Chuyển Biến Nhận Thức Người Dân Từ Các Mô Hình Kinh Tế
Với đặc thù 2/3 dân di cư từ nơi khác đến, nguyên nhân đói nghèo ở Mường Nhé một phần do người dân thiếu tư liệu sản xuất, phương thức sản xuất lạc hậu, người dân chưa thực sự nỗ lực vươn lên thoát nghèo...
Đứng trước thực trạng đó, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, huyện Mường Nhé đã xác định rõ hướng phát triển kinh tế, giúp người dân từng bước thoát nghèo bằng việc xây dựng các mô hình kinh tế nông – lâm... làm chuyển biến dần nhận thức của người dân.
Ông Lê Thành Đô, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Bí thư Huyện ủy Mường Nhé, cho biết: Xuất phát từ điều kiện thực tế, Mường Nhé đã xác định mục tiêu giảm nghèo bền vững là phát triển tiềm năng kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp mở rộng diện tích ruộng nước và nhân rộng các mô hình kinh tế nông, lâm nhằm đảm bảo nguồn lương thực, phát triển rừng sản xuất và chăn nuôi gia súc, gia cầm...
Chính vì vậy mà hàng loạt các mô hình kinh tế nông – lâm được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Nhé kết hợp cùng Trạm Khuyến nông Khuyến ngư huyện hướng dẫn người dân thực hiện có thể kể đến các mô hình như: Trồng cà phê, trồng cam, cấy lúa nước vụ chiêm xuân, nuôi dê, thả cá, nuôi vịt… được triển khai ở nhiều xã trong huyện.
Nhiều khu đất bị hoang hóa, thiếu nước tưới đã được cải tạo và xây dựng hệ thống kênh mương dẫn nước phục vụ cho việc gieo cấy lúa nước. Nhờ vậy, người dân đã chuyển đổi trồng lúa 1 vụ sang canh tác 2 vụ, đưa một số giống lúa mới cho năng suất vào gieo cấy thay cho các giống lúa đã thoái hóa, năng suất thấp, khả năng kháng chịu sâu bệnh, thời tiết kém.
Đặc biệt, các xã như: Sen Thượng, Mường Toong, Mường Nhé, Nậm Kè, Sín Thầu đã thực hiện có hiệu quả mô hình trồng khoai tây trên đất lúa 1 vụ và nương thoải… với tổng diện tích hơn 85ha, năng suất đạt bình quân 14,5 tấn/ha. Vụ chiêm năm 2014, một số xã có diện tích cấy lúa vụ chiêm xuân như: Sín Thầu, Mường Nhé, Mường Toong… đã được Nhà nước hỗ trợ hơn 300kg giống lúa Nhị ưu 838 để thay thế các giống địa phương và cho năng suất cao từ 53 – 60 tạ/ha.
Nếu như vài năm trước đây rau xanh, lương thực cung cấp cho địa bàn hầu hết phải đưa từ T.P Điện Biên Phủ thì nay một số vùng lân cận đã biết trồng rau phục vụ nhu cầu của gia đình, cung cấp cho thị trường huyện Mường Nhé. Điển hình như xã Mường Nhé, Mường Toong...
Đặc biệt, trong năm 2012 các mô hình chăn nuôi như: dê, cá, gia cầm đã được Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn chuyển giao kĩ thuật, từ đó đến nay số lượng đàn dê của toàn huyện lên đến 1.040 con, diện tích ao thả cá 87ha và 55.980 con gia cầm.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Lỳ Hừ Pư, bản Tả Ko Khừ, xã Sín Thầu là một trong những hộ tham gia mô hình thí điểm trồng khoai tây trên đất lúa 1 vụ và đất nương thoải, cho biết: Để đất trống bao nhiêu năm, không biết trồng cây gì.
Năm nay, gia đình tôi làm theo cán bộ trồng hơn 300m2 khoai tây, thu về hơn 10 bao, bán được hơn 5 triệu đồng. Mấy hộ chúng tôi ở quanh đây bàn nhau sẽ hỏi cán bộ cách để giống khoai tây để các năm sau có giống tự trồng.
Được biết, không riêng gia đình bà Pư mà còn nhiều hộ khác ở bản Tả Ko Khừ hiện cũng đang làm theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông canh tác lúa vụ 2 trên tổng diện tích hơn 5.000m2 chuẩn bị cho thu hoạch, ước sản lượng đạt trên 50 tạ/ha.
Bên cạnh đó, các giống cây như: Cà phê, thảo quả, cam… của nhiều mô hình khác hiện cũng đang trong giai đoạn tăng trưởng, phát triển tốt.
Gia đình bà Lỳ Hừ Pư, bản Tả Ko Khừ, xã Sín thầu là một trong những hộ tham gia mô hình trồng khoai tây thí điểm trên đất ruộng cấy lúa 1 vụ cho năng suất cao.
Ngoài hướng dẫn người dân canh tác, chăn nuôi, qua các mô hình, huyện Mường Nhé còn mở các lớp tập huấn, hướng dẫn quy trình cụ thể cho người dân, sau khi kết thúc mô hình tổ chức rút kinh nghiệm.
Các hộ nghèo được hỗ trợ giống cây, con, phân bón, kĩ thuật… nên việc chăn nuôi, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng ngày một tốt hơn. Huyện chú trọng đầu tư xây dựng các tuyến kênh mương, duy tu, bảo dưỡng và nâng cao hiệu quả các công trình thủy lợi để đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất trồng trọt, chăn nuôi.
Mặt khác, những xã có địa hình đồi thoải như: Sín Thầu, Mường Nhé, Mường Toong…, huyện giao cho các đồn biên phòng giúp người dân mở rộng diện tích lúa nước, khẩn hoang nương có bờ để tăng diện tích lúa nước, giảm diện tích canh tác lúa nương sang lúa ruộng.
Cùng với các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, hàng trăm hộ dân ở các xã, bản của huyện Mường Nhé đã được hỗ trợ khai hoang phục hóa hơn 200ha đất với số tiền lên đến hàng tỷ đồng; mang lại hiệu quả, tạo sự chuyển biến trong tập quán canh tác của người dân, giúp nhiều hộ dân thay đổi suy nghĩ, cách làm thụ động trước đây.
Có thể bạn quan tâm
Chưa bao giờ nông dân trồng mía ở các tỉnh ĐBSCL lâm vào cảnh khốn khó như hiện nay, khi giá bán quá thấp khiến nhiều hộ thua lỗ liên tục. Tình trạng bỏ đất trồng mía đang diễn ra nhiều nơi làm cho các ngành chức năng và nhà máy đường đau đầu. Song mọi nỗ lực cứu nông dân trồng mía vẫn đang là bài toán khó.
Những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện nhiều mô hình và dự án về sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn sinh học, bền vững với môi trường nhằm hướng đến nền nông nghiệp phát triển hiện đại trong tương lai. Nhiều mô hình được triển khai và ứng dụng thành công, trong đó mô hình “Công nghệ sinh thái trên ruộng lúa” được đánh giá cao và đồng tình từ bà con nông dân.
Rất nhiều giống cây trồng có nguồn gốc, xuất xứ từ các nước nông nghiệp tiên tiến trên thế giới đã được Khu nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM đem về trồng thử nghiệm, cho kết quả khả quan.
Tiêu là một trong những cây trồng chủ lực của huyện Chư Sê trong những năm qua, góp phần đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế. Hiện tổng diện tích cây tiêu trên toàn huyện có gần 3.000 ha.
Nhiều chủ vườn ở huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã và đang rơi vào tình trạng kiệt quệ khi từ đầu năm 2013 đến nay, cả hai vụ xoài đều mất mùa. Xót nhất là xoài trái vụ năm nay đã bị mất trắng khi thời kỳ xoài ra hoa đậu quả gặp mưa liên tục do ảnh hưởng của các cơn bão số 13, 14, 15 và áp thấp nhiệt đới…