Chuyện Về Một Người Mù Làm Kinh Tế Giỏi

Mặc dù bị mù bẩm sinh cả hai mắt nhưng với nghị lực sống mạnh mẽ cùng sự khéo léo của đôi tay và tính cần mẫn, ông Phan Ly ở thôn An Mô, xã Triệu Long (Triệu Phong - Quảng Trị) đã vượt qua số phận, trở thành một tấm gương làm kinh tế giỏi.
Theo hướng dẫn của anh Nguyễn Thành Nhân, cán bộ Hội Người mù huyện Triệu Phong, chúng tôi đến thăm gia đình ông Phan Lý. Ngôi nhà nhỏ nằm yên bình bên lũy tre xanh, gần sông Thạch Hãn. Nghe tiếng người quen, ông Ly lần theo bờ tường ra cửa đón chúng tôi.
Khi biết chúng tôi đến tìm hiểu viết bài về mô hình kinh tế của mình, ông Ly cười và nói: “Chuyện đó có gì khó mô, mình chịu khó một chút là làm được mà. Cái tăm chẻ nhỏ xíu mà còn làm được thì việc cuốc đất trồng cây, cho con lợn, con gà ăn cũng dễ thôi chú ạ!”.
Nói rồi, ông Ly đứng dậy khỏi bàn uống nước, đưa bàn tay lên bờ tường rồi đi một mạch ra phía sau nhà cho lợn ăn. Nhìn dáng đi nhanh nhẹn của ông Ly, chúng tôi thật sự khâm phục. Vừa đổ thức ăn cho đàn lợn, ông Ly vừa kể: “Tui áp dụng mô hình kinh tế này đã hơn 10 năm rồi, ngoài công việc của Hội Người mù, thời gian còn lại vợ chồng tui tập trung chăn nuôi lợn, gà, trồng rau màu và măng Bát độ. Nhờ đó, thu nhập của gia đình được cải thiện đáng kể, có tiền lo cho con cái học tập”.
Cùng với sự hỗ trợ của vợ là bà Lê Thị Bích, mỗi năm gia đình ông Ly nuôi gần 80 con lợn thịt, 3 con lợn nái, 500 con gà, vịt, ngan. Ngoài ra, gia đình ông còn nuôi bò nhốt chuồng, trồng 1 sào măng Bát độ, ước tính thu nhập đạt 100 triệu đồng/năm.
Ngoài việc làm kinh tế giỏi, vợ chồng ông Ly còn nuôi 3 người con ăn học thành đạt, người con gái đầu đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm Quy Nhơn, người con gái thứ hai đang học năm thứ 3 ngành Đông phương học, Đại học Đà Lạt và con trai út đang học lớp 12, Trường THPT thị xã Quảng Trị.
Không chỉ vượt lên số phận để làm kinh tế giỏi, ông Ly còn là một động viên bơi lội đạt nhiều giải cao trong các kỳ thi thể thao dành cho người khuyết tật của tỉnh. Ông Nguyễn Quang Hoàng, Chủ tịch Hội Người mù huyện Triệu Phong nói: “Ông Ly là một hội viên năng động, vừa làm kinh tế giỏi vừa có tài thi đấu thể thao. Chúng tôi đang phổ biến và vận động các hội viên học tập tấm gương của ông Ly, vượt lên số phận để trở thành người có ích cho xã hội”.
Có thể bạn quan tâm

Dù chỉ là giống gà ta bình thường chứ không phải loại quý hiếm như gà Tò "tiến vua" ở Quỳ Phụ (Thái Bình) nhưng cặp gà gồm 1 trống, 1 mái của bà Nguyễn Thị Nga (52 tuổi, ở thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi) vẫn có lông phủ từ khuỷu đến tận bàn chân.

Nhiều cơ sở thu mua sầu riêng tại Đăk Lăk vừa bị phát hiện dùng hóa chất tẩm cho sầu riêng chín nhanh, đều. Chưa biết tác hại thực sự của việc làm này đến đâu, song rõ ràng đã ít nhiều ảnh hưởng đến thương hiệu sầu riêng Đăk Lăk.

15 năm về trước, kinh tế gia đình anh Nguyễn Thành Nga (thôn Gò Sạn, xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận) rất khó khăn, tình cảnh “ăn sáng lo trưa”. Gia đình anh chỉ khá lên kể từ khi anh vay được nguồn vốn của Ngân hàng NNPTNT huyện Thuận Bắc để làm ăn.

Ý kiến trao đổi của ông Nguyễn Hữu Trí - Chủ tịch Hội Nông dân (ND) quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) sẽ góp phần làm rõ hơn kinh nghiệm, giải pháp xây dựng và phát triển Hội ND ở các vùng đô thị hóa hiện nay.

Sinh ra trong gia đình nghèo tại bản Thèn Pả, xã Tả Lèng, huyện Tam Đường (Lai Châu), anh Giàng A Sinh, dân tộc Mông, sinh năm 1970 sớm có suy nghĩ, trăn trở tìm cách vượt khó.