Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chuyện Về Ông Chủ Nấm Việt

Chuyện Về Ông Chủ Nấm Việt
Ngày đăng: 12/03/2014

Khi các phương tiện thông tin đại chúng phanh phui việc nấm kim châm nhập khẩu nhưng đóng gói mang thương hiệu Việt Nam, không đảm bảo chất lượng bày bán trên thị trường, tôi vốn là “tín đồ” của món này tức tốc gọi cho bạn là chủ một chuỗi cửa hàng ăn uống lớn ở TP Hạ Long để “truy vấn” về nguồn gốc nấm mà tôi vẫn ăn.

Trái hẳn với thái độ lo lắng của tôi, bạn tôi chỉ cười, bảo: “Ông yên tâm, nấm tôi lấy cho cửa hàng từ một doanh nghiệp có uy tín sản xuất ở Quảng Ninh”. “Sao bảo loại nấm này chưa trồng được ở Việt Nam?” - tôi vặn lại. “Ông không tin thì tôi chỉ cho ông đến tận nơi để tìm hiểu viết bài”.

Gian truân nghề nấm

Theo lời giới thiệu của bạn, chúng tôi tìm đến Công ty TNHH Long Hải, doanh nghiệp chuyên sản xuất nấm kim châm mang thương hiệu “Nấm Việt”. Trụ sở Công ty cũng là nơi sản xuất nấm được đặt tại Cụm công nghiệp Kim Sơn, Đông Triều. Ngay từ cổng Công ty nhìn vào chúng tôi đã thấy rơm rạ và nhiều loại nguyên liệu để sản xuất nấm được chất đầy trong các kho của Công ty.

Tiếp chúng tôi, anh cán bộ hành chính của Công ty bảo, vì nhà báo không hẹn trước nên Giám đốc Phạm Quang Nhuệ đang đi kiểm tra việc chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng nấm cho bà con nông dân dưới xã, không có nhà. Nhà báo đợi để tôi gọi điện giám đốc về tiếp các anh.

Chúng tôi đợi khoảng gần 1 tiếng thì Giám đốc Nhuệ về đến nơi. Anh bảo, từ cuối năm 2012, Công ty được Bộ KH-CN và tỉnh chọn là đơn vị thực hiện chương trình “Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2011-2015” nên Công ty thực hiện chuyển giao kỹ thuật cho bà con nông dân ở 2 xã Nguyễn Huệ và Kim Sơn của huyện Đông Triều.

Anh vừa xuống kiểm tra việc nuôi trồng nấm và tiêu thụ sản phẩm của bà con nông dân. Rồi dẫn chúng tôi đi tham quan dây chuyền sản xuất nấm của Công ty, anh giới thiệu: Nguyên liệu làm nấm toàn là những sản phẩm phụ của nông nghiệp như rơm rạ, bã mía, vỏ trấu, bông phế... như nhà báo thấy đấy.

Anh kể, làm nông nghiệp, mà lại là một doanh nghiệp khoa học về nông nghiệp đòi hỏi phải có sự kiên trì, không được nản chí. Năm 2004, khi mới bắt tay vào sản xuất nấm, do chưa nắm vững kỹ thuật anh đã phải thuê các chuyên gia với chi phí rất cao nhưng sản phẩm sản xuất ra vẫn chưa được ổn định. Vậy là anh phải lặn lội đi nhiều nơi trong và ngoài nước để tìm hiểu và học tập kỹ thuật sản xuất nấm kim châm.

Khi đã nắm vững kỹ thuật rồi thì anh bắt tay vào sản xuất đại trà nhưng vì nấm kim châm là sản phẩm cao cấp, đòi hỏi phải nuôi trồng trong môi trường vô khuẩn và đảm bảo nhiệt độ theo quy chuẩn từng thời kỳ sinh trưởng và phát triển nên thời gian đầu khi hệ thống làm lạnh chưa đảm bảo khiến cho sản lượng đầu ra không ổn định. Sau khi nghiên cứu tìm ra nguyên nhân là do môi trường nuôi cấy nấm chưa đảm bảo độ lạnh, anh đã cho đầu tư làm lại hệ thống nhà lạnh để nuôi quả thể đảm bảo nhiệt độ từ 4 đến 8 độ C.

Từ đó quy trình sản xuất ổn định, sản phẩm được các cơ quan chức năng kiểm tra và chứng nhận đạt các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Sau khi đã sản xuất thành công và ổn định, đến cuối năm 2005, anh tiến hành công bố chất lượng sản phẩm và đăng ký độc quyền sản phẩm mang thương hiệu “Nấm Việt” tại Cục Sở hữu trí tuệ.

Tuy nhiên, khó khăn vẫn chưa dừng lại khi chưa tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm. Vì vào thời điểm đó còn ít người biết về giá trị dinh dưỡng của các loại nấm ăn nên lượng tiêu thụ cũng ít. Hơn nữa, do là sản phẩm mới nên “Nấm Việt” chưa thể cạnh tranh được với những sản phẩm sẵn có trên thị trường.

Đến lúc này, Giám đốc Phạm Quang Nhuệ lại phải mang từng gói nấm đến các nhà hàng ở Hạ Long, Hà Nội, Hải Phòng và vào tận cả TP Hồ Chí Minh... để giới thiệu và để người tiêu dùng so sánh sản phẩm nấm kim châm của Công ty với những sản phẩm khác trên thị trường. Và sau đó, với chất lượng tốt nên sản phẩm nấm kim châm, đùi gà, sò tím, đông cô và nấm mỡ tím mùa hè… đã được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn.

Cơ hội vàng cho “Nấm Việt”

Để làm ra sản phẩm nấm kim châm thường phải mất từ 80 đến 90 ngày kể từ khi bắt đầu cấy giống cấp ba. Trong quá trình nuôi cấy đòi hỏi điều kiện môi trường tương đối nghiêm ngặt. Sản phẩm nấm kim châm của Công ty sau khi thu hái được tiến hành đóng gói hút chân không và không có chất bảo quản như một số loại nấm không rõ nguồn gốc.

Do đó, nấm kim châm của Công ty chỉ có thể bảo quản được khoảng 1 tuần trong môi trường lạnh còn nhiều sản phẩm nấm nhập từ nước ngoài về được phun thuốc bảo quản có thể để được cả tháng. Không biết có phải để minh chứng cho lời mình nói hay là theo thói quen mà tôi thấy anh với tay bốc mấy sợi nấm kim châm trong rổ nấm mà công nhân đang đóng gói bỏ vào miệng nhai.

Sau khi các phương tiện thông tin đại chúng phanh phui vụ việc một số sản phẩm nấm kim châm bày bán trên thị trường, ở các siêu thị tại Hà Nội mang thương hiệu Việt Nam nhưng thực chất lại không phải là nấm sản xuất trong nước và không đảm bảo chất lượng sản phẩm thì một số siêu thị, cửa hàng lớn ở Hà Nội đã liên hệ với Công ty đề nghị cung cấp sản phẩm cho họ.

Thế nhưng, với hệ thống dây chuyền hiện nay của Công ty thì sản lượng chưa thể đáp ứng được yêu cầu của họ nên Công ty chưa dám nhận lời. Theo báo cáo của Công ty thì từ năm 2006 đến nay, mỗi năm Công ty đưa ra thị trường trên 100 tấn nấm kim châm.

Với số lượng đó thì sản phẩm của Công ty chủ yếu mới chỉ đủ cung cấp cho một số đại lý và nhà hàng lớn ở TP Hạ Long, Hà Nội và Hải Phòng mà chưa đến được với các gia đình. Do sản lượng còn hạn chế nên có thể nói sản phẩm nấm kim châm mang thương hiệu “Nấm Việt” của Công ty mới chỉ được một số người tiêu dùng biết đến.

“Chúng tôi biết đây là cơ hội tốt để Công ty đầu tư mở rộng sản xuất, mở rộng thị trường nhưng cũng như nhiều doanh nghiệp khoa học nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, Công ty hiện gặp khó khăn về vốn đầu tư nên mặc dù chúng tôi đã đi tham quan, tìm hiểu dây chuyền sản xuất bán tự động, quy mô công nghiệp của Trung Quốc, Hàn Quốc... nhưng chúng tôi chưa có điều kiện đầu tư...” - Anh Nhuệ nuối tiếc chia sẻ với chúng tôi.

Chia tay người giám đốc say mê với cây nấm mà chúng tôi cứ suy nghĩ mãi về những trăn trở của anh. Đúng là trong lúc thị trường đang bị “cú sốc” về nấm kim châm không rõ nguồn gốc, nấm nhập khẩu từ nước ngoài về đóng gói mang thương hiệu Việt Nam thì đây quả là cơ hội tốt để cơ sở sản xuất nấm mang thương hiệu “Nấm Việt” vươn lên quảng bá và khẳng định thương hiệu sản phẩm, phát triển sản xuất và mở rộng thị trường.

Thế nhưng bài toán khó đặt ra đối với các doanh nghiệp KHCN trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp như Công ty TNHH Long Hải vẫn là nguồn vốn. Do thiếu vốn đầu tư nên anh chưa thể thực hiện được ước mơ mở rộng sản xuất và xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài.

Năm 2014 được tỉnh xác định là năm “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; tinh giản bộ máy, biên chế; đồng hành cùng doanh nghiệp” và cũng là năm mà tỉnh tiếp tục chương trình xây dựng nông thôn mới.

Vì vậy, những doanh nghiệp đang có những lợi thế như Công ty TNHH Long Hải nhưng gặp khó khăn trong việc mở rộng sản xuất, mở rộng thị trường thì rất cần được các cấp, các ngành của tỉnh hỗ trợ, giúp đỡ, đồng hành, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững hơn, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.


Có thể bạn quan tâm

Giám Sát Cúm Gia Cầm Đến Từng Hộ Gia Đình Ở Hưng Yên Giám Sát Cúm Gia Cầm Đến Từng Hộ Gia Đình Ở Hưng Yên

Từ năm 2007, trước những diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm và nhiều loại dịch bệnh mới trên gia cầm và các đàn vật nuôi khác, tỉnh Hưng Yên đã chuyển từ mô hình giám sát dịch bệnh bị động (khi nào có dịch, các hộ gia đình báo cơ quan chức năng hoặc đề nghị chữa trị thì mới phát hiện bệnh) sang mô hình giám sát dịch chủ động dựa vào cộng đồng với sự hỗ trợ của Dự án AI Mê Kông ở 3 huyện điểm là: Phù Cừ, Yên Mỹ và Kim Động.

24/05/2012
Một Nương Sơn - Một Cót Thóc Một Nương Sơn - Một Cót Thóc

Năm 1985, từ đống hoang tàn của một HTX, cái tên xã Thọ Văn xuất hiện trong danh sách địa chính huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Ra đời muộn nhất huyện, nghèo nhất huyện nhưng với cây sơn, “đứa con út” nay đã vươn vai thành người khổng lồ.

04/09/2011
Iêu Hủy Hơn 21.000 Con Heo Vì Dịch Bệnh Iêu Hủy Hơn 21.000 Con Heo Vì Dịch Bệnh

Chiều 12-6, tại cuộc tổng kết 6 tháng của Ban chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm, ông Hoàng Văn Năm, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết hiện dịch tai xanh đã lan ra thêm 2 tỉnh mới, Lạng Sơn và Bạc Liêu.

15/06/2012
Cấm Nuôi Chim Yến Trong Thành Phố Biên Hòa Cấm Nuôi Chim Yến Trong Thành Phố Biên Hòa

Biên Hòa vừa ban hành văn bản yêu cầu ngừng hoạt động nuôi chim yến và thu hút chim yến làm tổ trên địa bàn toàn thành phố.

16/06/2012
Thương Lái “Thao Túng” Đồng Tôm Thương Lái “Thao Túng” Đồng Tôm

Tôm sú nguyên liệu ĐBSCL khan hiếm nhưng nhiều ngày qua giá tôm nguyên liệu liên tục giảm. Làm ra sản phẩm nhưng giá cả hoàn toàn lệ thuộc vào thương lái và các nhà máy chế biến tôm. Vừa thu hoạch 2 ao tôm diện tích 10.000m², sản lượng đạt hơn 8 tấn, ông Nguyễn Minh Đức, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) mất khoản lãi hơn 140 triệu đồng do giá tôm đang giảm

11/09/2011