Chú Trọng Phát Triển Công Nghiệp Trên Vùng Trọng Điểm Lúa
Những năm qua, bên cạnh việc phát huy lợi thế của một huyện nông nghiệp, là vùng trọng điểm lúa của tỉnh Quảng Trị, để đưa nền kinh tế phát triển, cải thiện đời sống cho người dân, huyện Triệu Phong đã đẩy mạnh phát triển công nghiệp bằng các hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư, các chính sách ưu đãi phù hợp.
Nhờ vậy, các cụm, điểm công nghiệp dần hình thành và thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư phát triển sản xuất, góp phần không nhỏ vào nguồn ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm ổn định cho hàng trăm lao động địa phương.
Công ty cổ phần ô tô Thắng Lợi Quảng Trị là doanh nghiệp vừa mua bán vừa sửa chữa, bảo hành ô tô với kỹ thuật hiện đại đóng tại thị trấn Ái Tử. Sau 3 năm thành lập, công ty đã bán ra thị trường hàng trăm chiếc xe ô tô các loại cho khách hàng các tỉnh từ Quảng Bình, Thừa Thiên- Huế, Quảng Trị. Ngoài ra, công ty còn có dịch vụ sơn sửa, trang trí nội, ngoại thất xe ô tô với công nghệ từ châu Âu, giải quyết việc làm thường xuyên trên 30 lao động, với mức thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng.
Với đặc thù sản xuất kinh doanh bằng nghề cưa xẻ gỗ, nằm ở địa bàn thời tiết không thuận lợi cho việc phơi sấy nguyên vật liệu nhưng Doanh nghiệp Nguyên Phong ở Cụm công nghiệp làng nghề Ái Tử đã khắc phục khó khăn, đầu tư trang bị thêm máy móc, thiết bị công nghệ cao để đảm bảo quy trình sản xuất, đủ nguyên liệu cung ứng cho thị trường. Nhờ vậy, năm qua doanh nghiệp đã cung cấp cho thị trường hàng ngàn mét khối gỗ thành phẩm đạt chất lượng, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương với thu nhập ổn định.
Được sự quan tâm chỉ đạo của huyện, hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp ở Triệu Phong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến rõ nét, góp phần quan trọng vào tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương.
Xác định rõ phát triển công nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn, huyện đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư bằng nhiều chính sách ưu đãi hợp lý. Chủ động quy hoạch, giải phóng mặt bằng, tạo mặt bằng sạch tại các cụm công nghiệp. Đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông, điện, nước đến tận các điểm, cụm công nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất. Triển khai tiếp nhận các dự án đầu tư, làm thủ tục nhanh gọn với các doanh nghiệp đủ điều kiện.
Mặt khác, huyện cũng đã chỉ đạo các ngành, địa phương tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh, phối hợp với doanh nghiệp tìm nguồn nguyên liệu phù hợp. Hàng năm, huyện đều tổ chức các buổi gặp mặt, giao lưu để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng cũng như những khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải, từ đó địa phương có sự phối hợp để cùng doanh nghiệp tháo gỡ kịp thời.
Nhờ những chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư đã triển khai, công nghiệp huyện Triệu Phong đã có bước phát triển đáng ghi nhận. Đến nay, Cụm công nghiệp - làng nghề Ái Tử với diện tích 38 ha (giai đoạn 1 quy hoạch 11 ha) đã thu hút 15 dự án đầu tư, tỷ lệ lấp đầy 100% diện tích đất bố trí sản xuất.
Tạo việc làm ổn định cho trên 600 lao động địa phương. Cụm công nghiệp Đông Ái Tử trên diện tích 34,64 ha cũng đã thu hút 11 dự án đầu tư với vốn đăng ký đầu tư trên 150 tỷ đồng. Điểm công nghiệp - làng nghề sản xuất bún Thượng Trạch, xã Triệu Sơn với diện tích trên 1 ha là nơi sản xuất bún bánh tập trung của 70/120 hộ sản xuất cũng được quy hoạch và triển khai các hạng mục cơ sở hạ tầng theo quy định của UBND tỉnh phê duyệt để sớm đưa các hộ vào sản xuất tập trung.
Tiếp tục quy hoạch và triển khai các điểm cụm công nghiệp còn lại để kêu gọi các nhà đầu tư. Công nghiệp phát triển góp phần quan trọng vào quá trình tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Triệu Phong. Hiện nay trên địa bàn huyện có trên 75 doanh nghiệp và trên 5.000 hộ sản xuất kinh doanh cá thể, hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Năm 2014, tổng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt trên 341,815 tỷ đồng, tăng 9,7% , đạt 100,3% kế hoạch.
Trong thời gian tới, huyện Triệu Phong thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 08 của Huyện ủy về phát triển CN – TTCN đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Tiếp tục thực hiện đề án khôi phục và phát triển nghề truyền thống trên địa bàn huyện đến năm 2020.
Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, kêu gọi các doanh nghiệp đến sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện. Căn cứ vào tình hình thực tế địa phương, huyện sẽ chủ động đề xuất với trên các dự án phù hợp và có tính khả thi cao theo hướng đầu tư theo chiều sâu, sử dụng công nghệ mới, hiện đại, tạo sản phẩm hàng hóa có sức cạnh tranh cao kết hợp phát triển công nghiệp quy mô lớn, vừa và nhỏ, phát triển ngành nghề nông thôn.
Tạo môi trường thuận lợi kêu gọi và thu hút đầu tư bằng các cơ chế, chính sách ưu đãi theo Luật Đầu tư và chính sách của tỉnh như: ưu đãi về đầu tư mặt bằng sản xuất, vốn vay ưu đãi, miễn giảm thuế, chính sách khuyến công…để tạo các sản phẩm chủ lực, tạo động lực để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tiếp tục mở rộng sản xuất, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế huyện Triệu Phong theo hướng CNH, HĐH.
Có thể bạn quan tâm
Yêu cầu thu gom là lá vải thiều khô, tương đối lành lặn, sạch sẽ (lẫn một chút lá nhãn khô cũng được), giá mua là 1.000 đồng/kg. Giá mua vào là 1.000 đồng/kg nên khá nhiều người đến bán. Ngoài người trong xã, có cả người dân các xã lân cận, thậm chí ở huyện Lục Nam, đến bán. Nhiều người cho rằng, lá vải thiều khô chẳng có tác dụng, để lại chỉ làm hỏng vườn, chát đất, nên họ gom đem bán
Nhằm đáp ứng nhu cầu cá giống cho gần 500 ha ao hồ trên địa bàn, năm 2004, Sở NN&PTNT thành phố xây dựng Trại cá giống tại thôn Phú Sơn 2, xã Hòa Khương (Hòa Vang, Đà Nẵng), quy mô 1,9 ha, bao gồm 10 ao nuôi và các bể cho cá đẻ bằng phương pháp tiên tiến
Tôm thả nuôi bị chết khiến nhiều nông dân hai tỉnh Cà Mau và Sóc Trăng đang phải đối mặt với việc thua lỗ nặng trong vụ tôm đầu năm.
Ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Bình Định, cho biết: Từ đầu năm đến nay, giá tôm hùm giống và tôm hùm thương phẩm giảm mạnh làm cho người nuôi tôm gặp nhiều khó khăn
Năm 1975, trong đoàn quân rời thủ đô vào chiến trường Tây Nguyên có cô quân y Nguyễn Thị Vân vừa tròn 19 tuổi. Chị về quê lập gia đình. Chị bàn với chồng, chọn cách đi lên từ nông nghiệp.