Xuất Bán Phân Bò, Lợi Bất Cập Hại
Trên khắp mọi nẻo đường ở các làng quê Bình Định, đâu đâu cũng náo nhiệt những hoạt động phơi, đóng bao, vận chuyển phân bò đến tụ điểm mua gom.
"Chảy máu" phân bò
Nông dân Mai Văn Minh ở thôn An Hòa, xã Nhơn Khánh, TX An Nhơn vừa cùng vợ dùng xe cải tiến chở những bao phân bò về tụ điểm thu mua, vừa cho chúng tôi biết: “Giá mua phân bò tại các điểm thu mua là 25.000 đ/bao. Nhà tui có 2 con bò cái, không có ai chăn thả nên tui nuôi nhốt, cắt cỏ về cho ăn. Vậy mà hóa hay, nuôi nhốt không bị thất thoát phân của chúng. Đào hầm dồn phân bò lại, mới sau 4 tháng mà tui đã bán được hơn 2 triệu đồng”.
Theo ông Minh, phân bò sau khi phơi 5 nắng thì mới được các đầu nậu thu mua. “Sản phẩm” này không cân bán bằng trọng lượng mà được đóng vào những bao tải nhỏ, đầy vừa đủ cột túm miệng bao là bán được 25.000đ/bao. “Phân bò trong chuồng có trộn lẫn rơm mục, nước tiểu của lũ bò nên khi bón cho cây trồng rất hiệu quả. Vì thế dân Tây Nguyên mua mạnh để bón cho cây trồng”, ông Minh cho biết thêm.
Đi thêm 1 đoạn đường lên trung tâm xã Nhơn Khánh, chúng tôi bắt gặp 1 bãi đất trống ven đường đang được phơi kín phân bò. Lão nông Đoàn Mười (70 tuổi) ở đội 1, thôn An Hòa vừa đóng bao phân bò đã được phơi khô, đang tiếp tục dùng cuốc cào đống phân còn ướt trải ra để ngày mai kịp bắt nắng.
Bác Mười vừa lia cuốc vừa trò chuyện: “Nhà tui có 3 con bò, phân của chúng được tích trữ từ tháng 7 âm lịch năm ngoái đến nay bán đã được hơn 2 triệu đồng, từ giờ đến tháng 7 năm nay (giáp năm) chắc sẽ bán được hơn 1 triệu nữa. Thuê công dùng xe cải tiến chở từ nhà ra đây phơi mất 150.000đ, còn thu ngót nghét 3 triệu đồng/năm. Khoản tiền thu từ phân bò tui trang trải đủ mọi khoản vật tư nông nghiệp cho 3 sào ruộng, còn thừa đóng góp những khoản phí cho địa phương. Lúa thu lên từ 3 sào ruộng xem như được ăn trọn. Mấy năm nay, nhờ khoản thu từ phân bò, dân thuần nông chúng tôi đỡ chật vật hơn”.
Có nhiều gia đình không bán phân bò cùng lúc mà mỗi ngày chở đi bán vài bao kiếm tiền đi chợ. Cũng có gia đình cứ để dồn, đợi đến ngày con cái tựu trường mới bán để lấy tiền chi phí cho con vào học. Từ khi Tây Nguyên thu mua mạnh phân bò, trên các nẻo đường quê ở Bình Định không còn thấy bóng dáng những bãi phân bò rơi vãi trên đường.
Lợi bất cập hại
Theo tính toán của lão nông Đoàn Mười, bình quân 3 con bò cho thu mỗi năm 3 triệu đồng từ phân của chúng. Vị chi mỗi con bò cho thu 1 triệu đồng. Tổng đàn bò ở Bình Định hiện có 260.000 con, làm 1 phép tính đơn giản sẽ có ngay đáp số: Mỗi năm, nông dân Bình Định có chắc như bắp khoản thu 260 tỷ đồng từ phân bò. Đồng nghĩa với hằng năm, Bình Định thất thoát 1 lượng phân chuồng khổng lồ rất cần thiết cho việc cải tạo đất SXNN.
“Phân bò có tác dụng cải tạo đất rất tốt. Trong quá trình bón phân, đất sẽ được sẽ được thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các vi sinh vật trong đất giúp tăng năng suất cây trồng. Phân bò cũng góp 1 phần quan trọng trong việc tăng dinh dưỡng cho đất.
Bây giờ, nông dân vì cái lợi nhỏ trước mắt mà bán hết, không dùng phân bò để phục vụ SX ắt sẽ mất đi cái lợi lớn là đất canh tác của mình sẽ ngày càng cằn cỗi. Đến lúc này dù có dùng đến số lượng lớn phân hóa học thì cũng chẳng thể cải thiện được năng suất cây trồng”, ông Đỗ Tấn Tiên- Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông- khuyến ngư Bình Định cho hay.
“Các vùng đất ở Tây Nguyên thu mua mạnh phân chuồng không chỉ để bón cho cà phê và tiêu mà còn để cung ứng cho các cơ sở chế biến phân bón. Rõ ràng nông dân Bình Định đang vì món lợi nhỏ trước mắt mà bán rẻ nguồn lợi vô cùng lớn”, ông Đỗ Tấn Tiên nói.
Cũng theo ông Tiên, diện tích cây trồng SX ổn định hàng năm ở Bình Định là 120.000 ha. Bình quân hàng năm, mỗi héc ta đất nông nghiệp phải “nuốt” 1 kg thuốc trừ cỏ, 1 kg thuốc trừ sâu và 1 kg thuốc trị các loại bệnh. Với 120.000 ha, mỗi năm, những cánh đồng ở Bình Định phải “nuốt” đến 360 tấn các loại thuốc bảo vệ thực vật. Trước thực trạng này, nếu lượng phân bò khổng lồ nói trên không bị thất thoát, mà được phục vụ cho SX thì đất sẽ được cân bằng sinh thái, ổn định năng suất cây trồng.
Anh Bảy Thành, người có 3 sào đất trồng tiêu ở xã EaHleo, huyện EaHleo (Đăk Lăk) cho biết: “Còn 2 tháng nữa Tây Nguyên vào mùa mưa, là thời điểm chúng tôi bón phân cho cây tiêu. Do đó bây giờ chúng tôi bắt đầu mua phân chuồng về đổ đống, rắc lên ít vôi, nếu phân bị khô quá thì phun mỏng lên ít nước rồi phủ bạt ủ. Khi mùa mưa đến, đủ nước cho vườn tiêu, lúc đó phân cũng đã hoai nên bón cho tiêu rất tốt, mỗi gốc chỉ cần bón 1 thúng phân chuồng là tiêu phát triển tốt nhất”.
Được biết giá mua tại chỗ là 500.000- 600.000 đ/khối phân bò, mỗi héc ta tiêu phải bón đến mấy chục khối phân nên tiêu tốn 1 khoản tiền không nhỏ. Song phân chuồng nuôi dưỡng đất rất hiệu quả nên người SX không ngại đầu tư.
Có thể bạn quan tâm
Cùng với việc xây dựng ổn định đời sống văn hóa, chị em phụ nữ ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của mình trong các phong trào ở địa phương nhất là phong trào thi đua phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho gia đình. Một trong những tấm gương đó là chị Nguyễn Thị Huấn - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ tổ dân phố Vĩnh Ninh 2, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Bắc Giang Chị Nguyễn Thị Huấn bắt đầu chuyển đổi từ nghề nông sang nghề trồng hoa, trồng đào từ năm 2005. Được biết, trước kia kinh tế gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Sau khi Thành phố mở rộng thu hồi đất, gia đình chị bắt đầu đi thuê đất làm kinh tế gia đình, và chuyển sang trồng đào, trồng hoa mỗi năm thu được gần trăm triệu đồng.
Đó là nhận xét của lãnh đạo xã Phi Mô và Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) huyện Lạng Giang (Bắc Giang) về anh Nguyễn Thành Chung, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Phi Mô.
Nghề nuôi cá chình giúp nhiều nông dân ở khu vực bán đảo Cà Mau làm giàu. Do nhu cầu con giống ngày một tăng nên nhiều người đã nhập giống Trung Quốc về bán giá thấp.
Sản lượng thủy sản nuôi trong tháng 10/2013 ước đạt 10,1 nghìn tấn, tăng 33,75% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó cá đạt 4,6 nghìn tấn, giảm 19,55%; tôm đạt 4,4 nghìn tấn, gấp 3 lần. Tính chung mười tháng năm 2013, sản lượng thủy sản nuôi ước tính đạt 76,2 nghìn tấn, tăng 17,81% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 48,4 nghìn tấn, tăng 2,65%; tôm đạt 19,4 nghìn tấn, tăng 85,78%.
Ba người đàn ông cùng quyết định “cột bè vào với nhau mà làm ăn”. Vậy mà đã 5 năm trôi qua, công việc lúc được lúc thua và dù cái máy xay, cái máy phát điện đều dùng chung, nhưng chưa bao giờ họ làm mất lòng nhau. Đó cũng là cái cách mà nhiều nhà lồng bè trên sông Chà Và (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã chọn để cùng nương tựa vào nhau mà mưu sinh.