Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chống Rét Cho Vật Nuôi Không Đổ Bệnh

Chống Rét Cho Vật Nuôi Không Đổ Bệnh
Ngày đăng: 26/12/2014

Đơn giản, hiệu quả Tiết trời rét buốt nhưng những ngày này, nhiều hộ dân ở vùng nuôi trồng thủy sản tập trung thôn Tĩnh Lộc, xã Nghĩa Trung (Việt Yên - Bắc Giang) vẫn lội dưới ao đóng cọc, buộc bạt hoặc căng ni-lông, thả bèo chống rét cho cá. Anh Tô Vũ Lực cho biết: “Gia đình tôi có 4 sào ao nuôi cá giống và cá thương phẩm. Đây là nguồn thu nhập chính của gia đình nên cách đây hơn một tuần, vợ chồng tôi đã xin bèo về thả trên ao để hạn chế gió lạnh. Mấy hôm nay, nhiệt độ xuống thấp, tôi căng thêm bạt trên mặt ao và đóng bè bằng tre nứa thả xuống đáy để cá trú ẩn, tránh rét”. Anh Nguyễn Văn Cử cùng thôn cũng đang bó rơm dìm xuống đáy ao, thả bèo và bơm thêm nước giếng khoan vào ao cá giống để giữ ấm. Tranh thủ nắng ấm vào ban trưa, anh bổ sung thức ăn giàu dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho cá. Tại Trung tâm Giống thuỷ sản cấp I đóng tại xã Phi Mô (Lạng Giang), cán bộ và nhân viên kỹ thuật đang tất bật buộc cọc, căng bạt trên các ao. Anh Nguyễn Văn Khương, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: “Mỗi năm, đơn vị cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh từ 100-135 tấn cá giống các loại. Để bảo đảm an toàn cho đàn cá bố mẹ, chúng tôi dành phần lớn thời gian để ngăn ao thành ô nhỏ rồi che bạt và dùng bó cây khô, ván gỗ dìm xuống đáy ao để cá tránh rét. Đồng thời thường xuyên theo dõi nhiệt độ ao nuôi để có biện pháp xử lý phù hợp”. Bên cạnh đó, ngay từ đầu mùa đông, cán bộ kỹ thuật tập trung vỗ béo, bổ sung khoáng chất cho cá, nhất là cá bố mẹ và một số loài cá chịu rét kém như: Chim trắng, cá rô đầu vuông. Khi trời rét đậm, bơm thêm nước giếng khoan để nước ao ấm lên. Cùng với các vùng chuyên canh thủy sản, thời điểm này UBND huyện Yên Thế chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các xã hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện một số biện pháp bảo vệ an toàn cho đàn gà như: Che chắn kín chuồng trại để tránh gió lùa, dùng đệm lót sinh thái, thắp bóng điện, đốt lò sưởi dẫn nhiệt, rắc trấu giữ cho nền chuồng khô ráo… Đến thăm khu nuôi gà của gia đình ông Vũ Kim Sơn, phố Bà Ba, thị trấn Cầu Gồ, không khí lạnh buốt được xua tan thay vào đó là hơi ấm lan tỏa khắp chuồng từ lò sưởi dẫn nhiệt. Ông Sơn nói: “Nhiều năm nay, nhà tôi thường xuyên nuôi 1.000-1.500 con gà /lứa nhưng chưa có năm nào gà bị chết rét. Nhiệt độ xuống thấp nên tôi thường xuyên thắp 5-7 bóng điện trong chuồng gà con và che kín bạt. Đối với gà trưởng thành sưởi ấm bằng lò dẫn nhiệt kết hợp rải trấu dưới nền”. Theo kinh nghiệm của nhiều hộ chăn nuôi, những biện pháp chống rét cho gia súc, gia cầm và thủy sản rất đơn giản, dễ áp dụng song mang lại hiệu quả cao. Cùng với Yên Thế, theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Ngạn, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã chủ động sửa chữa chuồng trại, làm ngăn trên nóc để chứa rơm khô vừa giữ ấm vừa cung cấp thức ăn cho trâu bò. Một số hộ nhốt trâu bò và dùng bao tải gai làm áo choàng qua lưng, cổ để trâu bò đỡ rét và đốt củi sưởi ấm xung quanh chuồng; bổ sung thêm cám gạo, bột sắn, cỏ voi, cho trâu bò uống nước ấm pha muối để tăng sức đề kháng. Tuân thủ các biện pháp chống rét Thực tế tại một số nơi, bên cạnh các hộ làm tốt thì vẫn có những hộ chưa coi trọng các biện pháp bảo vệ, giữ ấm cho gia súc, gia cầm và thủy sản. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng bệnh tại một số huyện đạt thấp nên nguy cơ vật nuôi bị chết rét và dịch bệnh xảy ra rất cao. Bà Lâm Thị Kim Anh, Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Bắc Giang: Những ngày tới không khí lạnh tiếp tục tăng cường, nhiệt độ thấp nhất có thể xảy ra ở các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam từ 5OC- 7OC; các huyện Hiệp Hòa, Tân Yên, Yên Thế, Lạng Giang, Yên Dũng, Việt Yên, TP Bắc Giang nhiệt độ từ 6OC- 8OC. Vì vậy, các hộ cần khẩn trương áp dụng các giải pháp chống rét bảo vệ đàn vật nuôi, hạn chế thiệt hại về kinh tế. Ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Trước những diễn biến bất lợi của thời tiết, Sở đã có công văn gửi UBND các huyện, thành phố để chỉ đạo đơn vị chuyên môn tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động áp dụng các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi. Đồng thời đề nghị các huyện, thành phố kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật để nâng cao hiệu quả hoạt động”. Sở khuyến cáo các hộ dân nhất là ở các huyện miền núi, vùng cao không được chủ quan, lơ là mà cần chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh theo định kỳ; cho gia súc, gia cầm ăn đầy đủ thức ăn để tăng sức đề kháng. Các hộ chăn nuôi không thả rông trâu bò khi nhiệt độ xuống dưới 12OC; khẩn trương gia cố chuồng trại, che bạt, giữ nền chuồng khô ráo, mua các trang thiết bị sưởi ấm cho gia súc, gia cầm. Đối với thuỷ sản cần che kín ao bằng bạt ni lông, bèo, xốp chắn gió Bắc, làm sọt tre chứa đầy rơm rạ cắm xuống đáy ao làm nơi trú rét cho cá; không cho cá ăn, không đánh bắt cá trong những ngày nhiệt độ xuống thấp, đồng thời bơm nước giếng khoan vào ao khi thời tiết rét đậm, rét hại; duy trì mực nước trong ao từ 2,5m trở lên. Tranh thủ những ngày trời nắng ấm thu hoạch thủy sản đến lứa.


Có thể bạn quan tâm

Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp năm 2020, An Giang quy hoạch sản xuất cá tra đạt 1.430 ha Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp năm 2020, An Giang quy hoạch sản xuất cá tra đạt 1.430 ha

Theo Đề án, An Giang quy hoạch sản xuất cá tra đến năm 2020 đạt 1.430 ha chủ yếu ở các địa phương như sau: Long Xuyên, Thoại Sơn, Tân Châu, Châu Thành, Châu Phú, Chợ Mới và Phú Tân.

07/08/2015
Có thể khắc phục hiện tượng nghêu chết? Có thể khắc phục hiện tượng nghêu chết?

Từ tháng 3-2015 đến nay, hiện tượng nghêu chết hàng loạt trên diện rộng và kéo dài ở các hợp tác xã (HTX) thủy sản ven biển Bến Tre đã làm giảm thu nhập của người dân. Có nhiều ý kiến khác nhau về nguyên nhân dẫn đến thực trạng này như nắng nóng kéo dài, độ mặn trong nước biển tăng cao và bị nhiễm bẩn. Cơ quan Thú y Vùng VI đã phát hiện vi khuẩn trên các mẫu thử gửi của khu vực biển Bình Đại. Đến nay, mọi công tác khắc phục chỉ có thể ở mức tương đối…

07/08/2015
Châu Thành (Tây Ninh) trồng cây trôm cho thu nhập khá Châu Thành (Tây Ninh) trồng cây trôm cho thu nhập khá

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà gia đình ông Nguyễn Văn Minh (sinh năm 1965, ngụ tổ 2, ấp Tân Định, xã Biên Giới, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) đã thu về lợi nhuận khoảng 60 triệu đồng/năm từ cây trôm.

07/08/2015
Nấm rơm tăng giá Nấm rơm tăng giá

Thời điểm hiện tại, nấm rơm được thương lái thu mua tại ruộng với mức giá từ 43.000 – 45.000 đồng/kg, tăng từ 8.000 - 10.000 đồng/kg so với cách đây khoảng 1 tháng.

07/08/2015
Triển vọng cây ớt hàng hóa tại Sa Pa (Lào Cai) Triển vọng cây ớt hàng hóa tại Sa Pa (Lào Cai)

Được đánh giá là không thua kém về mẫu mã, chất lượng so với vùng có sản phẩm nổi tiếng như Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà (Lào Cai), cây ớt hàng hóa tại Sa Pa đang được coi là hướng sản xuất hàng hóa mang lại giá trị cao.

07/08/2015