Chè VietGAP thân thiện môi trường
Đầu năm 2016, thông qua sự hỗ trợ của Cty Núi Pháo, 26 hộ dân thuộc xóm 5 (xã Tân Linh, huyện Đại Từ) tham gia thực hiện xây dựng mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP (sản xuất nông nghiệp tốt)...
Sự hỗ trợ của Cty Núi Pháo đã giúp thương hiệu trà Đại Từ bay xa hơn
Sử dụng nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình phục hồi kinh tế, Cty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo (Cty Núi Pháo), huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã mang lại cho người dân vùng bị ảnh hưởng bởi dự án một tư duy mới về phương thức sản xuất chè theo hướng an toàn, bền vững, thân thiện môi trường.
Thay đổi tư duy
Đầu năm 2016, thông qua sự hỗ trợ của Cty Núi Pháo, 26 hộ dân thuộc xóm 5 (xã Tân Linh, huyện Đại Từ) tham gia thực hiện xây dựng mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP (sản xuất nông nghiệp tốt). Đơn vị hỗ trợ kinh phí thực hiện mô hình đã phối hợp với cán bộ khuyến nông huyện, xã và cơ quan cấp chứng nhận tiến hành họp dân, thống nhất kế hoạch tổ chức xây dựng mô hình.
Ông Nguyễn Duy Thắm (xóm 5, xã Tân Linh) cho biết, trên thực tế nói về quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt thì người làm chè ít nhiều đều đã được nghe hoặc biết. Tuy nhiên, khi tập huấn cũng như mới bắt tay vào thực hiện mới thấy những bỡ ngỡ và vỡ lẽ nhiều điều.
"Ví dụ, ai cũng biết phun thuốc trừ sâu vô tội vạ như trước kia vừa không hiệu quả lại làm hại cây chè, hại chính bản thân mình và người sử dụng sản phẩm. Ai cũng hiểu cứ mưa xuống mà mang đạm ra vãi xuống gốc chè thì hiệu xuất không đạt cao. Nhưng tại sao không ai muốn thay đổi? Vì tự phát, nên cứ phải diệt sâu ngay tắp lự, chè phải xanh mướt ngay tức thì. Và quan trọng nhất là không ai tổ chức thành hội, thành thuyền thì một mình làm sao thực hiện được? Có chăng chỉ là luống chè già được chăm sóc theo quy trình sạch “tuyệt đối”, tức là không tất cả, không phân bón, không thuốc bảo vệ thực vật để lấy sản phẩm cho gia đình sử dụng hàng ngày", ông Thắm chia sẻ.
Lý giải về thực tế trên, ông Nguyễn Văn Huy (thành viên tổ chè VietGAP xóm 5, xã Tân Linh) chia sẻ, bắt tay thực hiện, thực hành phương thức sản xuất VietGAP mới lại thấy được cái lý, cái hay của nó. Gần như hữu dụng lập tức là người làm chè không phải chạy lên đồi chè mỗi khi trái nắng trở trời. Qua sổ sách ghi chép thì rõ ràng người dân đã hạn chế được số lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật. Mới thấy chính mình trước đây đã liều tới mức “điếc không sợ súng”. Nay có tập thể cùng làm, cùng giám sát trên tinh thần tự nguyện trong một cộng đồng đoàn kết thì việc thay đổi hành vi bây giờ được chúng tôi coi là cấp thiết, tất yếu.
Đến nay, Tân Linh mới chỉ có 5 tổ sản xuất chè VietGAP (trong đó, có 3 tổ do Cty Núi Pháo hỗ trợ). Mong muốn, từ những mô hình trên, nhận thức của người làm chè sẽ làm thay đổi hành vi, phương thức sản xuất để địa phương ngày càng có nhiều mô hình sản xuất an toàn, bền vững.
Bà Nguyễn Thị Phương Mai, cán bộ khuyến nông xã Tân Linh cho biết, với 600ha chè, Tân Linh là địa phương có diện tích và sản lượng chè lớn nhất huyện Đại Từ. Có 95% bà con địa phương làm chè. Đặc trưng của nương chè Tân Linh là hầu hết đều nằm trên các đồi cao. Việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không theo quy định, cách thức nào sẽ khiến việc phát tán rộng và nguy hại ghê ghớm đến đời sống con người
Đổi thay giá trị
Ông Nguyễn Đình Năng, Tổ trưởng Tổ sản xuất chè VietGAP xóm 7, xã Hà Thượng cho biết, kể từ khi được chứng nhận chè đạt tiêu chuẩn VietGAP (tháng 7/2013), năng suất, chất lượng chè được nâng cao. Kết quả là giá chè luôn được thu mua cao hơn hẳn (tăng lên 30% so với chè chưa được cấp chứng nhận tại địa bàn).
Bà Bùi Thị Hiền, Tổ trưởng Tổ sản xuất chè VietGAP xóm Hàm Rồng, thị trấn Hùng Sơn cũng khoe, từ 2015, chè VietGAP của các thành viên trong tổ luôn được thương lái săn đón và mua với giá cao.
Sản phẩm chè VietGAP làm ra được thu mua hết, giá lại cao. Thấy được hiệu quả từ tham gia mô hình, ông Nguyễn Văn Huyền (xóm 5, xã Tân Linh) đã mạnh dạn làm hồ sơ, thủ tục để thành lập HTX chè VietGAP Tân Linh. Theo ông Huyền, đó cũng là cách để gìn giữ, phát huy thương hiệu chè VietGAP của địa phương.
Sự hỗ trợ của Cty Núi Pháo đã giúp thương hiệu trà Đại Từ bay xa hơn
Là đơn vị được chọn để giám sát và tổ chức cấp chứng nhận VietGAP, ông Hà Trọng Tuấn, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giống và vật tư hàng hóa nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên nhận định, vượt lên trên những mô hình dự án, cách tiếp cận với phương thức VietGAP của Cty Núi Pháo và người dân hưởng lợi rất tự nguyện, chuyên nghiệp, trách nhiệm và nhân văn.
Ông Hoàng Văn Thành, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đại Từ cho biết, Đại Từ là vựa chè của Thái Nguyên. Việc doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ để người làm chè tham gia tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP góp phần quan trọng vào việc xây dựng và quảng bá thương hiệu chè cho địa phương. Đó là cách tiếp cận có ý nghĩa thiết thực và được lãnh đạo địa phương đánh giá cao.
Bà Phùng Thị Mùi, cán bộ Phục hồi kinh tế, Phòng Quan hệ Cộng đồng, Cty Núi Pháo cho biết, qua các năm thực hiện, đến nay, Cty Núi Pháo đã hỗ trợ xây dựng thành công 7 tổ sản xuất chè VietGAP với tổng diện tích 56,1ha của hơn 200 hộ dân thụ hưởng chương trình. Những sản phẩm chè VietGAP tiêu biểu từ chương trình phục hồi kinh tế đã được phía Cty ưu tiên đặt hàng cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên sử dụng để khuyến khích bà con tiếp tục duy trì mô hình bền vững.
"Cty cũng đã xem xét việc bao tiêu một sản lượng nhất định để phục vụ nhu cầu sử dụng chè của cả tập đoàn. Về lâu dài, Cty sẽ tiếp tục đồng hành cùng bà con địa phương để có nhiều hơn nữa sản phẩm chè an toàn, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, góp phần đưa thương hiệu chè Đại Từ nói riêng, chè Thái Nguyên nói chung bay xa, bay cao hơn nữa", bà Mùi nói.
Ông Vũ Hồng, Phó Tổng Giám đốc Cty Núi Pháo cho biết, Cty mong muốn khi hoạt động khai thác mỏ kết thúc thì người dân địa phương vẫn có được nguồn thu nhập, đảm bảo đời sống từ việc phát huy thế mạnh của địa phương trên cơ sở gây dựng một nền nông nghiệp sạch, bền vững và hiệu quả. Đây cũng chính là ưu tiên hàng đầu trong hoạt động hỗ trợ cộng đồng lâu dài của Cty.
Có thể bạn quan tâm
Từ tháng 12 đến hết tháng 1 hàng năm là thời gian đốn và chăm sóc chè qua đông. Đây là 2 trong các khâu cơ bản và quan trọng nhất của qui trình thâm canh cây chè được thực hiện trong vụ đông, sau khi kết thúc một năm thu hoạch nhằm tái tạo cho vườn chè để chuẩn bị cho một năm thu hoạch đạt năng suất cao, phẩm cấp chè tốt nhất.
Để chè xanh Bát Tiên có màu sắc đẹp và mùi vị thơm ngon thì khâu chế biến chè là khâu quan trọng nhất. Chúng tôi sẽ hướng dẫn cho bà con một số kỹ thuật chế biến chè Bát Tiên đơn giản và tiện dụng giúp nâng cao chất lượng của sản phẩm chè. Để chế biến chè bà con cần 2 dụng cụ cơ bản đó là máy vò chè và máy sao sấy.
Thời gian gần đây, để giải phóng sức lao động, giảm chi phí, người trồng chè đã đầu tư mua máy hái chè. Tuy nhiên, để sử dụng máy hiệu quả, bà con nên thực hiện đồng bộ các giải pháp từ gieo trồng, chăm sóc....