư dùng phần kinh phí này hỗ trợ trực tiếp cho người dân”!
Chính sách nông nghiệp: Ì ạch vì thiếu vốn
Đối với 3 cơ chế chính sách khuyến khích do Sở NN&PTNT thực hiện gồm: Quy định mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện một số nội dung xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn cấp xã giai đoạn 2013-2015, chủ trương dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2013-2020, phát triển HTX Dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2013-2015, kết quả chưa đạt được như mong đợi.
Toàn tỉnh hiện chỉ có duy nhất xã Bình Dương (Bình Sơn) đạt 19 tiêu chí NTM thì, diện tích đất sản xuất nông nghiệp được dồn điền đổi thửa và chỉnh trang cũng dừng lại ở con số 260ha. Trong khi kế hoạch, giai đoạn 2013-2015, toàn tỉnh phấn đấu có 17 xã đạt NTM; dồn điền đổi thửa và chỉnh trang 12.677ha/21.700ha. Lý giải kết quả rất khiêm tốn trên, lãnh đạo Sở NN&PTNT cho rằng: “Do vốn ít, nguồn lực hạn chế”. Cụ thể là giai đoạn 2011-2013, vốn (ngân sách, vốn vay) đầu tư cho NTM chỉ hơn 154 tỷ đồng (ước vốn đầu tư giai đoạn 2011-2015 là 6.100 tỷ đồng); còn dồn điền đổi thửa thì ngân sách tỉnh chỉ mới hỗ trợ hơn 1,3 tỷ đồng (ước vốn đầu tư giai đoạn 2013-2020 là 829 tỷ đồng).
Vốn đã nhỏ giọt, mà nhiều địa phương còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, không chủ động huy động và thu hút nguồn lực (doanh nghiệp) cùng tham gia; rồi quá trình thực hiện dồn điển đổi thửa lại vấp phải sự bất hợp tác của người dân...
Hẳn với những lý do rất… chính đáng như thế nên hiện giờ, hàng loạt công trình hạ tầng dân sinh như trạm y tế xã, chợ, nhà văn hóa thôn, công trình thoát nước thải khu dân cư hoặc dự án phát triển sản xuất và dịch vụ, hạ tầng sản xuất tập trung, tiểu thủ công nghiệp, thủy sản…ở các xã điểm NTM vẫn chưa được xây dựng. Bên cạnh đó, tiến độ dồn điền đổi thửa cũng ì ạch vì địa phương nào cũng... than khó, mất thời gian lại không có kinh phí để thực hiện.
Thế nên để các chính sách trên phát huy hiệu quả thì ngành nông nghiệp chỉ có một mong ước, đó là “tỉnh sớm bố trí vốn”. Đây hẳn là điệp khúc không chỉ riêng của ngành nông nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
“Hơn 80% trái thanh long ruột đỏ đạt chất lượng xuất khẩu”- Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Thanh long ruột đỏ Đức Mỹ Nguyễn Văn Thân (ấp Đại Đức, xã Đức Mỹ, huyện Càng Long - Trà Vinh) nói như khoe “nhu cầu thị trường muốn ăn trái đẹp, tụi tui cùng mày mò, vuốt mấy đợt gai xanh bằng người ta rồi đó”.
Hội nông dân (ND) xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm đang xây dựng mô hình “Thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng và rác thải trên đồng ruộng”.
Xác định tam nông là thị trường chính để đầu tư nên vốn của Agribank “chảy” ngày càng nhiều vào lĩnh vực này. Nguồn vốn đó đã giúp rất nhiều hộ nông dân vươn lên làm giàu.
Tham gia CLB Khuyến nông nuôi ếch, các hộ thành viên ở thôn Thuận Hòa B, xã Hương Phong, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế đã chủ động từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Năng động, nhạy bén với thị trường, ông Nguyễn Công Nguyên (55 tuổi, ở xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn, Ninh Bình) đã thành công với mô hình nuôi con đặc sản.