Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chợ Đầu Mối Trái Cây Vĩnh Kim Chờ Những Phiên Chợ Cuối Năm

Chợ Đầu Mối Trái Cây Vĩnh Kim Chờ Những Phiên Chợ Cuối Năm
Ngày đăng: 31/01/2015

Những ngày đầu tháng Chạp, các vựa nằm trong khu vực chợ đầu mối trái cây Vĩnh Kim đang chuẩn bị cho những phiên chợ cuối năm để tiêu thụ khắp nơi trong cả nước. Vốn là chợ đầu mối trái cây sôi động nhất, nhì của cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, chợ Vĩnh Kim đang chờ đón sự nhộn nhịp, tất bật vào những ngày giáp Tết Nguyên đán.

Những phiên chợ cuối năm

Chúng tôi về khu chợ đầu mối trái cây Vĩnh Kim trong những ngày cuối năm âm lịch, khi khắp nơi từ thành thị đến nông thôn, thị trường tết bắt đầu sôi động lên từng ngày. Trên các nẻo đường hướng về chợ trái cây Vĩnh Kim, người, xe chở đầy ắp trái cây.
Nhà vườn mang trái cây ra chợ bán, thương lái từ các nơi đổ về thu mua; các vựa tất bật đóng gói đưa hàng đi cung ứng cho các thị trường miền ngoài. Khu nhà lồng chợ là nơi “đóng đô” của những thương lái nhỏ, kiểu mua bán sang tay và là nơi mua bán của nhà vườn.
Trời đã xế chiều nhưng những chiếc xe tải vẫn đang nằm trong bến chờ lấy hàng cho kịp những phiên chợ tết miền xa. Trong các vựa, nhân công vẫn tất tả đóng gói trái cây để kịp lên hàng đưa đi tiêu thụ. Các chủ vựa nơi đây cho biết, Vĩnh Kim là chợ đầu mối trái cây lớn trong khu vực nên hoạt động mua bán gần như náo nhiệt suốt năm. Mùa vú sữa trùng với mùa trái cây tết nên chợ đầu mối Vĩnh Kim nhộn nhịp từ thời điểm này cho đến Tết Nguyên đán.
Tại vựa trái cây Nhẫn Sim nằm trong khuôn viên chợ Vĩnh Kim đang chất đầy vú sữa, sa pô, chôm chôm, bưởi. Tại đây, người thì phân loại, người bao trái, người đóng thùng, nên không khí cũng không kém phần nhộn nhịp. Chị Sim, chủ vựa cho biết, vựa của chị kinh doanh rất nhiều loại trái cây.
Hiện tại, vựa thu mua và đóng gói đưa đi tiêu thụ chủ yếu các mặt hàng vú sữa, sa pô do đang vào mùa thu hoạch rộ. Với 2 loại trái cây này, mỗi ngày vựa của chị kinh doanh từ 6 - 7 tấn, cung ứng chủ yếu cho thị trường miền Bắc và miền Trung. Hiện nay thị trường trái cây tết mới bắt đầu khởi động, lượng tiêu thụ chưa tăng nhiều.
Tại chợ Vĩnh Kim, loại trái cây chủ yếu là vú sữa, còn các loại khác như bưởi, sa pô, chôm chôm chưa nhiều, một phần cũng do thất mùa nên sản lượng trái thấp hơn cùng kỳ năm trước khoảng 50%. Vì thế, nhà vườn có tâm lý “neo hàng” chờ giá cho đến những ngày giáp Tết. Đặc biệt, quýt chưng tết, xoài chuyển về từ chợ An Hữu vẫn chưa xuất hiện. Do lượng trái cây tết về ít nên giá cũng khá cao, chỉ riêng vú sữa là giá không cao.
Có thể nói, hoạt động của chợ trái cây Vĩnh Kim phục vụ Tết Nguyên đán năm nay khởi động trễ so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu trái cây ở Hà Nội, miền Bắc, miền Trung chưa tăng mạnh, nhiều loại trái cây lại thất mùa. Tuy nhiên, từ giữa tháng Chạp trở đi thị trường Tết mới tăng mạnh và mạnh nhất là từ ngày 17 - 25 tháng Chạp âm lịch.
Các vựa ăn hàng mạnh nhất thời điểm này để đưa đi các thị trường xa như miền Bắc, miền Trung cho kịp đưa ra chợ tết trong những ngày cuối năm âm lịch phục vụ nhu cầu chưng, cúng trên bàn thờ tổ tiên hay tiêu dùng trong những ngày tết. Còn từ 25 tháng Chạp cho đến giáp tết, các vựa tập trung cung ứng trái cây cho thị trường gần như TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh.
“Do nhu cầu trái cây tết nên khoảng 17 - 25 tháng Chạp các nhà vườn bắt đầu tung hàng bán tết, lượng trái cây về vựa và cung ứng cho thị trường các vùng miền cũng sẽ tăng mạnh, thậm chí gấp đôi, gấp 3 lần so với ngày thường” - chị Sim cho biết.
Mùa sữa “lạt”
Có điều dễ nhận ra là mùa vú sữa năm nay chắc chắn sẽ “lạt” hơn mọi năm do giá bán thấp và sản lượng cũng thấp. Chị Trương Thị Mai Hương, chủ vựa trái cây có quy mô lớn cho biết, từ khi mùa vú sữa bắt đầu là vựa của chị hoạt động gần như suốt ngày. Tất cả lượng trái cây của vựa mua vào đều đóng gói đưa đi tiêu thụ ở thị trường Hà Nội. Trong đó, phần lớn là vú sữa với sản lượng đóng gói đưa đi thị trường này khoảng 3 tấn/ngày.
Ngoài vú sữa, vựa còn đóng thêm một số loại trái cây khác như: Mít Thái siêu sớm, mận An Phước, chôm chôm… Tuy nhiên, theo chị Hương, vú sữa năm nay thất mùa lại thu hoạch không liên tục như mọi năm nên lượng trái cây đóng đi Hà Nội giảm so với cùng kỳ năm trước. Vì thế, dù thị trường tết đang khởi động nhưng hoạt động buôn bán trái cây ở khu vực chợ trái cây Vĩnh Kim vẫn kém sôi động hơn mọi năm.
“Khả năng từ nay đến Tết, lượng vú sữa xuất đi Hà Nội vẫn ổn định. Từ mùng 10 trở đi, lượng trái cây đóng đi thị trường Hà Nội sẽ tăng do nhu cầu các loại trái cây dùng chưng tết tăng như bưởi, quýt, dưa hấu…” - chị Hương cho biết
Đánh giá về vụ mùa vú sữa năm nay cũng như tình hình kinh doanh của chợ, ông Nguyễn Văn Vui, nhân viên Tổ Quản lý chợ trái cây Vĩnh Kim cho rằng, mùa vú sữa của Tiền Giang năm nay “đụng hàng” với vú sữa của Cần Thơ. Khi vú sữa của Tiền Giang chuẩn bị thu hoạch thì vú sữa của Cần Thơ cũng vào giai đoạn thu hoạch rộ. Nhưng điều đặc biệt là vú sữa của Cần Thơ luôn có giá thấp hơn vú sữa của Tiền Giang.
Chẳng hạn thời điểm vú sữa của Tiền Giang có giá 35.000 đồng/kg thì của Cần Thơ chỉ có 17.000 đồng/kg. Lúc vú sữa của Tiền Giang chuẩn bị thu hoạch thì lượng vú sữa của Cần Thơ chuyển về chợ đầu mối trái cây Vĩnh Kim khoảng 10 tấn/ngày. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến giá vú sữa của Tiền Giang năm nay thấp hơn các năm trước.
Trong khi đó, mùa vú sữa của Tiền Giang năm nay sản lượng cũng thấp hơn so với các năm trước. Vì vậy, so với cùng kỳ hàng năm, vào thời điểm này mỗi ngày chợ trái cây Vĩnh Kim giao dịch ít nhất 60 tấn/ngày nhưng năm nay chỉ khoảng 40 tấn.
Diễn biến khác nữa là việc tiêu thụ năm nay cũng khó do thời tiết lạnh đến sớm và kéo dài nên thị trường miền Bắc, thị trường tiêu thụ trọng yếu của trái vú sữa tiêu thụ chậm hơn. Từ thực tế như thế dẫn đến giá vú sữa năm nay cũng thấp hơn so với mọi năm.
Chẳng hạn, ngày 26-1, chỉ sau 1 tuần, giá vú sữa loại cơi từ 25.000 đồng/kg chỉ còn 20.000 đồng/kg; hàng lừng từ 17.000 đồng xuống còn 13.000 đồng/kg. “Khoảng nửa cuối tháng Chạp, lượng trái cây về chợ sẽ tấp nập, chợ diễn ra cả ngày lẫn đêm. Bên cạnh các loại trái cây trong khu vực thì có thêm lượng lớn xoài, quýt từ chợ An Hữu chuyển về” - ông Nguyễn Văn Vui cho biết.


Có thể bạn quan tâm

Bỏ phố về rừng Bỏ phố về rừng

Người ta bảo ông “gàn” khi bỏ phố về rừng. Thế nhưng, bằng bàn tay, khối óc của mình, ông đã biến 32 ha rừng hoang thành một trang trại tổng hợp cho thu nhập ổn định.

02/10/2015
Trồng rau thủy canh Trồng rau thủy canh

Trồng rau thủy canh không cần đất mà trồng trực tiếp vào dung dịch dinh dưỡng hoặc giá thể (trấu hun, mụn dừa, cát…) rất phù hợp với người dân thành thị với quỹ đất hạn hẹp.

02/10/2015
Diện tích sắn nhiễm rệp sáp bột hồng giảm mạnh Diện tích sắn nhiễm rệp sáp bột hồng giảm mạnh

Cách đây 3 tháng, rệp sáp bột hồng lân lan ra toàn tỉnh Phú Yên gây hại 337 ha sắn, hiện giảm còn 200 ha. Các chuyên gia nhận định, thời gian đến thời tiết có mưa, diện tích sắn bị nhiễm sẽ giảm mạnh.

02/10/2015
Vượt chỉ tiêu xây, lắp hầm biogas Vượt chỉ tiêu xây, lắp hầm biogas

8 tháng đầu năm 2015, đã có gần 2.200 công trình biogas được xây, lắp mới tại tỉnh Phú Thọ.

02/10/2015
Rừng dẻ Lục Nam Rừng dẻ Lục Nam

Hiếm nơi nào có được rừng dẻ tự nhiên có tuổi đời ngót trăm năm như các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Lục Nam (Bắc Giang).

03/10/2015