Chia tiêu giống miễn phí cho nhiều người để chống trộm
Từng ăn nên làm ra với một xưởng cơ khí lớn nhất nhì trong vùng, nhưng ông Ngô Văn Tiên ở thôn 4, xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa (Gia Lai) lại quyết định rẽ sang nghề trồng hồ tiêu.
Ông Ngô Văn Tiên bên vườn hồ tiêu của mình.
Dù đã có hơn 4ha cà phê, lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm nhưng ông Tiên vẫn quyết định “dấn thân” với cây hồ tiêu. Ông kể: “Vì trước đó ở huyện Đăk Đoa chưa ai trồng thành công nên tôi gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận loại cây trồng hoàn toàn mới này. Tôi còn cảm thấy bị áp lực vì sợ nếu thất bại, bà con sẽ nản chí không ai dám trồng tiêu nữa...”.
Để tránh đi vào vết xe đổ của nhiều người trước đó, ông Tiên đã tìm đến tận Chư Sê - thủ phủ của cây hồ tiêu, để tham quan các mô hình trang trại, học hỏi kinh nghiệm, qua đó ông rút ra được kết luận- với nghề trồng hồ tiêu, điều quan trọng hàng đầu là giống…
Sau khi tìm mua được giống tiêu ưng ý, ông đã cải tạo, tăng chất dinh dưỡng và phòng chống các bệnh dịch trên đất, rồi mới chính thức trồng thí điểm 1.200 trụ tiêu… và trở thành người đầu tiên trồng thành công cây hồ tiêu trên vùng Đăk Đoa, được rất nhiều người đến học hỏi kinh nghiệm và mua cây giống.
Để kiểm soát và hạn chế bệnh dịch, ông còn khoanh vùng cây bệnh trong đường kính 15m để kịp thời xử lý.
Do tình trạng thường xuyên bị mất trộm tiêu giống và tiêu thành phẩm, trong khi thuê nhân công canh giữ khá tốn kém, ông Tiên quyết định chia giống cây miễn phí cho mọi người trồng tiêu trong vùng, với ý định “một mũi tên trúng được hai đích”- vừa dứt điểm được nạn trộm cắp; vừa tạo cho bà con ai cũng có được nguồn giống chuẩn, sạch bệnh để nhân rộng vườn tiêu…
Khác với nhiều hộ trồng tiêu khác trên địa bàn, thấy tiêu được giá thì liên tục vay vốn để mở rộng quy mô, ông Tiên đã chọn con đường an toàn hơn- mở rộng quy mô nhưng trong tầm kiểm soát. Nhờ vậy mà mô hình trồng hồ tiêu của ông ngày càng bền vững, trở thành một trang trại điển hình trong vùng… Dù hiện tại có trong tay hơn 4ha cà phê, 10 nghìn trụ tiêu; thu nhập bình quân 4 - 5 tỷ đồng/năm nhưng ông Tiên vẫn ngày ngày làm việc…
Lý lẽ của ông là: “Tôi chỉ là một anh nông dân bình thường, may mắn gặp thời mà có của ăn của để. Dù có trong tay tiền tỷ đi chăng nữa cũng cần phải làm việc – bởi nếu không có sự cầu tiến và chăm chỉ trong công việc thì ranh giới của kẻ giàu và người nghèo là rất mong manh…”.
Có thể bạn quan tâm
300 cây bơ giống Cuba vào trồng xen tại vườn cà phê có diện tích 3,5 ha hiện đang bước vào giai đoạn kinh doanh,với giá bán ra thị trường lên đến 80.000 đồng/kg
Với vườn cam lòng vàng (cam Vinh) trên 1.100 cây được chăm sóc hiệu quả, trung bình mỗi năm, gia đình ông Trần Duy Hà có thể thu về cả tỷ đồng
Người được mệnh danh này chính là ông Lý Văn Bon, người đầu tiên ở vùng đất ĐBSCL đưa con cá thát lát cườm từ ao hầm sang nuôi lồng bè trên dòng sông Hậu
Qua tìm hiểu, nhận thấy mô hình nuôi thỏ New Zaeland mang lại hiệu quả kinh tế cao nên anh Chanh quyết định đầu tư phát triển kinh tế theo hướng này
Mô hình nuôi dê nhốt chuồng đã mang lại cho gia đình anh Phan Trí Khái (ngụ xã Giai Xuân, H.Phong Điền, TP.Cần Thơ) nguồn lợi nhuận gần 100 triệu đồng/năm.