Chú Trọng Chất Lượng Để Cam Sành Bắc Quang Không Ngừng Vươn Xa
Có một thời gian do nhiều yếu tố như thị trường không ổn định, người dân thiếu quan tâm, nhiều diện tích cam bị già cỗi, sâu bệnh, vùng cam Bắc Quang và một số vùng trồng cam trong tỉnh Hà Giang bị suy giảm diện tích. Từ đó, làm lãng phí một tiềm năng và một đặc sản vốn là niềm tự hào của đất Hà Giang. Với chủ trương phục hồi và phát triển các diện tích cam, quýt, huyện Bắc Quang đã và đang quan tâm, chú trọng đến vấn đề chất lượng nhằm không chỉ phục hồi mà còn đưa trái cam sành Bắc Quang không ngừng vươn xa...
Bước vào tháng 11 này, không khí chăm sóc và đón chờ vụ cam Tết đang ấm lên ở rất nhiều thôn, xóm thuộc các xã như Vĩnh Hảo, Việt Hồng, Tân Thành, Tiên Kiều, Vĩnh Tuy, Vĩnh Phúc... Theo thống kê, năm nay toàn huyện triển khai trồng mới đạt trên 570ha cam, nâng tổng diện tích cam, quýt toàn huyện lên con số 1.867ha. Để có diện tích dẫn đầu toàn tỉnh như trên, theo đánh giá của Phòng NN&PTNT huyện, đó là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo mạnh của cấp ủy, chính quyền huyện. Cùng với đó, yếu tố quan trọng là giá cam trên thị trường khá ổn định. Vì thế, người dân đã tích cực đầu tư giống, phân bón và chăm sóc đúng kỹ thuật. Nhờ đó, diện tích, năng suất và sản lượng cam của huyện năm sau luôn cao hơn năm trước, đem lại nguồn thu không nhỏ cho người trồng cam. Không ít vườn cam đã có sản lượng bán ra hàng năm đạt từ 500 triệu đến trên 1 tỷ đồng.
Mặc dù đã có tín hiệu tích cực, nhưng thời gian qua, đã có tình trạng một số gia đình, tư thương đã sử dụng thuốc kích thích, thuốc bảo quản sản phẩm bừa bãi, không đúng theo quy định nhằm kích thích cam sinh trưởng theo ý muốn, hoặc để ủ giữ cam lâu hơn. Cùng với đó, một số hộ vì lợi nhuận đã thu hoạch cam non để bán đầu mùa... Từ đó, khiến một số sản phẩm cam không đảm bảo chất lượng, làm cho người tiêu dùng mất lòng tin về chất lượng cam Hà Giang nói chung, cam Bắc Quang nói riêng.
Để khắc phục những hạn chế trên, huyện Bắc Quang đã chỉ đạo tăng cường quản lý chất lượng, uy tín trái cam sành, coi đây là yếu tố quan trọng, góp phần phục hồi và phát triển bền vững các diện tích cam trên địa bàn. Cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, huyện đang xây dựng các diện tích cam theo tiêu chuẩn ViệtGAP với mô hình trồng mới và mô hình xây dựng trên các diện tích đang cho thu hoạch tại các xã: Vĩnh Hảo, Việt Hồng, Vô Điếm, Vĩnh Phúc. Anh Đinh Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, nhờ đầu ra ổn định, người trồng cam từng bước có sự đầu tư hợp lý, năng xuất cam, quýt của huyện hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng lên. Để đảm bảo chất lượng và giữ vững thương hiệu cam sành, huyện chỉ đạo các ngành, đoàn thể, các địa phương trồng cam tăng cường các biện pháp hướng dẫn triển khai các kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch và bảo quản cam; kiểm tra, giám sát việc sử dụng các chế phẩm hóa học từ các hộ sản xuất đến các hộ kinh doanh cam. Ông Phạm Quang Lân, Chủ tịch Hiệp hội cam sành Bắc Quang cho biết, trước giá trị cây cam, người dân đang dần thay đổi nhận thức, đầu tư bài bản, đúng quy trình kỹ thuật nhằm không chỉ thu được trái cam đẹp mà còn hướng đến chất lượng, khai thác bền vững các diện tích đầu tư.
Để nâng cao chất lượng cam sành cũng như giữ lòng tin người tiêu dùng, huyện Bắc Quang tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương, Hiệp hội cam sành huyện tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân chăm sóc, cải tạo các vườn cam theo đúng quy trình kỹ thuật; sử dụng các loại phân bón và chế phẩm sinh học nằm trong danh mục cho phép và có xuất xứ rõ ràng. Đặc biệt khuyến cáo không bán cam chưa đủ độ chín. Nghiêm cấm sử dụng các chất bảo quản, các loại thuốc độc hại, không rõ nguồn gốc để bảo quản và ủ cam. Chỉ đạo các địa phương tổ chức cho các hộ trồng cam ký cam kết sản xuất cam an toàn. Căn cứ các quy định của Nhà nước, huyện chỉ đạo mạnh đối với các xã, thị trấn tịch thu, buộc tiêu huỷ và xử phạt hành chính nếu phát hiện hộ gia đình có sử dụng các chất bảo quản, các loại thuốc hoá học độc hại, không rõ nguồn gốc, không nằm trong danh mục cho phép của Bộ NN&PTNT.
Có thể nói, không chỉ bởi chất lượng thơm ngon mà sản phẩm cam sành có xuất xứ từ Hà Giang khiến cho tâm lý người tiêu dùng ở các tỉnh khác luôn an tâm, tin tưởng bởi độ an toàn, sạch. Từ những yếu tố đó, cùng với quyết tâm của huyện Bắc Quang trong việc chú trọng xây dựng chất lượng, sẽ từng bước đưa sản phẩm cam sành của địa phương không ngừng vươn xa.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 13/8, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Cà Mau kết hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thới Bình tổ chức Hội thảo chuyên đề “Thực trạng và giải pháp phát triển mô hình lúa – tôm bền vững” và triển khai Đề án “Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất lúa – tôm tỉnh Cà Mau”.
Nghề nuôi chim cút tại Đồng Nai đã và đang đem lại mức thu nhập lý tưởng cho không ít bà con nông dân. Nhiều hộ đã tận dụng được hiệu quả kinh tế từ nghề này để thoát nghèo, dần trở nên khấm khá, có hộ nuôi lớn mỗi năm thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Những năm qua, mô hình nuôi dê mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho nhiều hộ dân trên địa bàn xã Tân Hưng Ðông, huyện Cái Nước, Cà Mau. Từ mô hình này đã giúp cho nhiều hộ dân vươn lên ổn định cuộc sống. Trong đó phải kể đến ông Trần Văn Ðường, ngụ ấp Ðông Hưng là một trong những hộ nuôi dê đầu tiên của xã.
Nhìn những quả na dai to đều, nặng trĩu khắp các cành cao, cành thấp mới cảm nhận được nỗ lực chịu thương, chịu khó học hỏi không ngừng của vợ chồng anh Nguyễn Văn Thuyết để có được những bí quyết hay và thành quả của ngày hôm nay.
Đây là mô hình nằm trong chương trình Đề án về an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm thủy sản có nguồn gốc nuôi trồng nhằm mục tiêu tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật giúp người nuôi từng bước tiếp cận với phương thức sản xuất mới từ đó nâng cao trình độ sản xuất, thích hợp với yêu cầu ngày càng cao của thị trường.