Chó Chạy Vào Nhà, Người Chạy Ra Bưng
Cái nắng chang chang những ngày giữa tháng 3 như thiêu đốt trên ruộng muối không một bóng cây khiến không gian lúc nào cũng oi bức hầm hập ở đồng muối An Ngãi (huyện Long Điền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) nhưng không làm cho không khí làm muối bị ảnh hưởng. Bất chấp cái nắng lớn, hàng trăm người thi nhau làm việc vì giá muối và tiền công năm nay khá cao.
Ông Hoàng Văn Chín, chủ 3 ha muối (vào loại lớn ở ấp An Thạch, An Ngãi) phấn khởi cho biết: "Nếu như vụ muối năm ngoái chỉ 400-500 đ/tấn muối thì năm nay giá tăng gấp đôi. Hiện giá muối thương lái mua tại đồng là 900-1.000đ/kg. Mình làm ra bao nhiêu là họ vào cân hết bấy nhiêu chứ không chê ỏng chê eo như năm ngoái. Làm muối là nghề lấy công làm lãi nên cực lắm chú ạ".
Theo tìm hiểu của chúng tôi, chính vì muối được giá nên hiện nhiều thanh niên đang làm ở các khu công nghiệp, chế xuất vùng lân cận cũng bỏ việc về… làm muối do thu nhập tăng gấp 2-3 lần. Chúng tôi gặp ông Trần Văn Mạnh (ngụ tại tổ 6 ấp 5, xã Hoà Long, TX Bà Rịa) khi ông đang ngồi phệt giữa đồng muối cặm cụi ghi chép từng xe muối. Ông Mạnh cho biết: "Do muối năm nay sản lượng khá và được giá nên nhiều diêm dân đã thông báo cho con em đi làm công nhân ở nhiều nơi về “làm tán” (làm mướn)".
Nhà ông “Bảy còm” có 3 người con (2 trai 1 gái) đang đi làm công nhân may mặc và giày da ở KCN Biên Hoà 1, đứa thì không có việc, đứa thì lương thấp nên ông gọi về nhà làm muối hết. Hiện nay do đang “khát” lao động làm muối nên các nhà thầu thường thuê với giá khá cao khiến lao động phải “chạy sô”.
Lý giải về việc này ông Mạnh cho biết: Thông thường các chủ ruộng muối không có người làm thường bán “vo” cho các “nhà thầu” với một giá nào đó. Sau đó, các nhà thầu sẽ thuê lại nhân công để thu hoạch và làm muối. Do đó, một lao động một ngày có thể “chạy sô” 4-5 ruộng muối là bình thường nên thu nhập một ngày cũng có thể được 250 ngàn - 300 ngàn. Theo ông Mạnh, mức tiền công như vậy là khá cao khiến người làm muối rất vui. Hiện nay ông Mạnh đang thầu lại 5 ha muối, mỗi ngày ông phải thuê tới hơn 30 người làm nhưng vẫn không đáp ứng đủ. Điều đáng nói, dù tiền công khá như vậy nhưng hiện đang “đỏ con mắt” để kiếm lao động. Có lẽ do vụ năm ngoái giá “hẻo” quá, rất nhiều người làm muối bỏ đi làm mướn ở các thành phố, khu công nghiệp...
Do nhân công được thuê thu nhập theo sản lượng nên phải đợi đến gần nửa tiếng chúng tôi mới gặp được người lao động trong lúc họ giải lao chốc lát. Em Võ Văn Toản cho biết: "Em đang làm công nhân cho một Cty chế biến hải sản ở KCN Bà Rịa nhưng không có việc. Làm từ tháng 11 năm ngoái đến giờ vẫn chưa có lương tháng 1/2012 nên em xin nghỉ về tranh thủ kiếm tiền phụ ba mẹ. Khi nào hết mùa muối mà họ còn cần mình thì em lại lên làm tiếp. Trung bình một ngày em làm từ 4-5 ruộng muối, làm hết ruộng này thì qua làm ruộng khác, việc ở đây làm không xuể anh nhưng cực hơn nghề khác do nắng, gió khiến da cháy xạm".
... vẫn trĩu nặng nỗi lo
Tuy năm nay giá muối có cao nhưng tâm sự với chúng tôi, những diêm dân bao đời nay gắn bó với nghề muối ví von nghề này bấp bênh chẳng khác nào những cơn sóng biển.
"Giá muối lúc lên cao, lúc hạ thấp, còn thời tiết thì thất thường khiến chúng tôi không biết sao mà nần. Nếu như, hiện nay nắng tốt làm muối sản lượng cao thì cũng nhiều vụ mưa trái mùa liên tục khiến muối chuẩn bị thu hoạch thì tan biến sau một trận mưa, tổn thất cả chục triệu đồng… Chẳng hạn, hồi đầu vụ, do thời tiết nắng gió thất thường lại xuất hiện những cơn mưa trái mùa nên năng suất muối chỉ đạt chừng 70-80 tấn/ha", ông Hoàng Văn Chín tâm sự.
Thời tiết bấp bênh là một nỗi lo nhưng đối với diêm dân, điều trăn trở hơn cả là đầu ra của hạt muối. Hiện nay, việc tiêu thụ muối của diêm dân hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái. Trong khi đó, trên địa bàn An Ngãi hiện chỉ có vài cơ sở thu mua muối. Người mua thì ít, người bán thì nhiều, dẫn đến diêm dân không thể tự định ra giá muối mà người quyết định giá chính là thương lái. Thương lái định giá thế nào diêm dân cũng buộc lòng phải chấp nhận như vậy do đó chuyện thương lái “làm giá”, o ép là chuyện cơm bữa.
Để đối phó với tình trạng “con buôn làm giá”, bắt đầu từ năm 2008, các hộ dân ở An Ngãi đã liên kết với nhau thành lập ra Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản và Sản xuất muối Chợ Bến (HTX Chợ Bến) để làm đầu mối trung gian tìm kiếm nơi tiêu thụ. Theo đó, HTX Chợ Bến thu mua muối của diêm dân về trữ ở kho, ai mua thì bán lại hoặc chờ giá cao thì bán mà không phải phụ thuộc vào thương lái. Oái oăm thay, mới thành lập được một năm thì vụ muối năm 2009 giá giá muối cả nước sụt giảm mạnh từ 1.200đ/kg xuống còn… 500-600đ/kg khiến cho HTX Chợ Bến làm ăn bết bát buộc phải “chết yểu” chỉ sau một năm thành lập.
Ông Huỳnh Văn Thuyết, Chủ nhiệm HTX Chợ Bến với thâm niên hơn 30 năm gắn bó với nghề muối u buồn kể lại: “Trên danh nghĩa thì hiện nay HTX Chợ Bến vẫn còn tồn tại, nhưng thực tế, HTX đã giải tán từ…3 năm nay vì không có kinh phí để hoạt động. Đồng nghĩa với việc giải tán HTX Chợ Bến là việc bế tắc đầu ra cho muối của bà con diêm dân… và sự trở trăn về nghề muối còn kéo dài".
Gần đây để cải thiện chất lượng muối, giảm số lao động thuê mướn, rút ngắn thời gian sản xuất và tăng cao sản lượng, diêm dân đã biết áp dụng phương pháp trải bạt để làm muối. Tuy nhiên, hiện nay An Ngãi chỉ mới có khoảng hơn chục hộ áp dụng phương pháp mới này với tổng diện tích gần 20 ha. Nguyên nhân của tình trạng này là do chi phí đầu tư cho phương pháp này khá cao trong khi đời sống diêm dân rất khó khăn thì lấy đâu ra tiền để đầu tư? Bởi lẽ, theo tính toán của diêm dân: chi phí đầu tư 1 ha sản xuất muối trên nền đất một niên vụ khoảng 34 triệu đồng trong khi chi phí đầu tư ban đầu cho 1 héc ta sản xuất muối trên bạt nhựa đã lên tới…400 triệu đồng chưa kể các chi phí khác.
Mặc dù bạt nhựa có thể sử dụng trong 4 năm, nhưng do chi phí đầu tư ban đầu quá lớn, giá muối lại bấp bênh trong khi đa số bà con diêm dân đều là những hộ nghèo, đời sống còn nhiều khó khăn nên việc áp dụng sản xuất muối theo phương pháp này là rất khó. Chính vì vậy, đến nay đa phần diêm dân ở Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn phải sản xuất muối theo phương pháp cũ, dù tốn rất nhiều thời gian, công sức mà hạt muối làm ra chất lượng lại kém.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 17. 11, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, phối hợp với UBND tỉnh, Sở NNPTNT tỉnh Đăk Lăk tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chủ đề "Một số giải pháp thâm canh cây cà phê hợp lý để nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững".
Không có thương hiệu, thiếu thuần loại, không kiểm soát được dư lượng hoá chất hay truy xuất được nguồn gốc... là những yếu huyệt khiến xuất khẩu gạo Việt Nam vào các thị trường TPP khó gia tăng.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, các tiêu chí tiếp cận đo lường nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn này gồm tiêu chí về thu nhập, mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản.
Hàng loạt nông dân nuôi bò sữa ở TP.HCM đang rao bán bò sau khi có thông tin các công ty thu mua sữa sẽ giảm hoặc cắt hợp đồng mua sữa vào đầu năm 2016...
Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất giống gia cầm cho 7 tỉnh biên giới phía Bắc” đã triển khai được hơn 1 năm. Dự án không chỉ tạo ra được nguồn giống sạch dồi dào mà còn từng bước xây dựng một vành đai gia cầm vững chắc.