Chỗ nói an toàn, nơi bảo chưa chắc
Trong lúc nhiều nơi bán khẳng định đã kiểm soát chặt nguồn cung trước khi đưa miếng thịt lên kệ hàng, thì cơ quan chuyên môn nói chẳng có gì chắc chắn đó là thịt sạch.
Người bán nói không
Lo ngại về chất tạo nạc trong thịt heo một lần nữa lại bùng lên sau khi cơ quan chức năng phát hiện một số công ty chăn nuôi, trong đó có hai công lớn là C.P và Anco, sử dụng chất cấm trong quá trình nuôi heo. Khi được hỏi đến, một số hệ thống siêu thị lớn khẳng định họ không bán thịt heo có chất tạo nạc.
Ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc tiếp thị của Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op), cho biết hệ thống siêu thị Co.opMart đang bán thịt heo từ nhà cung cấp Vissan (Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ súc sản).
Nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm trước khi tới tay người tiêu dùng, thịt được bộ phận kiểm định chất lượng dùng thiết bị kiểm tra qua ba giai đoạn, từ lúc thịt nhập vào tổng kho đến giai đoạn về siêu thị và lên quầy kệ.
“Ngoài ra, thỉnh thoảng bộ phận kiểm định chất lượng lại lấy mẫu sản phẩm trên quầy kệ mang đi kiểm tra tại các trung tâm kiểm định chất lượng”, ông Hoàng Anh cho biết thêm.
Tương tự, giám đốc quan hệ công chúng của hệ thống siêu thị Big C, ông Hồ Quốc Nguyên, cho biết hệ thống siêu thị này không bán thịt heo của hai công ty C.P và Anco, mà lấy từ các nhà cung cấp địa phương ở Đồng Nai. “Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, trong thời gian tới, hàng tháng chúng tôi sẽ yêu cầu nhà cung cấp phải có bản giám định chất lượng của cơ quan thứ ba”, ông Nguyên cho biết.
Ông Phạm Lê Bá Phước, quản lý ngành hàng thịt tươi sống của siêu thị Lotte Mart Việt Nam, cho biết siêu thị không nhập thịt heo từ các nhà cung cấp C.P, Anco và Vissan. Hiện nay, nguồn hàng lớn nhất của siêu thị đang được nhập từ nhà cung cấp Anh Hoàng Thy, nơi có hai trạm giết mổ lớn nằm tại khu vực tỉnh Đồng Nai.
Khâu kiểm tra đầu vào được giám đốc ngành hàng kiểm tra định kỳ hàng tuần về mặt cảm quan, từ kho đông, trang thiết bị giết mổ đến xe vận chuyển. Ngoài ra, siêu thị này còn kiểm tra giấy tờ kiểm dịch từ cơ quan thú y.
Tuy nhiên, tại thời điểm này, Đồng Nai đang là điểm nóng về sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi.
Người kiểm tra nói chưa chắc
Đem vấn đề đến trao đổi với một lãnh đạo của Chi cục Thú y TPHCM, vị này cho biết ông không biết các siêu thị đã kiểm tra bằng cách nào, và căn cứ vào đâu các siêu thị đưa ra thông tin rằng thịt họ bán đã được kiểm tra không có chất tạo nạc.
Theo vị này, hiện đã có phương pháp kiểm tra nhanh tại hiện trường, và thời gian kiểm tra ở dạng định tính cho ra kết quả trong vòng ba giờ. Nếu lô thịt heo nào có kết quả định tính với chất tạo nạc, cơ quan thú y sẽ niêm phong lô hàng đó để tiến hành phân tích định lượng. Thời gian để biết kết quả là 72 giờ.
“Để biết sản phẩm thịt có được kiểm tra tốt hay không, cần phải xem nguồn thịt heo cung cấp cho các siêu thị đã được cơ quan thú y ở địa phương nào kiểm tra. Lúc đó mới biết thịt có đảm bảo an toàn hay không”, vị này cho biết.
Ông Duy Linh, nhân viên phụ trách truyền thông của Công ty C.P Việt Nam, cho biết ngay sau khi có kết luận thanh tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về một số trang trại chăn nuôi heo gia công cho C.P có chất cấm, công ty đã đóng cửa những trang trại này và tăng cường xét nghiệm nước tiểu heo ở những trang trại nào có xuất bán.
Ông Linh cũng cho biết thêm, do số lượng trang trại chăn nuôi theo hướng gia công cho C.P nhiều, công ty chỉ kiểm soát theo hướng kiểm tra, xét nghiệm trước khi xuất bán chứ không thể kiểm tra sản phẩm đầu ra của từng trang trại.
Khi được hỏi về số lượng trang trại đang nuôi gia công cho C.P, cũng như trong gần một tháng qua công ty đã xét nghiệm được bao nhiêu trang trại, ông Linh không cho biết số lượng cụ thể. Tại TPHCM, sản phẩm thịt heo của C.P bán ở siêu thị Maximark Cộng Hòa và Maximark 3 tháng 2, chợ đầu mối Hóc Môn và một số điểm bán lẻ khác.
Còn đối với Công ty Anco, Sài Gòn Tiếp Thị chưa thể liên lạc với công ty này để cập nhật vấn đề kiểm soát chất tạo nạc hiện nay như thế nào.
Một đại diện của chợ đầu mối Hóc Môn cho biết, mỗi ngày chợ nhập khoảng 330 tấn thịt heo của nhiều lò mổ khác nhau, trong đó có sản phẩm thịt heo của C.P. Tại một số chợ trên địa bàn TPHCM, các tiểu thương cho biết, lượng thịt heo từ nhiều nguồn tập trung về chợ vẫn ổn định, giá cả không có biến động.
Có thể bạn quan tâm
Nói đến vùng đất đồi núi xã Đa Mi (Hàm Thuận Bắc - Bình Thuận), người ta thường nói đến các mô hình trồng cây ăn trái. Ở đó có những con người biết vượt khó để xây dựng mô hình kinh tế ổn định, cho thu nhập hơn trăm triệu đồng mỗi năm.
Hiện nay, nhà vườn trồng bưởi da xanh ở huyện Long Mỹ (Hậu Giang) đang bước vào thu hoạch, năng suất khoảng 21 tấn/ha. Giá bưởi da xanh được thương lái mua tại vườn với giá 34.000 đồng/kg, tăng 6.000 đồng so với tháng trước. Với giá như hiện nay, sau khi trừ chi phí, nông dân lời hơn 500 triệu đồng/ha.
Theo thống kê, sau kết thúc vụ thu hoạch cam năm 2013, trên địa bàn huyện Cao Phong đã có 160 hộ trồng cam đạt mức doanh thu từ 1 tỷ đồng trở lên, trong đó có 20 hộ đạt doanh thu từ 3 – 5 tỷ đồng.
Thương hiệu GlobalGAP (chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu) như một tấm “thẻ thông hành” để bưởi Tân Triều (Vĩnh Cửu - Đồng Nai) xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên, sau một thời gian sản xuất, người trồng bưởi đã đồng loạt bỏ thương hiệu này khiến “giấc mơ” xuất khẩu bưởi tan vỡ.
Vị ngon của bưởi da xanh đã chinh phục khẩu vị những người khó tính và có khả năng cạnh tranh trên thương trường khu vực và quốc tế. Chuẩn GlobalGAP trên bưởi da xanh phải chăng là “chiếc vé thông hành” cho hành trình vươn xa của loại trái cây này?