Chọn Giống Đúng, Thu Hoạch Cao
Đồng Nai là tỉnh đi đầu trong xây dựng nông thôn mới với huyện Xuân Lộc và TX.Long Khánh đều đã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới. Điểm nổi bật của 2 địa phương này là đã thực hiện tốt việc chuyển đổi giống cây trồng mới, xây dựng các vùng chuyên canh đạt hiệu quả kinh tế cao.
Đây cũng là chương trình chung đang được các địa phương khác trong tỉnh tích cực triển khai, nhằm tăng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, nâng cao mức thu nhập của nông dân.
* Hiệu quả tốt
Anh Nguyễn Mạnh Huy, nông dân xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất) đã thực hiện thành công mô hình ghép cải tạo vườn cà phê. Hiện vườn cà phê rộng 1,2 hécta của gia đình anh đã có khoảng 60% diện tích được ghép giống mới năng suất cao. Anh Huy chia sẻ: “Vườn cà phê của tôi khoảng 7 năm tuổi nhưng đạt năng suất rất thấp do giống kém hiệu quả. Tôi được địa phương hỗ trợ về giống, kỹ thuật để thực hiện mô hình ghép cải tạo vườn cà phê với giống mới năng suất cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt”.
Do chỉ cắt bỏ một phần nhánh cà phê để ghép mới nên nhà vườn không bị mất vụ thu hoạch nào. Phần ghép mới sau một năm đã bắt đầu bói quả. Ưu việt nhất là vườn cà phê của anh Huy được trẻ hóa, năng suất, chất lượng tăng cao mà không hề tốn chi phí trồng mới. Ngay trong vụ bói quả đầu, cây cà phê ghép đã cho thu từ 3 - 4kg hạt/cây/vụ, tăng gấp đôi so với giống cũ. Hiện anh Huy không chỉ tiếp tục ghép cải tạo diện tích cà phê còn lại trong vườn nhà mà còn hỗ trợ, hướng dẫn cho nhiều nông dân trồng cà phê tại địa phương ứng dụng mô hình này.
Ông Bùi Đình Bưởi, Trưởng phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Thống Nhất, cho biết địa phương đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ nông dân chuyển đổi giống cây trồng, như: ghép cải tạo vườn điều, vườn cà phê; nổi bật là mô hình nhân rộng diện tích cây tiêu trên vùng đồi đá tại các xã: Gia Kiệm, Gia Tân 3, Quang Trung... vốn chủ yếu trồng chuối cho hiệu quả kinh tế thấp.
Qua 2 năm thực hiện, huyện đã phát triển được gần 200 hécta cây tiêu đạt giá trị kinh tế cao. Địa phương đang tiếp tục hỗ trợ nông dân nhân rộng mô hình chuyển đổi trên theo chương trình cây, con chủ lực nhằm khai thác được tiềm năng của vùng đồi đá này.
TX.Long Khánh, địa phương đạt hiệu quả cao trong mục tiêu chuyển dịch về cơ cấu cây trồng theo hướng đầu tư thâm canh các loại giống cây trồng mới năng suất, chất lượng tốt thay thế dần các giống cũ, kém hiệu quả. Cụ thể, hiện 100% diện tích cây hàng năm đã sử dụng giống mới năng suất cao, kháng bệnh.
Với các cây trồng lâu năm, 100% cây cà phê đã sử dụng giống mới, năng suất tăng 30% so với giống cũ; mô hình trồng mới cây tiêu đạt 100%, giúp năng suất tăng 50%; 95% diện tích sầu riêng, 90% diện tích chôm chôm được trồng mới đều mang lại hiệu quả cao. Giá trị sản phẩm thu được trên 1 hécta đất nông nghiệp của thị xã bình quân đạt 125 triệu đồng. Một số cây trồng, như: tiêu, sầu riêng đạt từ 250 - 300 triệu đồng/hécta.
* Nhân rộng
Ông Hoàng Thanh Lâm, Phó chủ tịch UBND xã Hàng Gòn (TX.Long Khánh), cho rằng: “Từ xuất phát điểm là xã đặc biệt khó khăn, Hàng Gòn đã về đích sớm 2 năm trong mục tiêu xây dựng nông thôn mới là nhờ thực hiện tốt chương trình chuyển đổi giống cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao”. Tiêu biểu như ấp Đồi Rìu, trước đây chỉ trồng được cây điều kém hiệu quả về kinh tế.
Từ chương trình hỗ trợ của địa phương, một số hộ nông dân đã chuyển đổi sang trồng các loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: cà phê, tiêu, sầu riêng... Mô hình chuyển đổi trên đã thu hút nhiều nông dân mạnh dạn đầu tư chuyển đổi giống cây trồng. Nhờ đó, từ xuất phát điểm xóa nghèo, ấp Đồi Rìu đang có nhiều hộ nông dân vươn lên làm giàu.
Ông Phan Văn Hồng, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai, nhận xét chương trình cây, con chủ lực của tỉnh được triển khai từ năm 2012 đến nay đã có nhiều mô hình hay, hiệu quả tốt được triển khai. Ngoài việc chuyển đổi giống cây trồng hiệu quả, nhiều giải pháp hay cũng được triển khai, như: ứng dụng hệ thống tưới nước, bón phân tiết kiệm; sản xuất theo hướng hữu cơ…Ý nghĩa nhất là từ những mô hình điểm do các địa phương thực hiện, nông dân đã bị thuyết phục làm theo và những mô hình hay không ngừng lan rộng.
Xây dựng nông thôn mới cần xác định địa bàn ưu tiên, đầu tư hiệu quả, tạo sức mạnh lan tỏa từ những mô hình tốt, điển hình hay. Đầu tư phát triển các chương trình cây, con chủ lực đạt chuẩn “4 có”: năng suất cao, chất lượng tốt, thị trường tiêu thụ ổn định, thu nhập cao cho người sản xuất. Mục tiêu xóa dần sự cách biệt giữa khu vực thành thị và nông thôn là nội dung được Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành luôn nhấn mạnh khi về làm việc tại các địa phương trong chương trình kiểm tra công tác xây dựng nông thôn mới.
Vụ thu hoạch cà phê năm nay, một số hộ nông dân trồng cà phê giống mới TR4 tại huyện Tân Phú đạt năng suất gần 5 tấn/hécta, cao gần gấp 3 lần so với giống cũ tại địa phương. Huyện tiếp tục vận động nông dân chuyển đổi sang trồng giống cà phê mới. Hoạt động này nằm trong chương trình phát triển cây chủ lực của tỉnh với những chính sách hỗ trợ về giống, một phần vật tư và hệ thống tưới nước tiết kiệm.
Nguồn bài viết: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/201411/chon-giong-dung-thu-hoach-cao-2352793/
Có thể bạn quan tâm
Thời điểm này, tại các vùng Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên… nhiều nông hộ gặp khó vì khan hiếm giống ớt Ấn Độ mới 403, khi mùa vụ đã cận kề. Không chỉ mua giống giá cao gấp đôi, gấp ba; nhiều nông hộ còn mua phải hạt giống trôi nổi, giống giả…
Việc đầu tư nuôi gà Đông Tảo đã tạo nguồn thu nhập ổn định cho chàng kỹ sư tin học Phan Văn Sang (thôn Quý Phước, Bình Quý, Thăng Bình).
Tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tây Giang, qua các đợt khảo sát, đến nay các hộ dân trên địa bàn huyện đã trồng được hơn 14ha diện tích cây dược liệu đảng sâm và ba kích.
Nghề lưới rê hỗn hợp được ngư dân ứng dụng và phát triển rộng khắp trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây đã đem lại hiệu quả khả quan.
Nhiều phần quà giàu ý nghĩa từ Quỹ tấm lòng vàng vừa được Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tặng cho các ngư dân có phương tiện gặp nạn trên biển thời gian qua.