Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chết Hàng Loạt Actiso Mới Xuống

Chết Hàng Loạt Actiso Mới Xuống
Ngày đăng: 31/07/2013

Sau vụ mùa actiso được giá nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, người trồng actiso ở phường 12-Tp.Đà Lạt (nơi có diện tích actiso nhiều nhất Đà Lạt) lại đang phải đối mặt với nguy cơ trắng tay trong mùa vụ năm nay, dù mới chỉ xuống giống từ đầu tháng 5. Những cơn mưa dầm, dài lê thê trong thời gian vừa qua, đã khiến phần lớn cây con vừa mới quen mùi đất thối rễ, ngả vàng lá chết hàng loạt.

Do năm nay actiso được giá, nên nhiều người dân ở khu vực phường 12 đã dành phần lớn diện tích đất trồng actiso, thay vì trồng hoa như trước đây. Chỉ mới bắt đầu vào vụ mới, tuy nhiên tổng diện tích gieo trồng actiso trên địa bàn đã tăng lên 10%.

Phường 12 là địa phương trồng actiso nhiều nhất (50 hecta), chiếm tới 80% diện tích của cả Tp.Đà Lạt. Cây actiso, một loại cây được xem là cây làm giàu của nông dân Đà Lạt, tuy nhiên đã từng có thời điểm loại cây này bị người dân phá bỏ bởi hiệu quả thấp và khả năng sinh lời trên một diện tích đất canh tác chậm vì cây actiso phải trồng đúng một năm mới cho thu hoạch.

Cũng chính vì diện tích bị thu hẹp, nên mặt hàng actiso ngày càng trở nên khan hiếm trên thị trường, thời gian vừa qua giá của loại nông sản này đã có lúc nhảy vọt lên đến ngưỡng 650.000 đ/1 kg bông actiso khô.

Thời điểm đầu tháng 5 vừa qua, người dân phường 12, gần như đồng loạt xuống giống với rất nhiều hy vọng thêm một vụ mùa thành công. Tuy nhiên, những cơn mưa dầm dai dẳng, ảnh hưởng bởi những trận bão, áp thấp nhiệt đới trong thời gian vừa qua đã khiến công sức và tiền bạc của người dân canh tác loại nông sản này đổ xuống sông biển.

Ông Hình Đình Vinh - Vườn đồi 4, phường 12 than thở: Mùa này gia đình tôi xuống giống gần 3 sào, nhưng đến thời điểm hiện tại chỉ còn được hơn nửa sào. Mưa to một vài trận thì không ảnh hưởng, nhưng mưa dầm làm thối rễ khiến actiso chết như ngả rạ. Vụ mùa này coi như kế hoạch trồng actiso của gia đình tôi bị phá sản, bởi mất mùa ngay từ khi xuống giống.

Theo tính toán sơ bộ của Hội Nông dân phường 12 và phần lớn của các hộ canh tác actiso nơi đây, những cơn mưa rả rích trong thời gian vừa qua đã khiến 80% diện tích cây actiso vừa mới gieo trồng bị mất trắng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở thời điểm hiện tại, giá một cây con actiso có giá lên đến 9.000đ (giá bình thường là 5.000đ) nhưng cũng không hề còn hàng để người trồng mua về gieo lại trên diện tích đã bị mất. Ở Đà Lạt, chỉ có một số ít cơ sở nuôi cấy mô, nhân giống loại cây này, nhưng cây lại quá nhỏ và những người nông dân có thâm niên canh tác loại cây này cũng không dám mạo hiểm mua về để trồng, bởi họ cho rằng sẽ thật mạo hiểm và gần như đánh bạc với loại cây giống actiso được nhân bằng nuôi cấy mô.

Theo thói quen và kinh nghiệm của những người nông dân ở khu vực trồng actiso truyền thống này, họ thường xuống giống bằng trối cây (bộ phận gộc rễ, sau khi thu hoạch hết được chẻ ra và sau đó ương theo phương pháp truyền thống) và cây con tự nhân được nuôi trong một thời gian dài.

Gần như có thể khẳng định, sẽ có vụ mất mùa actiso ở phường 12, nơi chiếm đến 80% diện tích actiso của cả Đà Lạt. Việc mất mùa actiso không chỉ đơn thuần là công sức, mồ hôi, tiền của của người nông dân "một nắng hai sương" mà còn kéo theo cả chuỗi hệ lụy khác. "Mất mùa dẫn đến khan hiếm hàng hóa, cung không đủ cầu, bởi actiso luôn là mặt hàng được lựa chọn hàng đầu của du khách khi đến Đà Lạt du lịch. Không có actiso nguyên liệu để sản xuất thành phẩm, để cung cấp cho thị trường, điều này vô tình gây khó khăn cho người kinh doanh và cũng vô tình có những tác động không nhỏ đến việc gây biến động cho thị trường mua bán", bà Nguyễn Thị Lộc - Chủ tịch HĐQT Công ty Trà Ngọc Duy, một trong những công ty có thương hiệu lớn về trà actiso cho biết.

Actiso là loại nông sản có giá trị đặc biệt, rất riêng và vô cùng đặc trưng của Đà Lạt. Tuy nhiên, hiện tại người trồng, người kinh doanh và những người đang xây dựng (cổ súy) thương hiệu loại nông sản này lại chưa hề có một cái "bắt tay" đồng hiệp. Giá như, có một hiệp hội, xâu chuỗi từ khâu giống đến giá bán niêm yết trên mỗi sạp hàng, để tương trợ mỗi khi gặp sự cố(như những mặt hàng nông sản khác đã xây dựng và khẳng định được thương hiệu của Đà Lạt), chắc hẳn sẽ không có câu chuyện actiso bị mất mùa ngay từ khi xuống giống vì lý do khách quan (thời tiết) ở khu vực trồng actiso nhiều nhất Đà Lạt trong thời gian vừa qua. Câu hỏi ấy, vẫn còn nguyên dấu chấm hỏi, dù không khó để tháo gỡ.


Có thể bạn quan tâm

Nâng cao hiệu quả mô hình tôm - lúa trước tác động biến đổi khí hậu Nâng cao hiệu quả mô hình tôm - lúa trước tác động biến đổi khí hậu

Mô hình luân canh tôm - lúa ở ĐBSCL được xem là mô hình sản xuất nông nghiệp “thông minh” do có thể trồng lúa vào mùa mưa và nuôi tôm vào mùa khô

31/10/2016
Gạo vuông tôm và cơ hội đến thị trường Gạo vuông tôm và cơ hội đến thị trường

Gạo vuông tôm - tức là gạo được xát từ lúa trồng xen canh, luân canh trên vuông tôm - có tiềm năng được khách hàng đón nhận trong xu hướng tiêu dùng hướng đến

31/10/2016
Tỷ phú chữ làm giàu bằng rau sạch Tỷ phú chữ làm giàu bằng rau sạch

Bỏ ngang nghề viết lách cho một tạp chí kinh tế, về quê anh thuê đất trồng rau sạch, mỗi tháng bỏ túi từ 20-30 triệu đồng.

31/10/2016
Từ người làm thuê trở thành chủ trang trại nấm tiền tỷ Từ người làm thuê trở thành chủ trang trại nấm tiền tỷ

Từ gia cảnh khó khăn, phải đi làm thuê mưu sinh, ông Thạch ở Thanh Hóa đã vươn lên bằng nghề trồng nấm. Trang trại cho thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm

01/11/2016
Liều trồng bưởi, lãi trăm triệu Liều trồng bưởi, lãi trăm triệu

Mạnh dạn chặt bỏ vườn nhãn cằn cỗi, kém hiệu quả, ông Đào Văn Minh, ở ấp Quới Thạnh Đông, xã Quới Sơn, huyện Châu Thành (Bến Tre) chuyển sang trồng bưởi da xanh

02/11/2016