Chủ Động Sản Xuất Vụ Đông Xuân
Dù còn hơn 1 tháng nữa mới bước vào vụ gieo cấy đông xuân 2014 – 2015 nhưng hiện nay ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh Quảng Trị đang tích cực chuẩn bị các khâu phục vụ sản xuất vụ đông xuân.
Năm nay trên địa bàn tỉnh mùa mưa đến muộn và có khả năng kết thúc sớm hơn mọi năm. Tổng lượng mưa đến thời điểm này vùng đồng bằng chỉ đạt 56,2% so với trung bình nhiều năm; vùng miền núi đạt 63,4% so với trung bình nhiều năm.
Ước tổng lượng mưa toàn vụ đông xuân 2014 – 2015 trên địa bàn tỉnh có khả năng chỉ đạt từ 65 – 75% so với những năm trước. Mưa ít khiến dung tích nhiều hồ chứa lớn trong tỉnh đạt thấp nên nguy cơ hạn hán xảy ra ngay trong vụ đông xuân tới rất lớn.
Trước tình hình này, các địa phương trong tỉnh đang tiến hành cân đối nguồn nước ở các hồ chứa, rà soát, phân vùng có khả năng tưới được và vùng khó tưới để có biện pháp tưới hỗ trợ và khuyến cáo bà con nông dân chuyển đổi cây trồng hợp lý.
Ông Nguyễn Duy Thông, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý và khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị cho biết: “Để hạn chế ảnh hưởng thời tiết bất lợi đến sản xuất vụ đông xuân 2014- 2015, công ty đang tổ chức ra quân làm thủy lợi, khơi thông dòng chảy, tu sửa nạo vét kênh mương, tăng cường kiểm tra an toàn tuyệt đối các hồ chứa, sửa chữa các cửa cống, cửa tràn đảm bảo kín nước để tiết kiệm nước phục vụ sản xuất.
Ngoài ra chúng tôi cũng phối hợp các địa phương cân đối nguồn nước các hệ thống để cùng thống nhất lịch tưới và phương án tưới luân phiên, đồng thời làm việc với Công ty Thủy điện Quảng Trị để có kế hoạch xả nước phục vụ các tháng hạn...”.
Vụ đông xuân năm nay, toàn tỉnh gieo cấy khoảng 25.000 ha lúa, theo kế hoạch tưới, tiêu hợp lý đảm bảo tưới tiết kiệm nước, xây dựng các phương án chống hạn, chống lũ tiểu mãn, lũ sớm đầu vụ đông xuân của ngành nông nghiệp tỉnh, diện tích tưới chủ động trong vụ này khoảng 20.500 ha (trong đó: doanh nghiệp thủy nông 14.600 ha, các công trình thủy lợi nhỏ 5.900 ha); diện tích được tiêu 7.500 ha và diện tích ngăn mặn giữ ngọt 13.500 ha.
Tại huyện Gio Linh, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện cho biết, đến nay phần lớn nông dân đã đăng ký mua giống tại các đơn vị cung ứng. Kế hoạch gieo cấy vụ đông xuân toàn huyện dự kiến khoảng 4.100 ha với khoảng 350 tấn giống.
Cơ cấu giống chủ yếu là xác nhận (cấp 1) đạt 98%, gồm các giống HT1, HC95, Khang Dân và tiếp tục khảo nghiệm một số giống lúa mới.
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, ngành nông nghiệp Gio Linh chú trọng đưa các giống ngắn ngày, cực ngắn ngày chất lượng cao vào gieo cấy nhằm thu hoạch sớm, hạn chế tối đa sâu bệnh và chuột gây hại. Với các hộ nông dân đã nhận giống thì cán bộ khuyến nông và HTX hướng dẫn các biện pháp bảo quản, tránh ẩm mốc, hư hỏng...
Công tác chuẩn bị giống đã được các địa phương trong tỉnh tích cực triển khai ngay từ cuối tháng 11/2014. Bên cạnh nguồn giống đảm bảo phẩm cấp, chất lượng do Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh sản xuất và cung ứng, năm nay Quảng Trị rất được mùa nên các vùng lúa giống nhân dân đã phát triển tốt, mang lại một lượng lúa giống lớn đáp ứng nhu cầu giống lúa tại chỗ cho nhân dân.
Theo chỉ đạo của ngành nông nghiệp tỉnh, cơ cấu giống lúa vụ đông xuân tới chủ yếu là các giống lúa ngắn và cực ngắn ngày, thời gian sinh trưởng khi gieo thẳng trên dưới 115 ngày nhằm hạn chế tác hại của rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến cây lúa đầu vụ; hạn chế các lứa sâu bệnh phát sinh gây hại, giảm số lần tưới trong vụ đông xuân nhằm tiết kiệm nước, đảm bảo cho sản xuất 2 vụ lúa trong năm 2015.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khuyến cáo các địa phương, HTX và bà con nông dân cần đăng ký mua thêm giống dự trữ để chủ động gieo cấy lại khi gặp thiệt hại do rét, ngập úng có thể xảy ra. Cùng với lúa, ngành nông nghiệp khuyến khích các địa phương mở rộng diện tích ngô, rau, đậu lạc, hoa màu... nhằm tăng thu nhập và phục vụ Tết Nguyên đán.
Kinh nghiệm sau một năm thời tiết diễn biến khá bất thường nhưng lúa thì vẫn được mùa nhất từ trước đến nay khiến nông dân trên địa bàn tỉnh tự tin, phấn khởi trước một vụ sản xuất mới.
Không khí mùa vụ năm nay dường như đến sớm hơn mọi năm. Trên những cánh đồng, nông dân đã bắt đầu xuống ruộng cày bừa, đào hang bẫy chuột, nạo vét kênh mương… chuẩn bị sản xuất vụ đông xuân.
Theo kinh nghiệm của người dân, việc cày ải (cày lật đất) càng sớm thì càng có tác dụng trong việc phòng trừ các loại sâu bệnh gây hại. Chậm triển khai và kéo dài thời gian cày ải thì các đối tượng sinh vật phát sinh mới, gia tăng mật độ và gây hại cho vụ sau.
Việc cày ải không chỉ có tác dụng diệt cỏ dại và các mầm mống gây bệnh mà còn là biện pháp hữu hiệu để phân tán các khí độc gây hại lúa do các gốc rạ, tàn dư thực vật trên đồng ruộng phân hủy chưa triệt để; làm cho đất tơi xốp, thông thoáng nên sau khi gieo cấy rễ cây lúa sẽ hấp thụ tốt hơn các chất dinh dưỡng có trong đất; khắc phục được bệnh nghẹt rễ lúa.
Trước mắt, ngành nông nghiệp yêu cầu các địa phương tập trung cày ải toàn bộ những vùng không bị ngập nước để vùi lúa chét, cỏ dại, các đối tượng dịch hại dưới lớp đất sâu nhằm hạn chế sâu bệnh tồn tại, phát triển. Trước khi xuống vụ khoảng 20 ngày, các HTX vận động, hướng dẫn bà con nông dân đưa nước vào đồng ruộng và tiến hành cày trở, cày ướp đất, tạo độ nhuyễn, phá váng, thoát khí độc, hạn chế ngộ độc hữu cơ cho cây lúa sau gieo cấy.
Các vùng thấp trũng chưa thực hiện được cày ải cần đắp bờ giữ nước trong đồng ruộng tiêu hủy lúa chét, cỏ dại và sâu bệnh. Cũng do không có lũ nên dự báo chuột có thể phát triển nhanh và gây hại diện rộng. Các địa phương, HTX cần tổ chức ra quân đồng loạt diệt chuột với các biện pháp thủ công như: bẫy, đào bắt, sử dụng thuốc sinh học đồng thời nếu thời gian tới có lũ xuất hiện, chuột sẽ co cụm cần tranh thủ phát động tiêu diệt chuột...
Mặc dù diễn biến thời tiết ngày càng bất lợi cho sản xuất nông nghiệp nhưng với sự chỉ đạo sát sao của cấp ngành liên quan và đặc biệt là ý thức chủ động mùa vụ, ứng phó với biến đổi khí hậu của nông dân trên địa bàn tỉnh như hiện nay, vụ đông xuân tới hy vọng Quảng Trị sẽ có một vụ mùa bội thu.
Nguồn bài viết: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?TabID=87&modid=390&ItemID=89244
Có thể bạn quan tâm
Khác với những năm trước, đầu vụ cà phê 2014 - 2015 giá cà phê nội địa và quốc tế có xu hướng tăng. Thế nhưng Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết, Vicofa vẫn sẽ kiến nghị Chính phủ tạm trữ 200.000 tấn cà phê trong niên vụ này để hỗ trợ giá cho nông dân.
Việc phòng trừ sâu đục thân mía nói chung, loài sâu đục thân mía 4 vạch đầu nâu mới nói riêng là hết sức khó khăn. Lý do là cây mía có sinh khối lớn, cây cao, to, thời gian sinh trưởng kéo dài, lại thường được thâm canh, trồng dày, lưu gốc nhiều năm.
Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Ninh đã triển khai thực hiện mô hình thâm canh cải tạo vườn cây ăn quả theo hướng GAP (công nghệ sản xuất tiên tiến, năng suất cao, chất lượng tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm) tại 2 phường Minh Thành và Đông Mai (TX Quảng Yên) với 55 hộ tham gia, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Dù mới được thành lập và đi vào hoạt động được gần 2 năm nhưng mô hình Câu lạc bộ (CLB) giống cây trồng tại xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc hỗ trợ giống, kinh nghiệm sản xuất cho nông dân trong xã. CLB cũng góp phần phát triển kinh tế và nâng cao đời sống hội viên nông dân trên địa bàn.
Liên tiếp những vụ mùa cà chua gần đây người dân tại các huyện Đơn Dương, Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) lâm vào cảnh khó khăn khi giá cà chua xuống thấp, giá cả bấp bênh khiến nhiều nhà vườn phải mang cà chua đi đổ bỏ.