Chưa Kiểm Soát Chặt Chẽ Chất Lượng Tôm Giống

Trong sản xuất nông nghiệp, giống luôn đóng vai trò hết sức quan trọng, quyết định đến năng suất và chất lượng. Còn trong nuôi thuỷ sản, con giống lại càng có ý nghĩa quan trọng hơn, góp phần không nhỏ vào sự thành công hay thất bại của vụ nuôi.
Tuy nhiên, vấn đề lo ngại lớn nhất hiện nay đối với bà con nông dân là làm thế nào để chọn lựa tôm giống chất lượng và sạch bệnh để thả nuôi.
Hiện trên địa bàn huyện Cái Nước (Cà Mau) có hơn 30.000 ha tôm nuôi, trong đó diện tích tôm nuôi công nghiệp gần 1.500 ha, tôm quảng canh cải tiến 8.170 ha, còn lại là nuôi theo hình thức quảng canh truyền thống.
Trong đó, chỉ có 17 trại sản xuất tôm sú giống và 82 trại vèo, đáp ứng khoảng 20% lượng tôm sú giống phục vụ nhu cầu nuôi tôm của bà con nông dân trên địa bàn huyện, số còn lại phải nhập từ nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh.
Trong khi đó, việc kiểm tra chất lượng tôm sú giống tại các trại sản xuất tôm sú giống cũng như trại vèo chưa được ngành chức năng thực hiện thường xuyên nên chất lượng tôm sú giống bán ra cho bà con nông dân từng lúc, từng nơi chưa bảo đảm.
Nhất là vào những thời điểm vụ nuôi chính trong năm, nguồn tôm giống khan hiếm, các trại vèo tôm sú giống thường xuất bán không đạt kích cỡ đúng theo quy định.
Thêm vào đó, tình trạng gian lận thương mại trong đong đếm tôm sú giống còn diễn ra, nhưng ngành chức năng chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để, làm cho giá cả và chất lượng tôm sú giống trôi nổi, khó kiểm soát, gây khó khăn cho bà con nông lựa chọn tôm sú giống để thả nuôi.
Ðiển hình là tại khu vực chợ trung tâm thị trấn Cái Nước, có trên dưới 20 trại vèo tôm sú giống, nhiều nhất so với các địa phương trong huyện và số lượng tôm sú giống bán ra mỗi ngày cũng không nhỏ, nhưng chỉ bán với giá dao động từ 25-28 đồng/con.
Còn khi đến chợ Rau Dừa, xã Hưng Mỹ, các trại vèo lại bán với giá 45 đồng/con, không thêm không bớt, cao gần 1,5 lần so với chợ Cái Nước.
Khi được hỏi vì sao giá tôm sú giống mỗi nơi có chênh lệch quá lớn, những người bán tôm sú giống giải thích với nhiều lý do khác nhau.
Như: tiền nào của nấy, giá 25 đồng/con sẽ bị thiếu mẫu, còn 45 đồng/con thì đủ mẫu, hoặc tôm cho đẻ ở địa phương giá rẻ, còn nhập từ các tỉnh miền Trung chi phí cao phải bán giá cao. Nhưng khi chúng tôi hỏi tôm được sản xuất tại địa phương khác với tôm ở miền Trung ở điểm nào thì người bán tôm sú giống không nói được.
Ông Lê Văn Diêu, ấp Cái Hàng, xã Tân Hưng Ðông, huyện Cái Nước, chia sẻ: Hiện nay chất lượng và giá tôm sú giống trên thị trường gần như bị thả nổi không ai quản lý, nông dân muốn tìm được nguồn tôm sú giống chất lượng để thả nuôi phải đi xét nghiệm.
Cách làm này chỉ phù hợp với những hộ nuôi theo hình thức công nghiệp hoặc quảng canh cải tiến, còn đối với những hộ nuôi quảng canh truyền thống không thể thực hiện được, vì phải thả liên tục và gối vụ.
Lượng tôm thả ít nhưng chi phí xét nghiệm lại cao nên không thể mỗi tháng đi xét nghiệm chọn tôm giống một lần. Vì vậy, khi có nhu cầu mua tôm giống thả nuôi, nông dân chúng tôi thường lựa chọn bằng cảm quan về hình thức bên ngoài, như: kích cỡ đồng đều, bơi lội nhanh và màu sắc bình thường là mua, còn có bị nhiễm bệnh hay không thì không thể xác định.
Do đó, việc lựa chọn tôm sú giống thả nuôi hiện nay hết sức may rủi, có khi thả nuôi số lượng rất nhiều nhưng thu hoạch không có bao nhiêu.
Theo số liệu thống kê của ngành chuyên môn, 6 tháng đầu năm huyện Cái Nước có hơn 1.200 ha tôm nuôi bị thiệt hại, trong đó tôm nuôi công nghiệp 150 ha, tôm quảng canh cải tiến 480 ha và gần 600 ha tôm nuôi truyền thống.
Cũng theo ngành chuyên môn, hiện nay thời tiết mưa nắng bất thường, làm cho các yếu tố môi trường nước trong ao đầm nuôi tôm biến động, không thuận lợi cho tôm nuôi phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh trên tôm nuôi phát sinh gây hại, nên diện tích tôm nuôi bị thiệt hại sẽ còn tăng lên.
Ðề cập đến vấn đề chọn lựa tôm sú giống để thả nuôi, ngành chuyên môn huyện Cái Nước khuyến cáo bà con nông dân, tốt nhất nên lựa chọn những cơ sở bán tôm sú giống uy tín, không nên mua tôm giống trôi nổi không rõ nguồn gốc về thả nuôi.
Rõ ràng, chất lượng tôm sú giống luôn là vấn đề rất đáng quan tâm, rất cần được kiểm tra giám sát chặt chẽ nhằm giảm bớt rủi ro cho nông dân, thúc đẩy kinh tế thuỷ sản huyện Cái Nước không ngừng phát triển.
Có thể bạn quan tâm

Thời tiết từ đầu vụ đến nay khá thuận lợi, cộng thêm ngư cụ được cải hoán, nâng cấp khá hiện đại là những yếu tố quan trọng cho vụ cá Nam thắng lợi.

Cuối tháng 7-2015, giá bán cá tra vẫn tiệm cận với giá thành. Người nuôi cá ở ĐBSCL vẫn đang lo lắng. Tình trạng này đã kéo dài hơn 10 năm qua. Thế nhưng việc Hiệp hội Cá tra Việt Nam bước đầu “lập được bản đồ nuôi cá tra” ở ĐBSCL đang mở ra hướng phát triển căn cơ cho nghề nuôi cá.

TS. Đặng Thị Hoàng Oanh, Khoa Thủy sản (Trường đại học Cần Thơ), vừa có buổi trao đổi kinh nghiệm với nông dân về điều trị bệnh gan thận mủ ở cá tra. Theo TS. Oanh, ngoài các loại thuốc đặc trị, thị trường đã có vaccine ALPHA JECT Panga 1, chuyên phòng bệnh cho cá tra. Vaccine được nhập khẩu từ Na Uy, qua khảo nghiệm giúp cá chống lại vi khuẩn Edwardsiella ictaluri trong suốt quá trình nuôi.

Ốc len hay còn gọi là linh hoa (tên khoa học Cerithidea obtusa) sống tự nhiên ở những khu rừng ngập mặn hay các bãi bồi ven biển, là loại đặc sản quý có giá trị dinh dưỡng cao. Tuy nuôi ốc len cho thu nhập không cao bằng một số loài thủy sản khác như tôm sú, cua biển, sò huyết... nhưng có ưu thế là phù hợp điều kiện của hộ nghèo, nhất là hộ đang nhận giao khoán chăm sóc và bảo vệ rừng.

Thời gian qua, nghề khai thác thủy sản ven bờ bằng các phương tiện nhỏ phát triển quá mức, mang tính tận diệt… làm nguồn lợi thủy sản tự nhiên bị cạn kiệt. Trước thực trạng đó, nhiều tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ đã được xây dựng tại huyện Tuy An (Phú Yên) nhằm góp phần bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản ven bờ.