Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chè VietGap Hướng Phát Triển Bền Vững

Chè VietGap Hướng Phát Triển Bền Vững
Ngày đăng: 07/01/2014

Chè VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) là sản phẩm chè an toàn, có quy trình sản xuất nghiêm ngặt từ khâu chăm sóc, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, phát triển các mô hình chè VietGAP đang được các nhà quản lý, người tiêu dùng và người trồng chè đặc biệt quan tâm.

Là xã nằm trong vùng trọng điểm sản xuất chè của huyện Trấn Yên, Bảo Hưng (Yên Bái) có tổng diện tích chè gần 300ha, trong đó hơn 200ha đang thời kỳ kinh doanh. Xác định cây chè là cây công nghiệp mũi nhọn, Đảng bộ và chính quyền xã luôn tích cực vận động nhân dân trồng thay thế diện tích chè trung du già cỗi, chất lượng thấp bằng các giống chè chất lượng cao như Phúc Vân Tiên, Bát Tiên… nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Năm 2010, Dự án Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học tỉnh Yên Bái (QSEAP) bắt đầu triển khai xây dựng Quy hoạch phát triển vùng sản xuất chè an toàn trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010 - 2015, định hướng đến năm 2020. Các vùng sản xuất chè tập trung trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã được lấy mẫu đất, nước... để phân tích các chỉ tiêu về kim loại nặng, các chất gây ô nhiễm trong ngưỡng đảm bảo phù hợp với trồng chè.

Bảo Hưng là 1 trong 4 điểm của tỉnh được Dự án QSEAP lựa chọn để xây dựng mô hình sản xuất chè an toàn.

Tham gia mô hình, các hộ dân được hỗ trợ cây giống bằng các giống chè mới, chất lượng cao để thay thế dần diện tích chè già cỗi, năng suất thấp; được tham gia các lớp tập huấn hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến, bảo quản chè theo tiêu chuẩn VietGAP...

Đồng thời, các hộ phải tuân thủ, đáp ứng các yêu cầu đề ra như: thường xuyên cập nhật sổ sách, ghi chép theo dõi tình hình sản xuất việc tuân thủ các tiêu chuẩn về xã hội và môi trường... Hiện nay, mô hình sản xuất chè an toàn theo VietGAP của xã Bảo Hưng đã hình thành 6 nhóm hộ với sự tham gia của 165 hộ dân có tổng diện tích 78,3ha.

Đảm bảo tính khách quan và duy trì hoạt động thường xuyên của nhóm hộ, thành viên các nhóm đã tổ chức thống nhất bàn bạc, soạn thảo các quy chế giám sát cộng đồng, phát huy tính tự chủ của mỗi hộ dân trong quá trình sản xuất.

Sau gần 3 năm thực hiện, Dự án QSEAP đã góp phần thay đổi rõ rệt nhận thức của mỗi hộ dân, mang lại những hiệu quả tích cực, sản lượng và chất lượng chè cũng như thu nhập của người dân đã được nâng lên đáng kể so với trước đây.

Anh Hà Văn Đông, thôn Trực Thanh, xã Bảo Hưng - một trong những hộ tham gia mô hình chia sẻ: “Từ khi được tham gia mô hình sản xuất chè an toàn do Dự án Qseap triển khai, gia đình tôi đã dần thay thế diện tích chè trung du bằng các giống chè cành mới như: Bát Tiên, LDP1…

Cùng với áp dụng những kiến thức đã được học, tôi thấy năng suất chè tăng cao mà lại tiết kiệm được chi phí về phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Trước đây, năng suất chè khô chỉ đạt từ 5 - 7kg/sào thì giờ đạt tới 10 - 12kg/sào”.

Sau một thời gian sản xuất theo tiêu chuẩn mới, người dân đã thấy rõ lợi ích khi tham gia mô hình như: giá chè tăng, môi trường trong sạch, an toàn hơn nên yên tâm sản xuất và đã vận động được các hộ trong thôn làm theo.

Ông Phạm Ngọc úy, thôn Trực Thanh, xã Bảo Hưng là một trong những hộ trồng chè lâu năm với hơn 8.000m2 chè. Trước đây, khi áp dụng hình thức canh tác và sản xuất chè theo phương thức cổ truyền, năng suất chè đạt không cao, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học chưa hợp lý nên không những ảnh hưởng đến chất lượng chè thành phẩm mà còn ảnh hưởng đến môi trường.

Sau khi tham gia các lớp tập huấn của Dự án, ông đã biết tận dụng các phế phụ phẩm nông nghiệp như rơm, rạ… để ủ thành phân vi sinh bón cho cây trồng, sử dụng phân hóa học một cách hợp lý và khoa học. Đặc biệt, gia đình ông đã áp dụng kỹ thuật vào sản xuất chè qua đông nên hiệu quả kinh tế rất cao.

Với hơn 8.000m2 diện tích, mỗi năm gia đình ông thu được từ 1 - 1,2 tấn chè khô, giá bán trung bình 150.000 đồng/kg, sau khi trừ đi mọi chi phí cho thu lãi hơn 100 triệu đồng. Việc áp dụng các kiến thức trong sản xuất chè an toàn theo VietGAP đã dần dần giúp người dân thay đổi những hình thức canh tác lạc hậu, biết áp dụng những tiến bộ trong sản xuất vào thực tế, biết ngăn ngừa và hạn chế rủi ro từ các mối nguy cơ ô nhiễm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm chè, môi trường, sức khỏe của các hộ trong sản xuất.

Ông Lại Thế Hùng - Giám đốc Dự án QSEAP cho biết: “Dự án QSEAP được triển khai từ năm 2010, đến nay, chúng tôi đã thực hiện chuyển đổi được gần 2.000ha diện tích chè trung du già cỗi năng suất thấp sang các giống chè mới chất lượng cao. Xã Bảo Hưng là một trong bốn điểm triển khai xây dựng mô hình sản xuất chè an toàn theo VietGAP của Dự án.

Hiện nay, chúng tôi đã hoàn tất các thủ tục để cấp giấy chứng nhận sản xuất chè an toàn cho một số hộ dân tiêu biểu, làm tốt việc áp dụng các kỹ thuật sản xuất chè an toàn của thôn Trực Thanh, xã Bảo Hưng và tiến tới xây dựng thương hiệu chè an toàn.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiến hành đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường sá đi lại giữa khu sản xuất chè an toàn với các chợ đầu mối. Dự kiến năm 2014, chúng tôi sẽ đầu tư xây dựng một nhà xưởng sản xuất chè đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với công suất 3 tấn chè tươi/ngày tại xã Bảo Hưng”.

Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn cho người sản xuất, người tiêu dùng và môi trường sống, việc nhân rộng các mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP là hướng đi đúng và đã, đang, sẽ đem lại những lợi ích thiết thực về nhiều mặt. Đây cũng là một hướng đi đúng đắn, đảm bảo cho cây chè Yên Bái phát triển bền vững.


Có thể bạn quan tâm

Luân Canh Lúa - Tôm Càng Xanh Luân Canh Lúa - Tôm Càng Xanh

Thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi mang tính bền vững, ông Lê Thành Công, xã viên HTX Tôm càng xanh Phú Long, xã Phú Thành B (Tam Nông, Đồng Tháp) đã mạnh dạn chuyển từ sản xuất 2 vụ lúa/năm sang luân canh một vụ lúa - một vụ tôm càng xanh cho thu nhập cao.

07/01/2012
Cá Giống Hút Hàng Cá Giống Hút Hàng

Hằng năm, khoảng tháng 5 và tháng 6 (âm lịch), nhiều người dân tại các vùng lũ ở ĐBSCL mua cá giống để thả trên chân ruộng lúa nên sức mua nhiều loại cá giống tăng, nhất là các loại cá trắng

27/07/2011
Chồn Nhung Đen Chồn Nhung Đen

Chồn nhung đen là động vật thuộc họ gặm nhấm có xuất xứ từ Nam Mỹ. Đây là giống vật nuôi rất phù hợp với người nghèo bởi chúng chỉ ăn cỏ và các loại rau, củ, quả bình thường, nhưng lại cho thịt nhiều hàm lượng dinh dưỡng và được bán với giá khá cao

17/07/2011
Mô Hình Nuôi Cá Chình Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Cá Chình Hiệu Quả

Hiện nay, nông dân huyện Cái Nước đang phát huy nhân rộng mô hình đa cây đa con, thu được hiệu quả khá cao, góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở nông thôn

18/02/2011
Phát Triển Cây Mắc Ca Phát Triển Cây Mắc Ca

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, cây mắc ca là loài cây giàu dinh dưỡng, có giá trị kinh tế cao; sau 8 năm trồng khảo nghiệm tại các vùng trong nước cho thấy cây có nhiều triển vọng và thích hợp với các tỉnh miền núi của Việt Nam, đặc biệt là tại vùng cao Tây Nguyên và các vùng thấp và cao ở Tây Bắc

27/07/2011
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.