Chuyển đổi để né hạn
Tại Phú Yên, Bộ NN-PTNT vừa tổ chức hội nghị “Sơ kết SX trồng trọt và chuyển đổi cơ cấu cây trồng vụ ĐX 2014-2015, triển khai kế hoạch vụ HT, mùa 2015 vùng duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên, bàn giải pháp chống hạn".
Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, vụ ĐX 2014 - 2015 toàn vùng gieo trồng 262.910 ha, giảm 3.300 ha so với năm ngoái.
Hiện lúa ĐX đã thu hoạch khoảng 60.000 ha, trong đó Nam Trung bộ khoảng 40.000 ha. Tình hình sâu bệnh hại có xu hướng gia tăng, cơ quan BVTV các địa phương đang tập trung chỉ đạo phòng trừ.
“Năng suất lúa ước đạt 62 tạ/ha; sản lượng 1.629.000 tấn gạo, giảm 35.000 tấn so cùng kỳ. Nguyên nhân do nhiều yếu tố khách quan về khô hạn nên giảm cả diện tích và năng suất so với cùng kỳ”, ông Hòa chia sẻ.
Các địa phương đã chuyển đổi cây trồng trên đất lúa sang cây trồng cạn ngắn ngày đạt 4.881 ha, trong đó Nam Trung bộ chuyển 1.932 ha gồm ngô lai, lạc, dưa, ớt và cỏ chăn nuôi… Kết quả chuyển đổi có lợi nhuận tăng từ 1,5 - 3 lần so với trồng lúa, doanh thu hàng trăm triệu đồng/ha.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết, từ đầu năm 2015 đến nay, lượng mưa đo được hầu hết các tỉnh khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên đều thấp hơn trung bình nhiều năm, một số điểm hầu như không mưa như Phan Rang, Phan Thiết, Phú Qúy, Pleiku, Buôn Mê Thuột.
Lượng nước trữ tại các hồ chứa thủy lợi hiện nay cũng đang ở mức thấp so với dung tích thiết kế. Cụ thể, các hồ chứa đập tràn từ Đà Nẵng đến Phú Yên đạt khoảng 70 - 80%; Ninh Thuận 13%; Khánh Hòa 32% so với dung tích thiết kế. Còn Tây Nguyên dung tích trữ các hồ chứa hiện tại đạt 40 - 60%, một số hồ dung tích trữ thấp như Đắc Uy 35%, Ea Kao 26%, Đắk Lô 42%.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, nguy cơ khô hạn, thiếu nước và xâm nhập mặn có thể diễn ra nghiêm trọng trong mùa khô năm 2015 tại Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Từ tháng 4 - 8 lượng mưa sẽ thấp hơn với trung bình nhiều năm cùng kỳ. Tổng lượng mưa các nơi trong khu vực phổ biến từ 300 - 500mm, thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 20 - 50%; nền nhiệt độ trong mùa khô phổ biến ở mức cao hơn TBNN từ 0,5 - 1 độ C.
Đứng trước tình hình hạn hán được dự báo tiếp tục kéo dài cho tới tháng 9/2015. Tại hội nghị nhiều địa phương đã thảo luận đưa ra nhiều giải pháp tổ chức SX và phòng chống hạn.
Ông Phan Quang Thựu, PGĐ Sở NN-PTNT Ninh Thuận cho biết: “Vụ ĐX năm nay Ninh Thuận buộc dừng SX hơn 6.000 ha để đảm bảo nước tưới. Trong vụ HT tới chúng tôi tiếp tục thực hiện giải pháp trên và tùy theo điều kiện nguồn nước hiện có để chỉ đạo SX, ưu tiên nước sinh hoạt và chăn nuôi”.
Còn ông Nguyễn Trọng Tùng, GĐ Sở NN-PTNT Phú Yên đề nghị Bộ NN-PTNT có cơ chế chính sách hỗ trợ nông dân chuyển đổi cây trồng. Về phía địa phương, Sở NN-PTNT sẽ tổng kết đánh giá hiệu quả SX cây trồng cạn ở từng vùng; đề xuất UBND tỉnh có cơ chế hỗ trợ riêng.
Ông Phạm Hữu Hào, PGĐ Sở NN-PTNT Đắk Nông cho biết, đến nay địa phương có hơn 3.000 ha cà phê thiếu nước tưới phải sử dụng bơm chuyền dẫn nguồn nước ở phía đông QL14 sang phía bắc QL14. Sở chỉ đạo các địa phương tạm dừng SX lúa, ưu tiên nước cho cây cà phê. Đồng thời tích trữ nguồn nước, khuyến khích người dân đào ao để tích nước chống hạn.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đề nghị các địa phương tập trung chăm sóc lúa xuân, bởi còn khoảng 1 tháng nữa vụ ĐX mới kết thúc, đồng thời rà soát nguồn nước để lên phương án SX cho vụ HT tới.
Tổng cục Thủy lợi cập nhật nguồn nước các hồ chứa để thông báo cho các địa phương lên phương án SX, cơ cấu cây trồng, làm việc với các NM thủy điện để lên kế hoạch cung cấp nước hợp lý cho từng địa phương.
Cục Trồng trọt hướng dẫn các tỉnh cơ cấu cây trồng. Cục BVTV chỉ đạo các trung tâm, chi cục hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh để tránh tình trạng mất mùa kép.
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các viện tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình chuyển đổi cây trồng hiệu quả cho từng tỉnh.
"Về kiến nghị hỗ trợ chính sách SX, chuyển đổi cây trồng, nạo vét hồ đập... của các địa phương, Bộ NN-PTNT ghi nhận và xem xét giải quyết", Thứ trưởng Lê Quốc Doanh.
Có thể bạn quan tâm
Đây là hoạt động thuộc dự án “Nâng cao sức sản xuất bền vững và hiệu quả của các hộ chăn nuôi bò ở miền Trung Việt Nam-LPS/2012/062”, do Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế (ACIAR) tài trợ. Tham dự có tiến sĩ Laurie Bonne, chuyên gia nghiên cứu chuỗi giá trị ở Úc và phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Xuân Bản, Trường đại học Nông lâm Huế, chủ nhiệm dự án.
Với nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi, Quảng Ninh là tỉnh có tiềm năng rất lớn về nuôi trồng thuỷ sản trên cả 3 loại hình nước mặn, nước lợ và nước ngọt; không những thế, số loài thuỷ sản thích nghi tốt với môi trường ở Quảng Ninh cũng rất phong phú, đa dạng. Thế nhưng, thật đáng tiếc là đến nay, nguồn giống thuỷ sản sản xuất tại chỗ của tỉnh mới chỉ đáp ứng được 19,8% so với nhu cầu thực tế...
Chịu lãi suất cao khi vay “nóng” để lo chi phí chuyến biển khiến hiệu quả khai thác của ngư dân chưa cao. Theo chính sách mới, Nhà nước cho vay 70% chi phí chuyến biển sẽ tạo điều kiện cho ngư dân yên tâm bám biển.
Mới đây, tại xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, Bình Định), Hội Cựu chiến binh (CCB) xã đã triển khai một mô hình nuôi trồng hải sản mới, đó là nuôi ghẹ xanh thương phẩm trên biển. Mô hình nhằm mục đích tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho hội viên CCB ở địa phương.
Vào mùa này của khoảng 4 - 5 năm trước, trên tỉnh lộ ĐT 615, qua địa phận huyện Tiên Phước, cảnh mua bán chuyên chở cau tươi hối hả ngược xuôi. Đây là thời điểm mà gần như vườn nhà nào ở các xã Tiên Cẩm, Tiên Lãnh (Tiên Phước) đều trồng cau.