Chủ Dưa Thành Con Nợ
Tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), những vùng dưa đang vào chính vụ, khắp nơi lỗ hoặc may lắm là hoà vốn, cuộc sống người dân đã nghèo càng nghèo thêm.
Vùng đất huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đang vào chính vụ dưa, bao trùm không khí buồn hiu hắt. Ở ấp Sà Lan, xã An Ninh, những người trồng dưa hầu hết là nông dân không đất, mướn được đất của bà con trong ấp sau vụ lúa, hăng hái làm và nay lỗ nặng.
Chị Thạch Thị Hiền trồng 4 công dưa lỗ 40 triệu đồng. Chị nói: “Nhà không có đất, có 5 miệng ăn, thuê được 4 công đất đã làm 2 vụ lúa của chủ, gia đình tôi trồng dưa hy vọng có tiền trang trải cuộc sống. Không ngờ vụ dưa lỗ nặng quá nên một đứa con lớn đã đi Bình Dương làm thuê.
Chồng tui cũng đi làm thuê trong vùng, mong kiếm tiền trả bớt nợ”. Gia đình chị Hiền làm dưa phải vay 40 triệu đồng, lãi tháng 10%, nay mới trả được 10 triệu vốn và 5 triệu tiền lãi nên chị tính ít bữa nữa cũng đi làm thuê.
Cũng ở ấp Sà Lan, gia đình chị Trần Thị Na Vi thuộc diện hộ nghèo, có 4 con còn nhỏ, không đất sản xuất, thuê 3 công đất trồng dưa, lỗ gần 10 triệu đồng. Chị nói như khóc: “Đã 3 vụ dưa, gia đình tui lỗ nặng, chưa vụ nào có lời cả. Vợ chồng làm thuê quanh năm kiếm tiền trả nợ nhưng trả mãi không xong.
Tui vừa bàn với chồng, phải dắt nhau đi làm thuê xứ người mới mong có tiền trả nợ”. Bà Thạch Thị Út trồng 3 công dưa, có đất nhà trồng dưa nhưng mỗi công bán được 2 triệu đồng, lỗ tiền thuê bơm nước, nhân công.
Bên xã Hồ Đắc Kiện ông Lê Văn Đá, ở ấp Kinh Đào, thuê 5 công đất để trồng dưa, lỗ 15 triệu đồng. Ông tính, mỗi công thuê 1 triệu đồng, thuê người lên liếp 700.000 đồng, còn tiền mua giống, phân… đầu vào thứ gì cũng tăng giá, nhưng giá bán dưa lại giảm, loại dưa tốt nhất bán 3.000 đồng/kg, còn lại 2.000 đồng/kg trở xuống. “Con cái tôi đã đi làm thuê ở Bình Dương, vợ chồng tôi cũng đang tính theo chúng nó đi làm thuê”.
Tại các xã ven biển của huyện Duyên Hải (Trà Vinh) đất cát pha ven biển, dưa ngọt thơm đậm đà. Chủ tịch UBND xã Trường Long Hòa, ông Dương Văn Liễu, cho biết vụ dưa chính này xã có 275 ha. Năng suất 25 - 30 tấn/ha nhưng giá loại tốt nhất cũng chỉ có 2.800 - 3.000 đồng/kg, còn lại dưới 2.000 đồng/kg, nên “lấy công làm lời thì may lắm mỗi héc-ta cũng chỉ được vài triệu đồng, còn không khéo là lỗ nặng, chỉ đủ tiền giống và phân”.
Dưa hấu Ba Động là đặc sản của ĐBSCL nên từ lâu đã là cây trồng chính của vùng ven biển này, có hàng nghìn héc-ta. Ông Dương Văn Liễu, bộc bạch, muốn vận động nông dân chuyển sang trồng cây khác nhưng không biết cây gì, “tỉnh và huyện cũng bí chứ không phải xã”.
Năm nay, trước vụ dưa hấu, xã Trường Long Hòa đã vận động nông dân chuyển được 60 ha dưa sang trồng hành tím và ớt chỉ thiên, nâng diện tích hai loại cây này lên 80 ha và đang cho lời khá, gần 100 triệu đồng/ha. “Tuy nhiên, cũng không dám vận động nông dân trồng nhiều hơn vì tập trung vào vài loại cây mà đâu ra chưa rõ ràng không khéo lại ế. Chuyển sang trồng cây gì khác nữa thì đang…bế tắc”, ông Liễu thở dài.
Có thể bạn quan tâm
Hiện nay, một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn của tỉnh Bình Thuận như: Công ty Hải Nam, Thaimex, Hải Thuận, Sơn Tuyền, Hải Phong Việt, Hải Tiến, Nam Hải... là những doanh nghiệp chủ lực thuộc Hiệp hội Thủy sản.
Ngành thủy sản và gạo nếu được cơ cấu lại sản xuất theo chuỗi chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, có thương hiệu thì cơ hội tốt khi xuất khẩu.
Sau bài Thịt heo sạch: Gian nan đường vào chợ đăng trên Báo SGGP số ra ngày 3-11, chiều 12-11, bà Nguyễn Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ, cho biết công ty vừa tăng thêm 3 điểm bán lẻ thịt heo VietGAP tại TPHCM.
Năm 2015, Trạm Khuyến nông huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp thực hiện hiệu quả mô hình thực nghiệm nuôi gà trống thiến trên gà tàu lai. Mô hình được thí nghiệm trên 64 gà tàu lai nuôi vỗ béo đến 120 ngày.
Công ty TNHH Đại Thành Lộc hiện đầu tư trang trại qui mô 2.400 con lợn nái sinh sản ở Nam Hưng, Nam Đàn (Nghệ An) với tổng trị giá trên 100 tỷ đồng.