Chưa thấy lợi, nông dân chưa mê HTX
Ngày 22.9, Hội nghị toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể được Ban Bí thư T.Ư ương Đảng tổ chức trực tuyến với 62 điểm cầu.
Sau nhiều năm phát triển chậm, còn nhiều yếu kém, đây là lần đầu tiên kinh tế tập thể được cho là được đem ra “mổ xẻ” một cách toàn diện.
Mối quan hệ nông dân - HTX vẫn lỏng lẻo
Báo cáo tại hội nghị Phó Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Xuân Cường cho biết: Chất lượng, hiệu quả hoạt động và lợi nhuận của các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác còn thấp. Ước tính chỉ 10% số HTX nông nghiệp làm ăn đạt hiệu quả tốt, khoảng 60-70% HTX hoạt động cầm chừng, không hiệu quả, còn lại 20-30% HTX đã phải ngừng hoạt động.
Lợi nhuận bình quân năm 2014 của các HTX rất thấp, chỉ đạt 246 triệu đồng, tương đương 670.000 đồng/ngày. Đa số các HTX nông nghiệp mới chỉ cung cấp được các dịch vụ đầu vào cơ bản cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, rất ít HTX cung cấp được dịch vụ đầu ra.
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Nguyễn Thiện Nhân - người rất quan tâm đến phát triển kinh tế tập thể cho biết: Hiện nay giá đầu vào và đầu ra của sản phẩm như hai gọng kìm kẹp chặt lấy người nông dân. Người nông dân không có thông tin về thị trường, không vay được vốn… Nhưng nếu họ liên kết lại, tham gia HTX thì những khó khăn ắt sẽ được giải quyết.
“Tại sao kinh tế HTX vẫn chậm phát triển, không thu hút được xã viên nông dân?”. Đặt ra câu hỏi này, ông Nguyễn Thiện Nhân cũng lý giải: 90% số HTX chưa coi việc tiêu thụ sản phẩm cho xã viên là nhiệm vụ của mình. Hầu hết xã viên phải tự quyết định nuôi con gì, trồng cây gì mà không biết trước được là sẽ bán cho ai và giá bao nhiêu... “Sản xuất trong cơ chế thị trường nhưng hầu hết đều không biết tới nhu cầu của thị trường là gì” - ông Nhân nhấn mạnh.
Theo thống kê, 80% các hộ nông dân có diện tích canh tác dưới 1ha dẫn đến sự không tương thích trong quan hệ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; và hầu hết các hộ nông dân có nhu cầu vay vốn nhưng không đủ điều kiện để được vay, cũng như không có dự án và tư cách pháp nhân để tín chấp và thế chấp với ngân hàng.
Ở đâu có nông nghiệp, ở đó phải có kinh tế tập thể
Tại hội nghị sơ kết, báo cáo của các địa phương, hiện cả nước có 38/63 tỉnh thành có Quỹ Hỗ trợ HTX với tổng số vốn mỗi quỹ gần 1 tỷ đồng - con số cho thấy sự hỗ trợ còn quá khiêm tốn.
Xã viên HTX nông nghiệp Tích Giang (Phúc Thọ, Hà Nội) thu hoạch lúa giống.
Hầu hết các ý kiến phát biểu tại hội nghị đều có chung nhận định: Nông dân phải liên kết với doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp thì không thể liên kết với hàng vạn hộ nông dân. Hộ nông dân chỉ giải quyết được vấn đề tổ chức sản xuất hiệu quả cao.
Kinh tế tập thể HTX không thể thay thế được kinh tế hộ nhưng làm được những việc kinh tế hộ không làm được, giúp kinh tế hộ phát triển bền vững hơn. “Chính vì vậy, ở đâu có nông nghiệp thì ở đó phải có kinh tế HTX” - ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Một câu hỏi được đặt ra là cơ quan nào sẽ cung cấp thông tin, quản lý nông dân và doanh nghiệp khi tham gia vào HTX? Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết hiện nay không có cơ quan nào ở địa phương chịu trách nhiệm quản lý HTX. Các HTX đang hoạt động trên tinh thần kinh nghiệm, tính rủi ro rất cao.
Đại diện Liên minh HTX cho biết: Kế hoạch sắp tới sẽ tổ chức 13-15 mô hình HTX kiểu mới hoạt động trên 18 vùng kinh tế. Tuy nhiên, vấn đề con người, nhân lực có trình độ là yêu cầu bức thiết nếu muốn củng cố và nâng cao vai trò của HTX.
Chính vì vậy, đại diện Liên minh HTX Việt Nam đề xuất tại hội nghị sớm được thành lập Học viện HTX Việt Nam để đào tạo những thế hệ con em xã viên HTX, giúp họ có trình độ, năng lực để làm cơ sở phát triển mô hình HTX kiểu mới trong thời gian tới.
Kết luận hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh khẳng định: Kinh tế tập thể là bộ phận của nền kinh tế, là một thành tố không thể thiếu trong chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng, thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững.
Trước yêu cầu cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nhất là tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng… các bộ, ngành liên quan cần khẩn trương hoàn thiện, ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn Luật HTX năm 2012 và chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2015-2020.
“Cần có giải pháp mạnh mẽ và thiết thực hỗ trợ các HTX về nguồn vốn, nguồn nhân lực, thị trường, kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể. Xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX kiểu mới để nâng cao hiệu quả hoạt động là rất cần thiết. Những hộ nông dân, hộ kinh doanh sản xuất giỏi tập hợp lại, thành lập HTX sẽ là một giải pháp tốt để xây dựng mô hình HTX kiểu mới” - ông Lê Hồng Anh nhấn mạnh.
Chủ tịch Ủy Ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân Năng suất cao, thu nhập thấp
Năng suất lao động của nông dân Việt Nam liên tục tăng lên qua các năm nhưng thu nhập thì lại không tăng tương ứng. Cụ thể: Năm 2014 năng suất lúa bình quân của châu Á là 1,8 triệu tấn/ha nhưng Việt Nam là 3,1 triệu tấn/ha, cao hơn tới 1,3 triệu tấn, nhưng thu nhập bình quân của nông dân Việt Nam lại chỉ bằng ½ của châu Á.
Tình trạng đó cũng diễn ra trong ngành nuôi cá, là một thế mạnh xuất khẩu của nông dân, nông nghiệp nước ta. “Một hộ nông dân sau khi bán hết sản phẩm của mùa vụ này là không còn gì để bán, lại phải chờ đến mùa vụ sau, nên không một ngành thương mại nào mặn mà mua sản phẩm của nông dân” .
Có thể bạn quan tâm
Ở Đồng Tháp, thấy trồng nếp dễ bán nên nhiều nông dân ở các huyện: Thanh Bình, Tân Hồng, Tháp Mười đổ xô trồng nếp, dù không cần biết thị trường thế nào.
Xí nghiệp gà giống Tam Đảo, thuộc Công ty cổ phần thức ăn chăn nuôi Việt Nam, chuyên cung cấp cho thị trường giống gà Ross 308 (giống gà của Mỹ). Với khoảng 50.000 gà giống bố mẹ, mỗi năm, Xí nghiệp cung cấp cho các trang trại, cơ sở chăn nuôi khoảng 4,7 vạn gà giống. Để đảm bảo nguồn gà giống khỏe mạnh, Xí nghiệp đặc biệt coi trọng công tác phòng chống dịch bệnh.
Cây điều nhiều năm mất mùa, mất giá, nhưng thay đổi loại cây trồng khác trên diện tích đất đồi dốc là điều rất khó đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Anh Điểu Đan ở thôn 5, xã Minh Hưng (Bù Đăng - Bình Phước) đã lên rừng mang giống rau nhíp về trồng xen trong vườn điều và ca cao. Đây là cách làm mới, vừa tăng thu nhập, vừa giúp bảo tồn một loại cây thực phẩm, có dược tính của đồng bào Xêtiêng ở Bình Phước.
Từ lần gặp đầu tiên, tôi rất ấn tượng với chú bởi tác phong nhanh nhẹn và cởi mở. Chú là người biết nắm bắt cơ hội để làm kinh tế gia đình: nuôi ong lấy mật và làm du lịch. Chú Lê Hữu Phước, 58 tuổi, một nông dân chân chất, thích học hỏi, ngụ ở ấp Phú Hiệp - xã Vĩnh Bình (Chợ Lách - Bến Tre).
Thời gian qua, một số nông dân trồng rừng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã bỏ cây tràm chuyển qua trồng cây xà cừ. Theo các hộ dân, trồng xà cừ lợi nhuận cao hơn 3 lần trồng tràm và tốn ít công hơn. Ông Hồ Sơn Tư, chủ trang trại lớn ở xã Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc - Đồng Nai), cho biết với diện tích khoảng 25 hécta xà cừ năm thứ 12 - 13, hiện có rất nhiều cơ sở sản xuất gỗ tới hỏi mua với giá 2,5 - 3 triệu đồng/m3. Sau khi trừ chi phí, còn lãi khoảng 600 triệu đồng/hécta.