Chuyện thời cây quế lên ngôi tiền tỷ phơi giữa trời
Tiền tỷ “phơi” giữa trời
Khoảng 5 năm trở lại đây, trồng cây lâm nghiệp có nhiều biến động, bởi ngoài việc tăng nhanh về diện tích, người dân trong tỉnh “đổ xô” trồng quế. Chỉ tính riêng huyện Bảo Yên, trong 3 năm gần đây, diện tích quế tăng “chóng mặt”. Năm 2014, toàn tỉnh trồng được trên 3.000 ha quế, thì huyện Bảo Yên chiếm 50% diện tích, trong đó nhân dân tự bỏ vốn trồng được trên 800 ha quế.
Chúng tôi đến thăm nhà ông Nguyễn Văn Thanh, thôn Làng Đao, xã Xuân Hòa (Bảo Yên) khi biết ông vừa thu gần 500 triệu đồng từ bán quế. Chia sẻ niềm vui, ông Thanh cho biết: “Gia đình trồng quế từ năm 1995, năm 2013 đồi quế trồng đầu tiên đã cho thu nhập 400 triệu đồng, chưa kể trong khoảng 10 năm gần đây, mỗi năm thu tỉa từ 20 - 30 triệu đồng”. Năm 2014, gia đình ông Thanh trồng thêm 2 vạn cây giống quế, cũng như bà con trong thôn, 2 năm đầu ông trồng xen quế với sắn, đỡ công làm cỏ, lại có thu nhập. Vườn rừng gia đình ông Thanh có 6 ha, thì có tới 5 ha chuyên trồng quế, còn lại trồng cây ăn quả, rau xanh và nuôi cá.
Phong trào trồng quế phát triển mạnh, Xuân Hòa không còn đất trống, toàn xã có 7.565 ha thì cơ bản là trồng quế. Hằng năm, xã Xuân Hòa thu gần chục tỷ đồng tiền bán quế, nhiều nhà có những đồi quế giá trị từ 400 - 500 triệu đồng, thậm chí có những đồi quế hàng tỷ đồng không phải hiếm. Ông Trần Văn Kiên, Phó Bí thư Đảng ủy xã Xuân Hòa tâm sự: Nhiều nhà có vườn quế hàng tỷ đồng, nên mọi người vẫn thường nói vui với nhau rằng, nơi này “tiền tỷ phơi giữa trời”... Giờ đây, nhà nhà trồng quế, người người trồng quế, chỉ có điều, có còn đất để trồng nữa không mà thôi.
Vẫn nhớ vụ trồng rừng vừa qua, đến thăm vườn ươm cây giống lâm nghiệp của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Bảo Yên, đúng lúc xe chở giống cây mỡ từ xã về. Thấy vậy, anh Nguyễn Ngọc Long, chủ vườn ươm lý giải: Năm nay, mặc dù người dân đã đăng ký trồng cây mỡ, tuy nhiên khi chở cây giống đến tận nơi, nhưng vẫn phải mất công chở về vì “gia đình không trồng mỡ nữa mà thích trồng quế thôi”... đành tốn công chở cây giống quay trở lại vườn ươm chờ ngày xuất đi địa phương khác. Thế mới thấy, nhu cầu trồng cây quế tăng mạnh như thế nào.
Thời trước (những năm 1986 - 1987), quế trồng không ai mua, nhiều hộ dân “ngậm ngùi” chặt quế để làm củi. Qua “cơn bĩ cực”, đến nay, người trồng quế không chỉ bán vỏ quế mà còn có thu nhập thường xuyên mỗi năm từ tận thu tỉa thưa cành, lá quế. Cây quế ở Lào Cai được người dân một số địa phương trồng đã hơn 40 năm. Điển hình như ở Nậm Đét (Bắc Hà), hiện toàn xã có gần 1.160 ha quế, mỗi năm doanh thu của người trồng quế trên 10 tỷ đồng. Năm 2014, chỉ tính riêng tiền vỏ quế khô đã thu gần 12 tỷ đồng, ngoài ra còn trên 2 tỷ từ tiền bán cành lá, tinh dầu và gỗ quế.
Đúng là “hữu xạ tự nhiên hương”, khi có “đầu ra” ắt có “cung”, không cần phải tuyên truyền, mà chính người dân cũng tự ý thức việc mình nên trồng cây gì, nuôi con gì, để mang lại thu nhập cho gia đình. Chính vì vậy, hiện cây quế đang là cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao, mang lại nguồn thu chính cho một số hộ dân, góp phần nâng cao giá trị kinh tế lâm nghiệp nói riêng và công cuộc xóa đói, vươn lên làm giàu, xây dựng nông thôn mới nói chung tại nhiều địa phương trong tỉnh. Giá sản phẩm quế trong 2 năm gần đây được người dân bán từ 25.000 đồng - 35.000 đồng/kg quế vỏ khô; quế khô vụn bán từ 15.000 đồng - 17.000 đồng/kg; cành, lá có giá từ 1.300 đồng - 1.700 đồng/kg; gỗ quế bình quân từ 900.000 đồng - 1,1 triệu đồng/m3.
Thực tế, cây quế đang được người dân ưu tiên lựa chọn trong phát triển kinh tế lâm nghiệp, bởi chỉ sau 2 - 3 năm, có thể cho thu nhập từ thân, cành, lá quế (chế biến tinh dầu quế), những năm tiếp theo, lại tận thu bằng cách tỉa thưa cành. Từ năm 2012, đã có 2 công ty đầu tư lắp đặt nhà xưởng, thiết bị chiết xuất tinh dầu quế trên địa bàn tỉnh tại Xuân Quang (Bảo Thắng) và Tân Dương (Bảo Yên)… Phải khẳng định, việc xuất hiện các công ty chế biến tinh dầu quế giúp nông dân có thu nhập cao hơn từ cây quế. Nếu như, những thân, cành, lá quế trước đây nông dân phải “đau đầu” trong việc dọn rác vườn rừng thì nay chính những rác thải đó lại biến thành nguồn thu nhập khá cho người trồng quế.
Theo hoạch toán, trồng 1 ha quế, sau 15 năm, bán được khoảng 500 triệu đồng, bình quân mỗi năm thu 35 triệu đồng/ha, chưa kể tỉa thưa và bán cành, lá hằng năm. Ngoài giá trị thu nhập, một chu kỳ phát triển của rừng quế (15 năm) cũng cho lượng lưu trữ cacbon khá lớn, rút ngắn được khoảng cách xây dựng kiến thiết cơ bản (thời kỳ trồng cây chưa khép tán).
Năm 2012, toàn tỉnh mới có khoảng 4.000 ha quế, đến nay đã có hơn 9.000 ha, như vậy tính ra mỗi năm diện tích quế đã tăng gần 2.000 ha. Chỉ tính riêng trong năm 2014, đã có 3.000 ha quế được trồng mới. Năm 2015, theo kế hoạch, toàn tỉnh sẽ trồng 8.250 ha rừng, trong đó, nhân dân đăng ký trồng gần 4.000 ha quế, chiếm tỷ lệ gần 50% trong cơ cấu cây lâm nghiệp trồng mới. Như vậy, với hơn 9.000 ha quế hiện có, nếu nhân với giá thị trường thì đây là cả khối tài sản bạc tỷ.
Có thể bạn quan tâm
Tiếng thơm về quế Nậm Đét (Bắc Hà - Lào Cai) cùng câu chuyện “di thực” giống quế về trồng ở vùng đất này đã đi qua hơn 40 mùa quế dóc vỏ. Không riêng ở Nậm Đét, những đồi quế, nương quế trở thành nguồn thu nhập lớn cho nhiều gia đình trong tỉnh, làm “thay da, đổi thịt” biết bao miền quê. Đi đến đâu cũng nghe người dân bàn về việc trồng quế, nói chuyện về thu mua quế. Đó là câu chuyện của thời kỳ cây quế “lên ngôi”...
Thời gian qua, nông dân trên địa bàn TP Cần Thơ đã cải thiện thu nhập nhờ chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng sen lấy gương. Tuy nhiên, việc tiêu thụ gương sen tại thành phố phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Để nghề trồng sen phát triển bền vững, nông dân rất cần có doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm nhằm giúp giá cả đầu ra sản phẩm ổn định…
Hiện rệp sáp bột hồng phát sinh lây lan nhanh gây hại sắn trên diện rộng, đây là loại sâu hại nguy hiểm, rất khó phòng trừ và là đối tượng dịch hại mới ở Việt Nam. Tiến sĩ Ignazio Graziosi, chuyên gia của Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế khu vực châu Á (CIAT-Asia), đã đến Phú Yên để nghiên cứu mức độ gây hại và cách phòng trừ rệp sáp bột hồng. Báo Phú Yên phỏng vấn tiến sĩ Ignazio Graziosi xung quanh vấn đề này.
Nắng hạn kéo dài thuận lợi cho nạn bọ trĩ hoành hành đã khiến vụ xoài năm nay mất mùa, kết thúc sớm. Không chỉ người trồng xoài ở huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) thất thu, mà các vựa cũng lao đao...
5 năm trở lại đây, mô hình trồng đu đủ phát triển mạnh tại xã Hòa Long (TP. Bà Rịa) mang lại đời sống khấm khá hơn cho nhiều hộ gia đình.