Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chuyện Không Bình Thường Về Con Banh Lông

Chuyện Không Bình Thường Về Con Banh Lông
Ngày đăng: 16/05/2014

Vài tháng qua, tại một số xã giáp biển của huyện Hòn Đất (Kiên Giang), nhiều ngư dân đã chuyển hẳn từ bắt cá, ghẹ sang đánh bắt con banh lông, một loài thủy sản còn xa lạ với người dân Kiên Giang. Đã xuất hiện dấu hiệu bất thường, trong khi đó chính quyền địa phương và các ngành chức năng còn lúng túng.

Không biết mua làm gì

Tại xã Bình Sơn có rất nhiều ngư dân đã chuyển hẳn sang đánh bắt loài thủy sản này. Người dân cho biết, sở dĩ gọi là con banh lông vì hình thù nó tròn đỏ giống trái banh tennis. Mỗi con có trọng lượng khoảng 150gr-160gr, da nhám, nhớt.

Theo thống kê sơ bộ của UBND xã Bình Sơn, đã có 30-40 hộ dân trong xã làm nghề đánh bắt đã chuyển đổi nghề từ nghề bắt cá sang cào con banh lông. Giá mỗi kg banh lông ngư dân bán cho các đầu nậu đến từ huyện An Minh (Kiên Giang), Cà Mau có giá từ 500-600 nghìn đồng. Sau đó, các đầu nậu này bán lại cho thương lái Trung Quốc.

Đã có dấu hiệu không bình thường xảy ra. Tuy mới rộ lên khoảng vài tháng nay nhưng giá cả thu mua con banh lông rất bấp bênh, có lúc các đầu nậu không mua hàng khiến ngư dân hoang mang. Và hiện tại, thời điểm này các đầu mối đã ngừng thu mua. Ngư dân lo lắng không biết thời gian tới ra sao, còn hiện tại cuộc sống khó khăn vì không có thu nhập.

Theo ước tính, một chiếc tàu chuyển đổi ngư cụ đánh bắt tiêu tốn từ 10-20 triệu đồng. Còn mỗi chuyến ra khơi chi phí cũng khoảng 10 triệu đồng. Các tàu khai thác con banh lông phải ra xa khơi và cào sâu dưới lớp bùn đáy biển. Để khai thác được con banh loong, dụng cụ là cần cẩu và lồng cào được gắn phía sau tàu.

Ông Trần Tòng ngụ xã Bình Sơn cho biết: Ở khu vực này trước đây ngư dân không đánh bắt loại thủy sản này. Nhưng khoảng hai tháng nay, do ngư dân làm lưới ghẹ thất bát, thấy một số người xã bên chuyển đổi đánh bắt con banh lông có ăn nên gia đình ông và nhiều hộ dân trong xã cũng chuyển đổi theo.

“Gia đình tôi đầu tư kha khá, làm lồng cào bằng sắt, dây chạc khoảng 20 triệu đồng. Lúc đầu làm cũng được nhưng sau giá thấp quá lãi rất thấp, làm đỡ mùa này thôi chứ khoảng một tháng nữa biển động lại nghỉ. Khai thác con này ở khơi xa, biển sâu, cũng rất khó” - ông Tòng nói.

Mặc dù đã chuyển đổi sang đánh bắt con banh lông vài tháng qua, nhưng ông Tòng cũng như tất cả ngư dân ở đây vẫn chưa được biết các vựa hải sản thu mua con banh lông để làm gì và đem đi đâu tiêu thụ, chỉ mù mờ nghe bán lại cho thương lái Trung Quốc xuất khẩu.

Thậm chí những người dân không trực tiếp đánh bắt còn chưa thấy hình hài con banh lông. Bởi các ghe sau khi khai thác đã bán trực tiếp tại các đảo hoặc trên biển. “Mình chỉ biết khai thác thôi, còn con này họ mua để làm gì mình cũng không biết, gia đình cũng chưa ăn, cũng không thấy luôn” - vợ ông Tòng nói.

Lúng túng và thiếu trách nhiệm

Theo ông Hà Văn Hòa, ngụ ấp Thuận An, xã Bình Sơn, do có cung thì có cầu và nhu cầu khai thác con banh lông cũng mới đây. “Dân ở đây cũng không biết, thấy người ta làm thì mình làm theo.

Phần giá cả do doanh nghiệp quyết. Bà con ngư dân mong muốn ngành chức năng làm rõ việc các doanh nghiệp thu mua đem đi đâu, làm gì, để thông tin và định hướng cho người dân. Tránh xảy ra tình trạng tương tự như với con ốc bươu vàng, đỉa, lá điều, lá khoai lang… đã xảy ra tại một số địa phương trước đây” - ông Hòa đề nghị.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Hòn Đất cho biết: Cơ quan này đã báo cáo Sở NN&PTNT, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản đề nghị xem xét việc ngư dân chuyển đổi nghề sang đánh bắt con banh lông như hiện nay có đúng với các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản hay không.

Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Khải Chi cục trưởng Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Kiên Giang cho rằng: “Việc này chi cục không biết và cũng không quan tâm vì chi cục chỉ quản lý những loài có giá trị kinh tế cao”.

Còn ông Võ Quốc Trung, Chánh thanh tra Sở NN&PTNT Kiên Giang cho hay, thanh tra sở đã tiến hành lấy mẫu và đã gửi mẫu về Viện Hải Dương học ở Nha Trang nhờ phân tích xem là con gì, đặc tính… để có biện pháp quản lý khai thác tốt, đồng thời có cơ sở cảnh báo, bảo vệ bà con ngư dân.

Việc người dân chuyển đổi sang đánh bắt một loài thủy sản mà chính họ cũng không rõ giá trị sử dụng và giá trị hàng hóa là điều đánh chê trách. Nhưng có lẽ đánh chê trách hơn chính là việc chính quyền địa phương và các ngành chức năng quá thụ động trong công tác quản lý và có phần thờ ơ đối với nguy cơ thiệt hại về kinh tế của người dân.


Có thể bạn quan tâm

Qua Khảo Sát Nghề Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Còn Nhiều Bất Cập Về Kỹ Thuật Và Môi Trường Qua Khảo Sát Nghề Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Còn Nhiều Bất Cập Về Kỹ Thuật Và Môi Trường

Ða số người nuôi tôm có trình độ kỹ thuật thấp, tôm giống không qua kiểm dịch còn cao, thả nuôi mật độ dày… là những lý do khiến cho nghề nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) ở tỉnh Bình Định luôn trong tình trạng không bền vững vì dịch bệnh tôm nuôi. Ðây là kết quả nghiên cứu do Chi cục Thú y thực hiện.

21/06/2013
Ra Tù Làm... Ông Chủ Ra Tù Làm... Ông Chủ

Được đặc xá ra tù, Trần Văn Dương (SN 1965, xã Đức Long, Đức Thọ, Hà Tĩnh) lăn lộn học hỏi kinh nghiệm làm trang trại. Sau gần chục năm tích lũy kinh nghiệm anh về quê lập nghiệp, đến nay trang trại của anh có thu nhập tiền tỷ.

22/06/2013
Khuyến Cáo Người Dân Nuôi Tôm Nên Xây Dựng Ao Lắng Ở Long An Khuyến Cáo Người Dân Nuôi Tôm Nên Xây Dựng Ao Lắng Ở Long An

Hiện nay, các huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ, Châu Thành (Long An) thả hơn 3.400 ha tôm thẻ, tôm chân trắng; trong đó đã có 40% diện tích nuôi tôm bị bệnh đốm trắng chết. Nhiều hộ mới vừa thả con giống được 15 - 20 ngày, tôm bị sốc nước chết, nên tháo xả ra sông gây thiệt hại không nhỏ.

05/03/2013
Vào Mùa Đánh Bắt Cá Bông Lau Trên Sông Vàm Nao Ở An Giang Vào Mùa Đánh Bắt Cá Bông Lau Trên Sông Vàm Nao Ở An Giang

Ấp Bình Thới và Bình Thiện (xã Bình Thủy, huyện Châu Phú - An Giang) hiện có gần 20 hộ làm nghề đánh bắt cá bông lau. Chị Bùi Thị Dành (ngụ ấp Bình Thới), có hơn 30 năm trong nghề đánh bắt cá bông lau cho biết, hiện trên sông Vàm Nao, người dân đánh bắt cá bông lau bằng cách dùng lưới đăng (hay còn gọi là lưới ngầm) và lưới thả dùng đánh bắt vào ban đêm. Từ đầu mùa đánh bắt đến nay, chị Dành đã bắt được 9 con cá bông lau, mỗi con nặng từ 3 - 8kg; giá bán cho thương lái thời điểm đầu mùa từ 160 - 180 ngàn đồng/kg, còn hiện tại khoảng 120 ngàn đồng/kg.

07/03/2013
Nông Dân Méo Mặt Vì Nông Dân Méo Mặt Vì "Bệnh Lạ" Trên Cây Bắp Ở Nghĩa Hành (Quảng Ngãi)

Hàng chục hộ dân ở xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành - Quảng Ngãi) mất ăn, mất ngủ vì cây bắp (ngô) bị "bệnh lạ" tấn công khiến cho cây bắp không phát triển. Nhiều hộ nông dân đang đứng trước nguy cơ mất trắng một mùa vụ trồng bắp.

07/03/2013