Chuyện Từ Mô Hình Cánh Đồng Mẫu Lớn Ở Thanh Ba
Gạt những giọt mồ hôi còn đọng lại sau khi thu những bao lúa từ ngoài đồng về nhà, ông Vi Văn Thắng ở xã Đông Thành, huyện Thanh Ba hồ hởi: Năm nay là năm đầu tiên tôi tham gia mô hình cánh đồng mẫu lớn, thấy kết quả cũng khá khả quan.
Nhờ áp dụng đúng hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, bà con cùng gieo cấy trong vòng 2 – 3 ngày; cùng gieo một giống lúa nên chăm sóc cũng khá thuận tiện. Khi làm cỏ, phun thuốc thì cả làng cùng làm vừa vui, vừa tránh được việc sâu bọ từ ruộng này tràn sang ruộng khác như trước kia nên dù là vụ mùa nhưng năng suất vẫn khá hơn so với mọi năm.
Mô hình cánh đồng mẫu lớn được cấy cùng giống, cùng trà, thuận tiện cho việc chăm sóc, áp dụng tiến bộ kỹ thuật nên mang lại hiệu quả cao hơn so với phương thức canh tác cũ.
Mô hình cánh đồng mẫu lớn ở Thanh Ba đã được triển khai khoảng 3 – 4 vụ, đã cho thấy nhiều tín hiệu tích cực. Đây là một trong những giải pháp quan trọng, lâu dài để đưa sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa; góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Mô hình cánh đồng mẫu lớn được khá đông bà con nông dân tham gia vì mang lại những hiệu quả rõ ràng, tránh được tập quán làm ruộng lạc hậu, manh mún như trước kia, đặc biệt là trong khâu chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, sử dụng máy móc trong sản xuất; giảm chi phí đầu vào...
Mô hình cánh đồng mẫu lớn cũng là một trong những giải pháp thuận lợi trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất để xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt việc lựa chọn giống phù hợp, áp dụng nghiêm các yêu cầu kỹ thuật sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với phương thức canh tác cũ.
Ông Nguyễn Đăng Điền, ở xã Đỗ Sơn cho biết: Trước kia làm ruộng mạnh nhà ai nhà nấy làm, người cấy sớm, người cấy muộn, nhà thì phun thuốc BVTV, nhà không nên sâu, bướm từ ruộng này lại chuyển sang ruộng khác dẫn đến không có hiệu quả.
Không chỉ vậy, nhiều khi muốn thuê máy cày, máy bừa để làm đất cũng khó vì diện tích nhỏ nên họ cũng không muốn làm. Bây giờ theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, gần như các hộ đều cùng đồng ý thuê máy móc nên vừa giảm được chi phí thuê, giảm được thời gian làm đất, gieo trồng đúng lịch thuận tiện cho vụ sản xuất tiếp theo.
Mô hình cánh đồng mẫu lớn cho thấy sản xuất lúa chất lượng theo hướng cánh đồng mẫu đã góp phần thay đổi tập quán canh tác cũ của người nông dân, chuyển sang áp dụng các TBKT, biện pháp canh tác mới, nâng cao trình độ kỹ thuật thâm canh góp phần tăng năng suất, sản lượng, tăng giá trị và hiệu quả trên một đơn vị diện tích; bước đầu hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã dịch vụ thực hiện các khâu dịch vụ cho sản xuất: Cung ứng vật tư, làm đất, phòng trừ sâu bệnh...
Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả đạt được thì vẫn còn những tồn tại, như ruộng đồng manh mún; số lượng hộ tham gia mô hình quá lớn tối thiểu cũng khoảng 70 – 80 hộ/mô hình, cá biệt có những mô hình lên đến 300 – 400 hộ; việc sử dụng cơ giới hóa hiệu quả chưa cao; hệ thống giao thông nội đồng, thủy lợi phục vụ cho tưới, tiêu còn chưa đáp ứng; sản phẩm đầu ra chưa được thu mua...
Do đó việc chỉ đạo sản xuất, nhất là trong khâu chăm bón gặp rất nhiều khó khăn. Theo ông Lê Xuân Dung, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện đánh giá:
Việc có quá nhiều hộ cùng tham gia mô hình khiến cho việc chỉ đạo gặp khá nhiều khó khăn, nhất là trong khâu chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh bởi có một số bà con vẫn còn quen canh tác theo phương thức cũ, không tuân thủ đúng các yêu cầu kỹ thuật như bón đủ lượng phân, bón lót, bón thúc đúng thời gian; phun thuốc trừ sâu đúng thời điểm... Những điều đó vô hình chung đã làm giảm hiệu quả mà mô hình mẫu mang lại.
Để mô hình cánh đồng mẫu lớn thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo tiền đề nhân rộng thì các địa phương cần nỗ lực thực hiện việc dồn điền đổi thửa; đẩy mạnh việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của bà con về việc áp dụng đúng quy trình kỹ thuât trong các khâu...
Có thể bạn quan tâm
Từ đầu tháng 2/2014 đến nay, ngư dân Bình Thuận đã đánh bắt được mùa cá cơm bội thu. Sau mỗi chuyến đi biển, thuyền khai thác ít nhất cũng được 2-3 tấn cá, thuyền nhiều hơn lên đến cả chục tấn.
Hơn 1 tuần nay, khi vụ đông xuân vào thời kỳ thu hoạch rộ, giá lúa tại ĐBSCL đã rớt từ 200- 500 đồng/kg. Thương lái thì bỏ hợp đồng.
Sáng nay (8/3), Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng BCĐ Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh Võ Kim Cự đã đi kiểm tra tiến độ thực hiện các tiêu chí nông thôn mới ở xã Thạch Đồng (TP Hà Tĩnh) và làm việc với cán bộ cốt cán các xã, phường có sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP Hà Tĩnh.
Theo báo cáo của Phòng kinh tế TP.Biên Hòa, đến nay đã có 126/247 hộ chăn nuôi cá bè tại các phường: An Bình, Tam Hiệp, Tân Mai, Thống Nhất và xã Hiệp Hòa đồng thuận thực hiện di dời các bè cá theo quy hoạch của UBND thành phố.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên tôm nuôi, việc phòng, chống dịch bệnh cũng như bảo vệ môi trường vùng nuôi là vấn đề bức xúc nhất hiện nay. Trong đó, thực hiện "ba không" (không giấu bệnh, không xả thải nước ao khi chưa được xử lý và không xả thải xác tôm chết do nhiễm bệnh ra môi trường) là giải pháp tốt nhất mà người nuôi tôm cần tuân thủ.