Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Triển Vọng Bò Sữa Lâm Hà (Lâm Đồng)

Triển Vọng Bò Sữa Lâm Hà (Lâm Đồng)
Ngày đăng: 25/02/2014

Thời gian gần đây phong trào chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi đang phát triển mạnh ở Lâm Hà (Lâm Đồng). Bên cạnh chuyển đổi từ cây công nghiệp dài ngày sang rau, hoa công nghệ cao thì trong lĩnh vực chăn nuôi, con bò sữa đang được người dân nơi đây quan tâm và mở ra triển vọng mới cho ngành nông nghiệp địa phương.

Người dân Lâm Hà lâu nay vẫn gắn bó với cây cà phê truyền thống. Nhưng người làm cà phê vẫn bấp bênh theo mùa vụ, năm được năm mất và mỗi năm chỉ cho thu hoạch một lần nên bây giờ chăn nuôi bò sữa là cơ hội để họ nâng cao thu nhập, ổn định đời sống. Hiện nay, với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp và lợi thế về diện tích trồng cỏ nên ngành nông nghiệp Lâm Hà đang khuyến khích, hỗ trợ người nông dân phát triển chăn nuôi bò sữa.

Năm 2013, UBND huyện Lâm Hà đã phê duyệt kế hoạch phát triển đàn bò sữa với quy mô ban đầu là 100 con/50 hộ dân và hỗ trợ mỗi hộ nuôi bò 2 triệu đồng.

Ngoài ra, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Phòng Tài chính - Kế hoạch Lâm Hà phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn rà soát, lập danh sách, thẩm định để cho các hộ dân có nhu cầu nuôi bò sữa vay vốn với lãi suất ưu đãi (100%/năm). Hiện nay, tổng đàn bò sữa trên địa bàn Lâm Hà là hơn 60 con, chủ yếu tập trung ở khu vực Nam Ban.

Ngoài những hộ nằm trong diện được Nhà nước hỗ trợ nuôi bò thì nhiều người dân địa phương cũng đã tự túc đầu tư vốn để phát triển chăn nuôi bò sữa. Theo kế hoạch đề ra, Lâm Hà phấn đấu đến năm 2015 trên địa bàn có khoảng 500 con bò sữa và đến năm 2020 có khoảng 1.000 con trở lên.

Ông Trương Quốc Khánh - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Hà cho biết: “Để phát triển đàn bò sữa tại địa phương, chúng tôi đã tham mưu cho huyện khuyến khích tạo điều kiện thu hút đầu tư để các tổ chức, cá nhân phát triển các mô hình chăn nuôi bò sữa trên địa bàn.

Qua đó, địa phương cũng có những chính sách ưu đãi như, cho thuê đất, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch vùng chăn nuôi phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và các doanh nghiệp tham gia phát triển dự án bò sữa trên địa bàn…”.

Nhằm tạo điều kiện cho người nông dân trong việc chăn nuôi bò sữa, chính quyền các cấp trong huyện Lâm Hà cũng đã phối hợp với các doanh nghiệp như Công ty cổ phần Sữa Việt Nam, Công ty cổ phần Sữa Đà Lạt ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm đến 100% các hộ dân có nhu cầu bán sữa, tạo điều kiện về thủ tục trong việc xây dựng trang trại nuôi bò sữa, hỗ trợ các dịch vụ thú y, các dịch vụ chăm sóc để phòng chống dịch bệnh cho bò. Hiện nay, hai trạm thu mua sữa tươi cũng đã được xây dựng tại thị trấn Nam Ban và xã Tân Hà với công suất mỗi trạm là 2 ngàn kg sữa mỗi ngày.

Để người nông dân có kỹ thuật chăn nuôi bò sữa, các ngành chức năng địa phương cũng đã phối hợp với các công ty thu mua sữa tổ chức các cuộc hội thảo, các đợt tham quan học hỏi ở các mô hình bò sữa phát triển trong tỉnh. Giống bò và giống cỏ cũng được các công ty hợp đồng bán trực tiếp cho người dân.

(Giá mỗi con bò sữa mang bầu từ 3 - 5 tháng được các công ty bán cho người dân từ 60 - 70 triệu đồng). Người dân nơi đây vẫn ưa chuộng giống bò được sinh ra ở các địa phương trong tỉnh vì nó đã quen với điều kiện khí hậu nên dễ nuôi, còn những giống bò đưa từ các nơi khác về thì khó nuôi hơn.

Theo những người dân nuôi bò sữa tại Lâm Hà cho biết thì con bò sữa rất dễ thích nghi khi về với địa phương. Ngoài cỏ thì người dân cũng có thể tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp để làm thức ăn cho bò như cây chuối, rau lang, đậu, ngô, bí…

Nhìn chung, điều kiện để chăn nuôi bò sữa ở Lâm Hà là tương đối thuận lợi và hiệu quả bước đầu cho thấy con bò sữa đã mang đến cho người dân nguồn thu nhập ổn định hơn so với nghề trồng cây công nghiệp dài ngày trước đây. Ông Trần Quang Tự - một hộ nuôi bò sữa ở thị trấn Nam Ban, Lâm Hà cho biết: “Hiện nay, gia đình tôi đang nuôi 7 con bò sữa, trong đó có 5 con đang cho thu hoạch sữa.

Trung bình một con bò sữa một năm thu được khoảng hơn 5 ngàn lít sữa. Với giá thu mua của các công ty hiện nay là từ 14 - 15 ngàn đồng/1lít thì một con bò sữa mỗi năm mang về cho gia đình chúng tôi hơn 70 triệu đồng. So với trồng cà phê trước đây thì nuôi bò sữa cho thu nhập cao hơn nhiều”.

Như vậy, với những lợi thế sẵn có nghề nuôi bò sữa đang mở ra triển vọng mới cho người nông dân Lâm Hà. Tuy nhiên, địa phương cũng cần nghiên cứu, quy hoạch tổng thể để phát triển đàn bò sữa một cách hợp lý nhất, tránh tình trạng người dân phát triển một cách ồ ạt dẫn đến thiếu diện tích trồng cỏ, thiếu nguồn thức ăn, ô nhiễm môi trường và cung vượt quá cầu lại thất bát, trắng tay.


Có thể bạn quan tâm

Dịch Bệnh Trên Gia Cầm Không Xuất Phát Từ Bình Phước Dịch Bệnh Trên Gia Cầm Không Xuất Phát Từ Bình Phước

Theo báo cáo nhanh của Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh ngày 22-1-2014 về tình hình dịch bệnh trên gia cầm tại xã Bình Minh (Bù Đăng, Bình Phước), sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với chủng cúm A/H5N1 của bệnh nhân tử vong Hoàng Văn Minh, trú tổ 2, chi cục đã khảo sát lấy mẫu đi xét nghiệm đối với gia cầm trong vùng.

02/02/2014
Giá Heo, Gà Tăng Nhẹ Giá Heo, Gà Tăng Nhẹ

Sáng 28-1, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, cho biết giá thịt heo gà thương lái vào các trại mua tăng từ 1-2 ngàn đồng/kg so với cách đây 2 ngày. Cụ thể, giá heo hơi khoảng 48-49 ngàn đồng/kg, giá gà tam hoàng 39-40 ngàn đồng/kg. Giá heo, gà tăng nhẹ song đầu ra vẫn bình thường chưa có dấu hiệu hút hàng.

02/02/2014
Công Nghệ Men Vi Sinh Hướng Đi Mới Trong Sản Xuất Thức Ăn Chăn Nuôi Công Nghệ Men Vi Sinh Hướng Đi Mới Trong Sản Xuất Thức Ăn Chăn Nuôi

Chế phẩm sinh học này trộn lẫn với bột cám ngô, gạo, thóc, sắn, đậu tương, các loại khô dầu (lạc, cải…), bột cá và nước sạch để làm thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm, thủy sản.

02/02/2014
Thu Nhập 200 Triệu Đồng/năm Từ Nuôi Chim Cút Thu Nhập 200 Triệu Đồng/năm Từ Nuôi Chim Cút

Những năm gần đây, trên địa bàn huyện Chơn Thành (Bình Phước) xuất hiện nhiều trang trại chăn nuôi gia cầm có quy mô lớn, theo hướng sản xuất hàng hóa. Để bảo đảm chăn nuôi có lãi, nhiều hội viên nông dân đã tìm hướng đi hiệu quả. Điển hình là mô hình nuôi chim cút của gia đình anh Trần Thanh Phương ở ấp 2, thị trấn Chơn Thành.

02/02/2014
Chuyện Làm Giàu Từ Nuôi Ngựa Bạch Chuyện Làm Giàu Từ Nuôi Ngựa Bạch

Về xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì, xa xa đã thấy những chú ngựa bạch ung dung gặm cỏ. Chuyện về những con ngựa trắng muốt tưởng chừng chỉ có thể nhìn thấy trên cao nguyên Tây Tạng hiện hữu ngay tại bãi đê sông Hồng giữa lòng Hà Nội là một câu chuyện dài

02/02/2014