Đốn, Chăm Sóc Chè Qua Đông
Từ tháng 12 đến hết tháng 1 hàng năm là thời gian đốn và chăm sóc chè qua đông. Đây là 2 trong các khâu cơ bản và quan trọng nhất của qui trình thâm canh cây chè được thực hiện trong vụ đông, sau khi kết thúc một năm thu hoạch nhằm tái tạo cho vườn chè để chuẩn bị cho một năm thu hoạch đạt năng suất cao, phẩm cấp chè tốt nhất.
Tùy theo tuổi cây và thời kỳ khai thác người ta chia ra làm 2 giai đoạn: chè kiến thiết cơ bản và chè kinh doanh để có các phương pháp và kỹ thuật đốn cho phù hợp.
Đốn chè kiến thiết cơ bản: Trong giai đoạn 2-3 năm sau trồng là thời kỳ chăm sóc kiến thiết cơ bản cần tiến hành mọi biện pháp chăm sóc tốt để cây chè con mọc khỏe, sinh trưởng nhanh, đồng đều, tạo nên một bộ khung tán rộng là cơ sở cho năng suất chè búp cao, sản lượng nhiều và nhanh chóng chuyển sang giai đoạn chè kinh doanh. Thông thường đối với chè kiến thiết cơ bản có 2 lần đốn tạo hình.
Lần 1 đốn khi có 70% số cây trên vườn đạt chiều cao trên 70%, đường kính gốc đạt trên 1,2cm (sau 1 năm trồng), đốn cách mặt đất 25cm, trên chỗ phân cành, nhánh cấp 1. Các cành, nhánh để phát triển tự do, khi thân chính nẩy mầm, dựng thước chữ T tạo hình 3 lần ở độ cao 50-55cm. Thời gian đốn tốt nhất là tháng 5-6 hoặc tháng 9-10. Đốn lần 2 (sau lần một 1 năm), đốn cách mặt đất 30-35cm (cách vết đốn trước từ 5-10cm), cành bên đốn cao 40-45cm (cách vết đốn lần 1 từ 5-10cm), tạo bộ khung tán đưa vào kinh doanh. Thời gian đốn tốt nhất là tháng 9-10.
Đốn chè kinh doanh: Trong chu kỳ kinh doanh của cây chè thường người ta áp dụng 4 hình thức đốn, gồm: đốn phớt, đốn lửng, đốn đau và đốn tái sinh (trẻ hóa). Đốn phớt là hình thức đốn hàng năm, 2 năm đầu đốn cao hơn vết đốn cũ 5cm, năm thứ 3 trở đi mỗi năm đốn cao hơn vết đốn cũ 3cm. Khi vết đốn đã cao hơn 60cm thì mỗi năm nên đốn cao hơn vết cũ 1cm.
Với những vườn chè cằn cỗi, sinh trưởng kém cần căn cứ vào tình hình cụ thể của từng vườn có thể áp dụng 1 trong 2 biện pháp sau: những vườn chè chưa giao tán, tán lá thưa, số lá chừa ít thì áp dụng kỹ thuật đốn phớt xanh (chỉ đốn đi phần chè có màu xanh, còn giữ lại trên tán phần chè có màu nâu); những vườn chè có tán lá nhỏ hoặc chè già có tầng tán thưa, mỏng, nhiều cành tăm hương, lá màu vàng nhạt thì nên áp dụng kỹ thuật đốn sửa bằng (chỉ đốn tỉa phần đỉnh cao giữa tán, giữ lại phần lớn cành, lá trên tán nhằm tạo cho tán chè tiếp tục phát triển rộng ra).
Đốn lửng: những vườn chè đã qua đốn phớt nhiều năm, cây đã quá cao quá tầm hái, nhiều cành tăm hương, lá nhỏ, búp nhỏ, năng suất giảm dần thì nên tiến hành đốn lửng, vết đốn cách mặt đất 60-65cm. Với những vườn chè sinh trưởng tốt, năng suất khá nhưng cao quá tầm hái thì đốn cách mặt đất 70-75cm. Đốn đau: những vườn chè đã qua đốn lửng 2-3 lần, cây chè có biểu hiện suy yếu, năng suất giảm rõ rệt thì tiến hành đốn đau, vết đốn cách mặt đất 40-45cm.
Đốn trẻ lại (hay còn gọi là đốn tái sinh hay đốn thay tán): những vườn chè già cỗi, đã qua đốn đau nhiều lần, thân cành bị sâu bệnh gây hại nhiều, năng suất giảm nghiêm trọng nên tiến hành đốn trẻ lại, vết đốn cách mặt đát 10-15cm. Thời vụ đốn chè tốt nhất là vào giai đoạn cây chè đã ngừng sinh trưởng, nhiệt độ và độ ẩm thấp nhất trong năm (từ tháng 12 đến tháng 1 năm sau). Tuy nhiên, thời gian đốn sớm hay muộn còn căn cứ vào điều kiện khí hậu, thời tiết của từng năm, hình thức đốn, mục đích kinh doanh và tập quán canh tác của địa phương mà có thể xê dịch từ 5-10 ngày.
Theo Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc, nên áp dụng qui trình đốn 3 năm đối với chè đã sản xuất kinh doanh nhiều năm. Năm thứ nhất đốn lửng cách mặt đất 55cm, năm thứ 2 đốn cao 60cm, năm thứ 3 đốn cao 65cm so với mặt đất; sau 3 năm lại trở lại đốn lửng sát vết đốn của chu kỳ đầu.
Chăm sóc chè qua đông: Thu dọn hết cành, nhánh chè sau khi đốn xong đưa ra ngoài bờ lô để ép xanh kết hợp cùng với các loại cây phân xanh và vôi nhằm tạo thêm nguồn phân hữu cơ để bón cho chè sau này. Xới xáo, làm cỏ, nơi nào có điều kiện có thể dùng trâu, bò cày giữa hàng rồi bón phân hữu cơ và phân lân, đồng thời phun 1 lượt thuốc (tốt nhất là thuốc trừ sâu sinh học) nhằm tiêu diệt và hạn chế sâu bệnh gây hại. Dùng xác thực vật (rơm, rạ, cỏ khô, thân cây ngô…) để phủ kín giữa các hàng chè sau vừa để giữ ẩm cho đất, chống hạn cho cây, giữ ấm chống lạnh cho cây chè qua đông, đồng thời hạn chế cỏ dại, tăng cường dinh dưỡng để cây chè đâm chồi, nẩy lộc khi bắt đầu có mưa xuân.
Có thể bạn quan tâm
Để chè xanh Bát Tiên có màu sắc đẹp và mùi vị thơm ngon thì khâu chế biến chè là khâu quan trọng nhất. Chúng tôi sẽ hướng dẫn cho bà con một số kỹ thuật chế biến chè Bát Tiên đơn giản và tiện dụng giúp nâng cao chất lượng của sản phẩm chè. Để chế biến chè bà con cần 2 dụng cụ cơ bản đó là máy vò chè và máy sao sấy.
Các nhà khoa học đã xác định, trung bình năng suất 2 tấn chè búp khô/1 ha, cây chè lấy đi khoảng 80 kg N, 40 kg P2O5, 30 kg K2O, 8 kg MgO, 16 kg CaO và các chất vi lượng như kẽm (Zn), Bo (B), Mô líp đen (Mo)...
Hiện nay chè Shan núi cao năng suất thường thấp do: tập quán canh tác cũ, kỹ thuật lạc hậu; chè chưa được đốn, hái và chăm sóc đúng kỹ thuật; đất không được cải tạo theo một quy trình hợp lý, không bón hoặc bón quá ít phân hữu cơ; thiếu hệ thống cây cải tạo đất và cây che bóng...
Hiện nay phần lớn diện tích trồng chè các tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ, cây chè đang ở thời kỳ ngủ nghỉ sau khi đốn (thời gian này thường kéo dài từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau).
Trong những năm gần đây nghề trồng cây hoa nhài cung cấp hương liệu cho các nhà máy chế biến chè xuất khẩu là thế mạnh của Đông Xuân và một số xã khác thuộc 2 huyện Đông Anh và Sóc Sơn (Hà Nội). Hầu hết các hộ trồng nhài đều cho thu nhập khá, 15-20 triệu/năm.