Chuyển Diện Tích Cà Phê Già Cỗi Sang Trồng Ca Cao
Ngoài việc tiếp tục trồng cây ca cao xen canh với vườn dừa, vườn điều, trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) cũng xem xét chuyển đổi một số diện tích cà phê già cỗi ở các tỉnh Tây Nguyên sang cây ca cao.
Ngày 13-12, tại TPHCM, Bộ NN-PTNT và Đại sứ quán Bỉ đã tổ chức hội nghị bàn tròn thúc đẩy sự phát triển ngành ca cao Việt Nam. Mục đích của hội nghị là thảo luận làm sao để người dân không tiếp tục chặt bỏ ca cao và đưa ra những biện pháp để giúp tăng thêm diện tích trồng ca cao trong thời gian tới.
Theo ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cây ca cao được trồng ở Việt Nam vào năm 2004- 2005, khi mà nhiều diện tích đất đã trồng các loại cây trồng khác, vì thế, chỉ còn cách trồng cây ca cao xen với những cây khác như dừa, điều, cao su.
Theo Bộ NN-PTNT, thời gian qua, tại Tây Nguyên đã có một số diện tích ca cao trồng thay thế cây cà phê già cỗi đã cho năng suất cao nên sẽ xem xét đến việc chuyển một phần diện tích cà phê già cỗi sang cây ca cao, thay vì, trồng lại cà phê.
Theo Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa), hiện Việt Nam có khoảng 200.000 héc ta cà phê (tương đương 30% tổng diện tích) có độ tuổi từ 20-25 năm với sản lượng trung bình 1,5 tấn/héc ta, thấp hơn gần 1 tấn/héc ta so với mức trung bình của cả nước đang cần được tái canh trong những năm tới.
Ông Phan Văn Khổng, Giám đốc Trung tâm khuyến nông Bến Tre, tỉnh có diện tích trồng ca cao lớn nhất cả nước cho biết, để phát triển cây ca cao thì phải làm sao để giá bán ca cao của người dân luôn luôn ổn định.
“Giá ca cao không ổn định trong những tháng qua là một trong những thách thức đối với việc phát triển ca cao của các tỉnh có thể trồng ca cao”, ông Khổng nói.
Thống kê của Bộ NN-PTNT, trong thời gian qua, do giá ca cao liên tiếp rớt giá nên đã có khoảng 3.000 héc ta trồng ca cao đã bị người dân chặt bỏ, chuyển sang trồng cây khác. Vì thế, hiện diện tích trồng ca cao cả nước vào khoảng 21.000 héc ta.
Lý do để người dân chặt bỏ ca cao là do giá mua của các công ty có thời điểm chỉ ở mức 3.000 đồng/kg trái tươi. Tuy nhiên, theo tính toán của người dân trồng ca cao, để không chặt bỏ cây này thì giá ca cao phải duy trì ở mức trên 5.000 đồng/kg trái tươi.
Hiện giá ca cao đang được các nhà máy máy sơ chế ca cao mua tại nhà máy với giá 5.200 đồng/kg, còn nông dân chỉ bán cho thương lái với giá 4.700 đồng/kg trái tươi, cao hơn khoảng 1.700 đồng/kg so với thời điểm trước tháng 8-2013. Tuy nhiên, theo Cục trồng trọt, Bộ NN-PTNT, mức giá này mới chỉ giúp người nông dân hòa vốn.
Theo quy hoạch của Bộ NN-PTNT, đến năm 2015 diện tích trồng ca cao của Việt Nam là 35.000 héc ta, và đạt 50.000 héc ta vào năm 2020.
Có thể bạn quan tâm
Chuyển động sau khi TPP được công bố, VN phải thay đổi từ khâu chọn giống, sản xuất cho đến việc xây dựng thương hiệu cho hạt gạo..
Gạo Việt dường như biến mất trên thị trường thế giới vì không có thương hiệu và bị các nước nhập khẩu “thay tên, đổi chủ”.
Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho rằng, để ngành chăn nuôi sống tốt trong sân chơi TPP cần đổi mới phương thức sản xuất.
Các hãng cà phê ngoại đưa nhà máy chế biến tại Việt Nam đi vào hoạt động, cơ sở rang xay nhỏ lẻ phát triển... tạo cơ hội cho xuất khẩu cà phê chế biến tăng cao.
Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tổng giá trị xuất khẩu cá tra trong 10 tháng của năm 2015 chỉ đạt 1,3 tỷ đô la Mỹ, giảm đến 12% so với cùng kỳ năm trước.