Chính Thức Triển Khai Tạm Trữ Lúa Gạo
Ngày 1/3, tại TP Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám chủ trì Hội nghị triển khai mua lúa, gạo tạm trữ vụ ĐX 2014-2015.
Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo các cục, vụ thuộc Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA); lãnh đạo UBND 3 tỉnh, thành và Sở NN-PTNT, Sở Công thương các tỉnh vùng ĐBSCL.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhận định: Đây là lần thứ 6 Chính phủ đưa ra giải pháp tạm trữ nhằm can thiệp thị trường, ngăn chặn đà suy giảm giá lúa khi vào vụ thu hoạch rộ, đảm bảo ổn định SX cho người trồng lúa, đảm bảo hiệu quả SX kinh doanh.
Trước tết, vào đầu tháng 2/2015 tình hình lúa vụ ĐX 2014-2015 ở một số địa phương thu hoạch sớm gặp khó khăn khâu tiêu thụ. Giá lúa xuống thấp, tại ruộng, lúa IR50404 có nơi xuống còn 3.800-4.000 đ/kg và đang xu hướng giảm. Trong khi đó tình hình xuất khẩu gạo đầu năm gặp khó khăn.
Trước tình hình đó, ngày 13/2, Bộ NN-PTNT chủ trì cuộc họp cùng với các bộ, ngành Trung ương thống nhất đệ trình Thủ tướng Chính phủ về giải pháp tạm trữ lúa gạo. Ngay sau đó Chính phủ đã có chủ trương và ngày 24/2 chính thức ban hành quyết định số 241/QĐ/TTg về mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo trong vụ ĐX 2014-2015 ở vùng ĐBSCL.
Quyết định này đúng vào thời điểm lúa ĐX trong vùng bước vào thu hoạch rộ, tác động từ những ngày giáp tết ở ĐBSCL lúa đã tăng lên 200-300 đ/kg, tạo tâm lý phấn khởi cho nông dân ăn tết tươi vui.
Theo Quyết định tạm trữ, thời hạn mua tạm trữ lúa gạo kể từ ngày 1/3 đến ngày 15/4/2015. Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, đã chấp thuận cho 17 ngân hàng thương mại tham gia chương trình cho vay mua tạm trữ lúa gạo đối với các thương nhân được VFA phân giao chỉ tiêu. Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay trong 4 tháng kể từ ngày mua tạm trữ đến hết 30/6/2015.
VFA phối với UBND các tỉnh ở vùng ĐBSCL tổ chức phân giao chỉ tiêu tạm trữ cho các thương nhân, DN.
VFA đề nghị chỉ tiêu tạm trữ như sau: An Giang 251.433 tấn quy gạo; Bạc Liêu 8.000 tấn; Bến Tre 13.000; Cà Mau 2.400 tấn (giảm 600 tấn so năm 2014); Cần Thơ 175.696 tấn; Đồng Tháp 155.471 tấn; Kiên Giang 79.000 tấn; Long An 118.757 tấn; Sóc Trăng 26.000 tấn; Tiền Giang 83.143 tấn; Trà Vinh 13.000 tấn; Vĩnh Long 28.100 tấn; Hậu Giang 18.000 tấn.
Tuy nhiên sau khi các địa phương đóng góp ý kiến và thống nhất với VFA bổ sung chỉ tiêu tăng thêm 25.000 tấn trong kế hoạch dự phòng: Bạc Liêu bổ sung tăng chỉ tiêu tạm trữ thêm 5.000 tấn; Kiên Giang tăng thêm 3.000 tấn; Đồng Tháp tăng thêm 5.000 tấn; Sóc Trăng tăng thêm 2.000 tấn; Long An tăng thêm 10.000 tấn và Hậu Giang tăng thêm 2.000 tấn.
Đặc biệt rút kinh nghiệm những lần tạm trữ trước đây, triển khai kế hoạch tạm trữ lần này Bộ NN-PTNT ban hành qui chế kiểm tra giám sát có sự tham gia của các cơ quan chức năng Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công thương và địa phương.
Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu các đơn vị tham gia vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật. Các DN báo cáo theo qui định của VFA về tiến độ thực hiện.
Ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch VFA, cho biết: Từ ngày 14/2 VFA đã có công văn đề nghị các thương nhân đăng ký thu mua tạm trữ lúa gạo.
Chuẩn bị lần tạm trữ này VFA phân bổ chỉ tiêu cho các thương nhân, DN ở ĐBSCL căn cứ theo 4 tiêu chí như: DN có đăng ký tạm trữ vụ ĐX 2014-2015; có thành tích mua tạm trữ vụ ĐX 2013-2014; có năng lực xuất khẩu và tiêu thụ lượng lúa gạo tạm trữ; theo chủ trương chung có tham gia mô hình liên kết cánh đồng lớn. Trong đó bao gồm những DN của tỉnh thu mua trong tỉnh và DN ngoài tỉnh thu mua trong tỉnh.
Tại hội nghị, VFA cho biết, có 4 điểm không đưa vào diện phân bổ chỉ tiêu tạm trữ và xin ý kiến hội nghị: Đó là những thương nhân, DN năm trước nhận chỉ tiêu tạm trữ sau đó trả lại chỉ tiêu và không thực hiện chỉ tiêu; DN chưa đăng ký; DN chưa có chứng nhận hợp pháp và ở ngoài vùng ĐBSCL.
Trong đó, có ý kiến đề nghị phải xem xét trường hợp một số DN trong năm trước có đăng ký nhận chỉ tiêu tạm trữ rồi trả lại không thực hiện nên có khuyến cáo như thế nào? Một số ý kiến của lãnh đạo các tỉnh trong vùng đề nghị nên căn cứ theo diện tích, sản lượng lúa để tăng thêm chỉ tiêu cho từng địa phương.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhận định: Qua các lần triển khai kế hoạch tạm trữ, đây là lần đầu tiên hội nghị ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp rộng rãi, có sự đồng thuận cao giữa VFA và các địa phương. Riêng đối với các DN không đủ điều kiện, đặc biệt từ chối thực hiện chỉ tiêu và không đủ năng lực thực hiện sẽ không phân bổ chỉ tiêu lần này.
Tuy nhiên cần nói rằng giải pháp tạm trữ chỉ là can thiệp thị trường chứ không phải chính sách hỗ trợ cho nông dân.
Vì vậy phân bổ chỉ tiêu tạm trữ không phân theo sản lượng, diện tích SX lúa theo từng địa phương và chỉ phân bổ cho những DN có năng lực kinh doanh xuất khẩu.
Thông tin mới đây, VFA vừa thắng thầu 300.000 tấn xuất sang Philippine đã tạo sự cộng hưởng, dự báo tín hiệu khả quan hơn cho thị trường lúa gạo sắp tới.
Có thể bạn quan tâm
Virus gây bệnh đốm trắng (WSSV) thuộc họ Nimaviridae, có cấu trúc virion có dạng hình trụ đến elip hoặc hình trứng, rộng khoảng 121±9nm, dài khoảng 276±26nm, có vỏ bọc, không có thể vùi. Bộ gen của virus này là DNA sợi đôi với kích thước khoảng 305 kb. Đây là loại virus gây chết tôm nhiều, nhanh nhất và có khả năng lây nhiễm cao. Khi thâm nhập vào cơ thể tôm, loại virus này cư trú ở nhiều bộ phận như mô nội bì, mô dạ dày, mang, buồng trứng (hay tinh hoàn), hệ thống thần kinh, mắt, chân bơi… Khi nhiễm bệnh, tôm có màu đỏ hồng, đốm trắng ở vỏ giáp đầu ngực, tỷ lệ tôm bị chết khi nhiễm bệnh lên đến 80-100%.
Trong những tháng qua, ở Ninh Thuận, “sự cố” tôm nuôi chết hàng loạt đã làm các vùng nuôi tôm Đầm Nại (Ninh Hải), An Hải (Ninh Phước), Phước Dinh (Thuận Nam) trở nên ảm đạm thấy rõ. Thạc sĩ Phan Đình Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản (NTTS) tỉnh cho biết: “Bệnh lạ từng được nói tới vài tháng trước giờ đã được các nhà khoa học định danh là hội chứng tôm chết sớm bởi bệnh hoại tử gan tụy, có điều chưa tìm ra tác nhân”.
Hiện nay, thỏ là vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ trong tỉnh Bắc Giang. Thêm vào đó, đầu tháng 6-2013, Công ty dược phẩm Nippon Zoki Nhật Bản khởi công xây dựng nhà máy Công nghệ sinh học KONISHI Việt Nam tại KCN Quế Võ (Bắc Ninh) với công suất chế biến, tiêu thụ 2 triệu con thỏ thương phẩm/năm, mở ra triển vọng cho nghề chăn nuôi thỏ ở Bắc Giang.
So với cùng kỳ năm trước, giá lươn thu mua tại bồn thời điểm này tuy có thấp hơn chút đỉnh nhưng người nuôi lươn vẫn phấn khởi vì lợi nhuận cao. Mô hình nuôi lươn trong bồn không sử dụng nhiều vốn, không đòi hỏi diện tích lớn, chỉ cần chịu khó chăm sóc là có thể bỏ túi vài chục triệu đồng sau 5 - 7 tháng thả nuôi.
Theo kết quả đánh giá về phát triển kinh tế của UBND huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) về phát triển nông nghiệp đến tháng 7/2012 thì khả quan nhất vẫn là chăn nuôi gia súc gia cầm, đặc biệt là hươu.