Chuyện Dài Nông Sản Tiểu Ngạch Ai Lo Kiếm Thị Trường Cho Nông Dân?
Tuần qua, nỗi lo Trung Quốc cấm biên, nông sản ứ hàng rớt giá thành đề tài nóng xôn xao các thị trường và làm nhức đầu nông dân các tỉnh, nhất là đồng bằng sông Cửu Long.
Phóng viên đã toả đi khắp các thị trường viết các phóng sự từ thực tiễn sống động về nhiều giải pháp đa dạng cho đầu ra của nông sản, từ chuyển ngành trồng trọt chế biến (từ lúa sang bắp) hay chuyển đổi, đa dạng hoá thị trường cho sản phẩm chăn nuôi, cho hàng công nghệ thực phẩm, đến tìm cách gia tăng giá trị bằng chế biến sâu nông sản nguyên liệu (khoai, mì) đưa vào chuỗi sản xuất chế biến xuất khẩu, cho đến giải pháp quyết liệt nhất là dứt khoát chuyển hẳn từ phương cách buôn bán tiểu ngạch sang làm ăn chính ngạch với Trung Quốc.
Đây cũng sẽ là chủ điểm thời sự dài. Mong sẽ nhận được hưởng ứng để giới thiệu tiếp tục các giải pháp từ hoạt động kinh doanh của nông dân và doanh nghiệp.
“Chúng tôi vừa nhận được thông tin, phía Trung Quốc đang tăng cường giám sát xuất nhập khẩu tiểu ngạch. Thời gian tới, thậm chí một số cửa khẩu có khả năng sẽ dừng một thời gian để họ chấn chỉnh các quy định”.
Đó là thông do thứ trưởng bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Công Tuấn đưa ra tại buổi họp báo sơ kết sáu tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm của bộ này vào chiều ngày 27.6.
Mỗi lần có thông tin Trung Quốc đóng biên, người ta nghĩ ngay đến chuyện nông sản sụt giá và ngược lại. Đây là câu chuyện không mới của xuất khẩu.
Chuyện đã mười năm
Ngay từ năm 2005, một hội nghị của bộ Thương mại (cũ) đã gióng lên tiếng chuông “Việt Nam đã quá phụ thuộc vào hình thức buôn bán tiểu ngạch nên khi chính sách biên mậu thay đổi thì xuất khẩu gặp khó” và “các doanh nghiệp cần hạn chế thói quen buôn bán tiểu ngạch, chuyển qua kinh doanh chính ngạch”.
Sau cả chục năm, chúng ta vẫn nghe lại “tiếng chuông” cũ và có thể sẽ tiếp tục nghe. Vì sao?
Chúng ta nói doanh nghiệp phải chuyển sang chính ngạch nhưng đã không có chính sách gì hoặc chính sách thực thi không hiệu quả để hỗ trợ chuyển đổi. Thương nhân Trung Quốc vẫn tự do thoải mái chi phối việc mua hàng hoá Việt Nam.
Họ tạo điều kiện cho những cách làm khiến hàng hoá Việt Nam mất uy tín như gắn đinh vào tôm, trộn bùn đất vào chè xanh… Trong khi đó, những người cố gắng làm hàng tốt lại không được hỗ trợ tìm thị trường, hỗ trợ có một môi trường cạnh tranh công bằng để phát triển.
Đơn giản, dễ thấy là nhiều người sản xuất rau, thịt theo GlobalGAP phải bán với giá bằng với rau, thịt sản xuất theo quy trình thông thường. Khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch trong khi chính sách thuế xuất nhập khẩu, thủ tục hải quan chưa thuận lợi.
Hầu hết các cuộc tiếp xúc giữa chính quyền và doanh nghiệp nhằm “tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”, đều có doanh nghiệp than phiền về thuế, hải quan.
Ai lo kiếm thị trường cho nông dân?
Tại diễn đàn Kinh tế mùa xuân 2014, tiến sĩ Đặng Kim Sơn, viện trưởng viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn cho rằng Việt Nam đã có nhiều chính sách thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, tạo nên thừa cung.
Còn bà Võ Mai, phó chủ tịch hội Làm vườn Việt Nam, nhận xét: ở Việt Nam, mỗi nông dân là một cá thể trồng trái cây. Họ không được tổ chức, không được hướng dẫn, đến mùa vụ chỉ biết thu hoạch sản phẩm bán cho thương lái là xong. Một cách làm theo kiểu sản xuất không gắn với thị trường, để nông dân tự bơi thì chỉ có bán cho Trung Quốc.
Xuất khẩu là vậy, còn ở thị trường nội địa, thứ trưởng bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, để giảm nhập siêu từ Trung Quốc, cần tăng xuất khẩu, giảm nhập khẩu, trong đó, biện pháp quyết liệt là người Việt ưu tiên dùng hàng Việt.
Thực sự thì “Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được khởi xướng từ TP.HCM cách đây gần 20 năm với chương trình Hàng Việt Nam chất lượng cao. Doanh nghiệp nỗ lực khẳng định không ngừng nhưng vẫn cần môi trường cạnh tranh công bằng và chính sách hỗ trợ phù hợp.
Thực chất các giải pháp mà các chuyên gia, doanh nghiệp nêu ra gần đây chính là những giải pháp nâng cao nội lực của nền kinh tế, và cũng đã được các chuyên gia, doanh nghiệp kiến nghị, mổ xẻ nhiều lần, từ lâu…
Theo Báo cáo nghiên cứu tác động của cam kết mở cửa thị trường trong WTO và các hiệp định khu vực thương mại tự do đến hoạt động sản xuất, thương mại của Việt Nam do nhóm của nguyên bộ trưởng bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, công bố từ ba năm trước đã nhấn mạnh:
“Theo đuổi các mục tiêu hội nhập và phát triển bền vững trong thời đại ngày nay phải được thực hiện bằng các công cụ chính sách tinh vi hơn, khoa học hơn và có tính liên ngành, đa ngành hơn…
Cùng với tạo dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng và điều kiện tiếp cận tín dụng, mặt bằng sản xuất thuận lợi hơn, việc thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia ngày càng sâu và ở tầng cao hơn trong mạng sản xuất có ý nghĩa rất lớn trong nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp”.
Có thể bạn quan tâm
Gạo Việt tăng mạnh khi cầu vượt cung song, Việt Nam có thể phải trả giá vì Thái Lan vẫn giữ giá, tấn công thị trường xuất khẩu truyền thống của VN.
Đáng chú ý là bệnh do nấm và vi khuẩn. Toàn tỉnh có trên 1.550 ha bị nhiễm bệnh cháy bìa lá, tỉ lệ phổ biến từ 10% đến 20% lá, trong đó có 178 ha bị nhiễm đến 40% lá. Bên cạnh đó, bệnh đạo ôn cổ bông cũng xuất hiện trên diện tích hơn 800 ha, đã có một số diện tích bị nhiễm đến 20% bông.
Chỉ trong tuần cuối tháng 7, giá lúa tại đồng bằng sông Cửu Long đã tăng 400-500 đồng/kg, vượt lên mức cao nhất trong một năm qua. Đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết sắp tới Philippines sẽ ký hợp đồng mua 500.000 tấn gạo Việt Nam.
Có mặt trên vùng duyên hải Nam Trung Bộ khô hạn từ hơn 100 năm trước, cây nho ở Ninh Thuận được ví như cây trồng “nữ hoàng”, giúp người dân miền gió cát thoát nghèo, thậm chí không ít người vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, thực tế nho Ninh Thuận hiện chưa phát triển ngang tầm với danh hiệu độc tôn của nó.
Để bảo vệ vườn chuối, Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên đề nghị địa phương tổ chức tập huấn cho người trồng chuối về kỹ thuật canh tác và phòng trừ sâu bệnh hại chuối, đồng thời tiến hành áp dụng mô hình trồng chuối cao sản để nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân.