Chú Trọng Chất Lượng Để Cam Sành Bắc Quang Không Ngừng Vươn Xa
Có một thời gian do nhiều yếu tố như thị trường không ổn định, người dân thiếu quan tâm, nhiều diện tích cam bị già cỗi, sâu bệnh, vùng cam Bắc Quang và một số vùng trồng cam trong tỉnh Hà Giang bị suy giảm diện tích. Từ đó, làm lãng phí một tiềm năng và một đặc sản vốn là niềm tự hào của đất Hà Giang. Với chủ trương phục hồi và phát triển các diện tích cam, quýt, huyện Bắc Quang đã và đang quan tâm, chú trọng đến vấn đề chất lượng nhằm không chỉ phục hồi mà còn đưa trái cam sành Bắc Quang không ngừng vươn xa...
Bước vào tháng 11 này, không khí chăm sóc và đón chờ vụ cam Tết đang ấm lên ở rất nhiều thôn, xóm thuộc các xã như Vĩnh Hảo, Việt Hồng, Tân Thành, Tiên Kiều, Vĩnh Tuy, Vĩnh Phúc... Theo thống kê, năm nay toàn huyện triển khai trồng mới đạt trên 570ha cam, nâng tổng diện tích cam, quýt toàn huyện lên con số 1.867ha. Để có diện tích dẫn đầu toàn tỉnh như trên, theo đánh giá của Phòng NN&PTNT huyện, đó là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo mạnh của cấp ủy, chính quyền huyện. Cùng với đó, yếu tố quan trọng là giá cam trên thị trường khá ổn định. Vì thế, người dân đã tích cực đầu tư giống, phân bón và chăm sóc đúng kỹ thuật. Nhờ đó, diện tích, năng suất và sản lượng cam của huyện năm sau luôn cao hơn năm trước, đem lại nguồn thu không nhỏ cho người trồng cam. Không ít vườn cam đã có sản lượng bán ra hàng năm đạt từ 500 triệu đến trên 1 tỷ đồng.
Mặc dù đã có tín hiệu tích cực, nhưng thời gian qua, đã có tình trạng một số gia đình, tư thương đã sử dụng thuốc kích thích, thuốc bảo quản sản phẩm bừa bãi, không đúng theo quy định nhằm kích thích cam sinh trưởng theo ý muốn, hoặc để ủ giữ cam lâu hơn. Cùng với đó, một số hộ vì lợi nhuận đã thu hoạch cam non để bán đầu mùa... Từ đó, khiến một số sản phẩm cam không đảm bảo chất lượng, làm cho người tiêu dùng mất lòng tin về chất lượng cam Hà Giang nói chung, cam Bắc Quang nói riêng.
Để khắc phục những hạn chế trên, huyện Bắc Quang đã chỉ đạo tăng cường quản lý chất lượng, uy tín trái cam sành, coi đây là yếu tố quan trọng, góp phần phục hồi và phát triển bền vững các diện tích cam trên địa bàn. Cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, huyện đang xây dựng các diện tích cam theo tiêu chuẩn ViệtGAP với mô hình trồng mới và mô hình xây dựng trên các diện tích đang cho thu hoạch tại các xã: Vĩnh Hảo, Việt Hồng, Vô Điếm, Vĩnh Phúc. Anh Đinh Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, nhờ đầu ra ổn định, người trồng cam từng bước có sự đầu tư hợp lý, năng xuất cam, quýt của huyện hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng lên. Để đảm bảo chất lượng và giữ vững thương hiệu cam sành, huyện chỉ đạo các ngành, đoàn thể, các địa phương trồng cam tăng cường các biện pháp hướng dẫn triển khai các kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch và bảo quản cam; kiểm tra, giám sát việc sử dụng các chế phẩm hóa học từ các hộ sản xuất đến các hộ kinh doanh cam. Ông Phạm Quang Lân, Chủ tịch Hiệp hội cam sành Bắc Quang cho biết, trước giá trị cây cam, người dân đang dần thay đổi nhận thức, đầu tư bài bản, đúng quy trình kỹ thuật nhằm không chỉ thu được trái cam đẹp mà còn hướng đến chất lượng, khai thác bền vững các diện tích đầu tư.
Để nâng cao chất lượng cam sành cũng như giữ lòng tin người tiêu dùng, huyện Bắc Quang tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương, Hiệp hội cam sành huyện tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân chăm sóc, cải tạo các vườn cam theo đúng quy trình kỹ thuật; sử dụng các loại phân bón và chế phẩm sinh học nằm trong danh mục cho phép và có xuất xứ rõ ràng. Đặc biệt khuyến cáo không bán cam chưa đủ độ chín. Nghiêm cấm sử dụng các chất bảo quản, các loại thuốc độc hại, không rõ nguồn gốc để bảo quản và ủ cam. Chỉ đạo các địa phương tổ chức cho các hộ trồng cam ký cam kết sản xuất cam an toàn. Căn cứ các quy định của Nhà nước, huyện chỉ đạo mạnh đối với các xã, thị trấn tịch thu, buộc tiêu huỷ và xử phạt hành chính nếu phát hiện hộ gia đình có sử dụng các chất bảo quản, các loại thuốc hoá học độc hại, không rõ nguồn gốc, không nằm trong danh mục cho phép của Bộ NN&PTNT.
Có thể nói, không chỉ bởi chất lượng thơm ngon mà sản phẩm cam sành có xuất xứ từ Hà Giang khiến cho tâm lý người tiêu dùng ở các tỉnh khác luôn an tâm, tin tưởng bởi độ an toàn, sạch. Từ những yếu tố đó, cùng với quyết tâm của huyện Bắc Quang trong việc chú trọng xây dựng chất lượng, sẽ từng bước đưa sản phẩm cam sành của địa phương không ngừng vươn xa.
Related news
Ông Lê Văn Đẩu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Nhằm giải quyết đầu ra cho cây mì trên địa bàn huyện, Công ty TNHH Nhiệt Đồng Tâm Vĩnh Thạnh đã đầu tư gần 140 tỉ đồng xây dựng nhà máy chế biến tinh bột mì với công suất chế biến 250 tấn nguyên liệu/ngày tại Cụm Công nghiệp Tà Súc.
Cuối năm nay, tiêu chuẩn VietGAP trong ngành thủy sản sẽ tham gia chương trình Tổ chức Sáng kiến nuôi trồng thủy sản bền vững toàn cầu, một mốc quan trọng để ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam được quốc tế công nhận.
Tỉnh ta đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm thực hiện có hiệu quả đề án thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi theo tinh thần Quyết định số 3465/2014 của Bộ NN&PTNT.
Sáng 19.11, tại hội trường nhà văn hóa thôn Kim Thành (xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ), Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh tổ chức hội thảo “Mô hình chăn nuôi vịt biển sinh sản”. Tham gia hội thảo có cán bộ Sở NN&PTNT và hơn 10 hộ dân thực hiện mô hình nuôi vịt.
Việc sử dụng chất cấm trong sản xuất thức ăn chăn nuôi sẽ được tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm trong thời gian tới.