Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vươn lên làm giàu từ nghề trồng cây kiểng

Vươn lên làm giàu từ nghề trồng cây kiểng
Tác giả: Thành HIệp
Ngày đăng: 09/02/2018

Ông Mai Hồng Thảo, 56 tuổi ở ấp Đông Nam, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre là một trong những nông dân tiêu biểu đã vươn lên giàu có từ nghề trồng cây kiểng.

Ông Mai Hồng Thảo trồng mật cật dưới tán cây mỗi tháng thu nhập 50 triệu đồng

Là người sống tại một làng hoa truyền thống nhiều năm, ông Thảo đã có dịp giao lưu, học hỏi với nhiều nghệ nhân cây kiểng lão thành. Vì vậy ông rất “máu lửa” với loại hình nghệ thuật này.

Không giống như các nhà vườn khác trồng đa dạng nhiều loại hoa kiểng, ông Thảo chỉ đầu tư một số chủng loại có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là cây cảnh phục vụ mùa tết.

Hiện ông đã tận dụng 10 công đất vườn để trồng vạn niên tùng, nguyệt quế, mai vàng và một số cây quý hiếm khác. Nhiều người nhận xét chỉ có những người đam mê cây cảnh và bản lĩnh như ông mới mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nông nghiệp đô thị năng suất cao.

Ông cho biết, mai vàng, vạn niên tùng và nguyệt quế là những loại cây quý hiếm. Theo quan niệm của người mình, cây kiểng càng lâu năm càng có giá trị. Hơn nữa, người Việt chơi kiểng rất tinh tế, thường chọn những cây có giá trị nghệ thuật và mang ý nghĩa tâm linh như vạn niên tùng - loại cây sống ngàn năm; như nguyệt quế có hương thơm thanh khiết; như mai vàng - loài hoa biểu tượng của mùa xuân… Do vậy, các loại cây này còn gọi là cây phong thủy nên ngày tết ai cũng muốn có một vài cây trước sân nhà để cầu tài, cầu lộc.

Là một người từng trải với nông nghiệp, từng trồng nhiều loại cây ăn trái và cây kiểng, ông Thảo đã nhạy bén với thị trường hoa kiểng nên bán được cây nào ông đều đầu tư mua thêm cây mới. Tính đến nay ông đã sở hữu trên 40 cây vạn niên tùng, giá bình quân mỗi cây 300 triệu đồng và vài chục cây nguyệt quế, mai vàng, giá bình quân 70 triệu/cây. Ngoài ra trong vườn còn hàng ngàn cây kiểng trung và kiểng nhỏ được uốn sửa công phu.

Ông cho biết, kinh doanh hoa kiểng rất có lời với điều kiện người trồng phải nắm vững kỹ thuật, nhạy bén với thị trường và dám mạnh dạn đầu tư. Điều quan trọng nhất là phải biết đánh giá cây “xem tướng cây” đẹp hay xấu để khi mua về, sau một thời gian o bế, uốn sửa cây nâng lên một giá trị mới, có thể vốn một lời mười. Ngược lại, nếu mua nhằm cây xấu, thân suôn đuột, bộ rễ lỏng lẻo, rời rạc không có “đường binh” coi như cầm chắc thua lỗ.

Ông Mai Hồng Thảo bên cạnh cây vạn niên tùng 50 tuổi có giá trị kinh tế trên 300 triệu đồng

Cách đây ba năm ông đã mua vô 3 cây nguyệt quế với giá vài chục triệu, chỉ sau một thời gian chăm sóc, uốn sửa, tết này ông đã bán được 220 triệu đồng.

Về cây kiểng cổ thụ, theo ông, mặc dù giá cao nhưng nhiều người đã dám bỏ ra tiền tỷ để mua về bố trí nơi công viên, công ty, xí nghiệp, khu du lịch và sân vườn. Nhờ vậy mà vườn kiểng của ông lúc nào cũng có đầu ra, mỗi năm thu lợi bạc tỷ. Đặc biệt năm nào kinh tế phát triển, địa phương có nhiều công trình, năm đó người kinh doanh cây kiểng như ông sẽ được mùa bội thu.

Để lấy ngắn nuôi dài, ngoài kiểng cổ thụ, ông còn trồng nhiều loại kiểng lá, kiểng màu như mật cật, trúc bách hợp dưới những tán cây để cung cấp cho các công trình. Chỉ riêng cây mật cật và trúc bách hợp mỗi tháng ông thu về khoảng 50 triệu đồng.

Hiện nay, ông đã ứng dụng khoa học công nghệ vào vườn kiểng. Toàn bộ diện tích trồng đều có gắn hệ thống phun tưới tự động nên đỡ tốn nhân công. Trong vườn ông vẫn nuôi cỏ để giữ độ ẩm cho cây, hàng tháng dùng máy cắt cỏ làm sạch vườn và lấy cỏ làm phân bón. Đối với những cây to thay vì cần đến 5 – 10 người khiêng, bứng, ông chỉ dùng cần cẩu nên đỡ tốn công lao động rất lớn.

Một góc vườn kiểng của ông Mai Hồng Thảo

Có thể nói ông Thảo là một nông dân vừa năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm vừa bản lĩnh, làm ăn chân thật nên được nhiều khách hàng trên cả nước tín nhiệm. Ông đã được UBND tỉnh Bến Tre tặng Bằng khen “Nông dân tiêu biểu sáng tạo”.


Có thể bạn quan tâm

Đào ao nuôi cá, lãi 200 triệu đồng/năm Đào ao nuôi cá, lãi 200 triệu đồng/năm

Đây là mô hình nuôi cá giống và cá thương phẩm của gia đình ông Đào Xuân Hiển, thôn Tân Lập 2, xã Lương Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) cho hiệu quả kinh tế

07/02/2018
Ứng dụng công nghệ sinh học nuôi gà đẻ trứng, lãi trên 700 triệu đồng/năm Ứng dụng công nghệ sinh học nuôi gà đẻ trứng, lãi trên 700 triệu đồng/năm

Anh Cấn Văn Mai ở thôn Cấn Thượng, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai (Hà Nội) đã thành công từ mô hình nuôi gà đẻ trứng trong nông hộ

08/02/2018
Kính nể người phụ nữ U60 kiếm tiền tỷ từ nghề 'ghép mắt' cây Kính nể người phụ nữ U60 kiếm tiền tỷ từ nghề 'ghép mắt' cây

Ít ai nghĩ người đàn bà hơn 60 tuổi có vóc dáng “lực điền” kia là một chủ vườn cây giống diện tích hơn 10 mẫu cho doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.

08/02/2018