Chú Ý Bệnh Sưng Rễ Cải Bắp
Báo Nông nghiệp Việt Nam số ra ngày 17/3/2004 phản ánh "hiện tượng lạ ở Lâm Đồng nông dân trồng bắp cải chỉ sau 3 tuần lại bắt đầu tạo củ". Để làm rõ vấn đề trên, Báo Nông nghiệp Việt Nam số ra ngày 12/4/2004 cho biết hiện nay các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tiếp tục phối hợp cùng đánh giá rõ về mức độ thiệt hại, tìm biện pháp phòng trừ bệnh gây sưng rễ cải bắp. Nhằm giúp bà con nông dân hạn chế tác hại của đối tượng bệnh này, chúng tôi xin giới thiệu triệu chứng, nguyên nhân, điều kiện phát sinh phát triển và biện pháp phòng trừ loại bệnh này.
Triệu chứng: Bệnh sưng rễ cải bắp (hay còn gọi là bệnh nốt sần rễ cải bắp) là một trong những đối tượng bệnh nguy hiểm. Bệnh không chỉ gây hại trên cải bắp mà còn gây hại trên cả su hào, cải bẹ, cải củ và các cây rau họ thập tự khác. Đặc điểm của bệnh là tạo thành các nốt sần, các u bướu trên rễ cây. Các cây bị bệnh lá héo vàng, bắp không phát triển hoặc không hình thành bắp.
Nguyên nhân: Gây sưng rễ cải bắp được xác định là do nấm Plasmodiophora brassicae Wor. Nấm gây bệnh là một loại ký sinh chuyên tính và chỉ phát triển trong tế bào cây đang sống. Bào tử ngủ nghỉ ở trong đất, đến khi gặp điều kiện thuận lợi thì phát triển thành các du động bào tử có một lông roi ở phía đầu. Các du động bào tử này xâm nhập vào cây qua các lông rễ để gây bệnh. Sau khi xâm nhập vào rễ cây các du động bào tử biến thành các khối chất nguyên sinh hình cầu, sau đó các khối này lại phân chia thành nhiều du động bào tử đơn bội thể giao phối với nhau và tạo thành các khối nhị bội thể. Vào cuối giai đoạn sinh trưởng của cây, dưới tác động của các vi sinh vật trong đất, các nốt sần ở rễ cây vỡ ra, bào tử nấm rơi vào đất và là nguồn lây bệnh cho vụ sau.
Điều kiện phát sinh phát triển của bệnh: Bào tử nấm nảy mầm trong phạm vi nhiệt độ từ 6 - 280C, độ ẩm đất vào khoảng 50 - 97%; nhưng nhiệt độ thích hợp cho bào tử nảy mầm là từ 18 - 250C và ẩm độ đất là từ 75 - 90%. Trong đất không phải tất cả các bào tử đều nảy mầm một lúc; khả năng sống của bào tử nấm từ 6 - 7 năm. Nấm lan truyền từ ruộng này sang ruộng khác cùng với cây giống, cũng có thể qua dòng nước tưới, qua giun và các loại côn trùng sống trong đất.
Biện pháp phòng trừ bệnh:
+ Gieo trồng các giống cây chống bệnh.
+ Không trồng cải bắp và cây họ hoa thập tự 2 - 3 năm liên tiếp trên cùng mảnh ruộng.
+ Loại bỏ cây con bị bệnh trước khi mang ra ruộng trồng.
+ Trên chân đất chua cần bón bổ sung vôi.
+ Vun gốc cho cải bắp sau mỗi lần bón thúc và tưới nước để cải bắp ra thêm rễ mới giúp cây phát triển tốt hơn.
+ Tích cực diệt trừ cỏ dại đặc biệt là cỏ dại họ hoa thập tự vì nấm có thể tích luỹ ở rễ các loại cây này.
+ Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, khi phát hiện cây bệnh kịp thời nhổ bỏ cả cây lẫn rễ và mang tiêu huỷ.
+ Có thể sử dụng chế phẩm nấm đối kháng Trichoderma trộn với phân chuồng khô từ 10 - 15 ngày sau đó bón vào rãnh trước khi trồng cây.
Có thể bạn quan tâm
2Lúa giới thiệu với bà con cách trồng Cải Ngọt. Cải ngọt là cây ngắn ngày, rất cần nước để sinh trưởng, do vậy cần phải giữ ẩm thường xuyên. Sau trồng tưới mỗi ngày 1 lần, sau đó 2 - 3 ngày thì tưới 1 lần. Kết hợp các lần tưới với các đợt bón thúc.
Cùng với thối nhũn, bệnh sưng rễ, sâu tơ… thì bệnh Đốm vòng (Alternaria brassicae) cũng là một đối tượng thường xuất hiện và gây hại trên cây cải bắp ở nước ta hiện nay, đặc biệt là vào những tháng mùa mưa.
Cải cúc giàu dinh dưỡng, ngoài lipit, protit, gluxit còn có vitamin B, C và vitamin A. Theo Đông y, cải cúc có vị ngọt nhạt, hơi the, đắng, mùi thơm, tính mát, không độc có tác dụng tán phong nhiệt, trừ đờm, giúp tiêu hóa tốt, chữa ho và chữa chứng đau mắt. Dưới đây là một số bài thuốc cụ thể
Cải bắp là cây thích hợp với ánh sáng ngày dài nhưng có cường độ chiếu sáng yếu. Trong vụ Đông-Xuân của Đà Lạt có thời gian chiếu sáng ngắn (8-10giờ/ ngày) nên cải bắp sinh trưởng tốt, có nhiều khả năng đạt năng suất cao
Cải bó xôi được biết đến nhiều qua bộ phim hoạt hình nổi tiếng Thủy thủ Popoye. Người Nhật đặc biệt ưa thích loại rau này, có thời gian trong bất kỳ tủ lạnh của gia đình nào ở Nhật cũng có cải bó xôi