Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chế thuốc diệt sâu khoang bằng đường, rượu, giấm

Chế thuốc diệt sâu khoang bằng đường, rượu, giấm
Publish date: Saturday. August 1st, 2015

Sau khi triển khai thành công tại 10 điểm năm 2014, năm 2015 Chi cục BVTV Hà Nội tiếp tục triển khai sử dụng bẫy bả chua ngọt để phòng trừ sâu khoang tại 15 điểm nhằm khuyến khích, động viên nông dân áp dụng biện pháp sinh học an toàn trong canh tác rau.

Sâu khoang là loài sâu đa thực có thể phá hại đến 290 loại cây trồng thuộc 99 họ thực vật bao gồm các loại rau đậu, cây thực phẩm, cây công nghiệp, cây lương thực, cây phân xanh...

Sâu cắn phá mạnh vào lúc sáng sớm, chiều mát và phá hại suốt đêm, ban ngày khi có ánh nắng sâu chui xuống dưới tán lá và dưới đất để ẩn nấp.

Sâu khoang gây hại nặng nhất rau ngót, rau muống, rau họ hoa thập tự (cải bắp, su hào, súp lơ, cải các loại), đậu rau (đậu đũa, đậu trạch, cô ve), song việc sử dụng thuốc BVTV luôn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ.

Ngài (trưởng thành) hoạt động mạnh vào ban đêm, có xu tính với mùi chua ngọt, lợi dụng đặc tính này để diệt trưởng thành bằng bẫy bả chua ngọt. Việc sử dụng bẫy có ưu điểm chỉ pha thuốc vào bả để dẫn dụ trưởng thành bay đến ăn rồi ngộ độc thuốc mà chết, không phải phun xịt thuốc trực tiếp trên ruộng rau.

Vì vậy, cây rau sẽ không bị ảnh hưởng, nhiễm thuốc BVTV. Cách làm này rất phù hợp với chủ trương SX rau an toàn.

Anh Nguyễn Minh Công, Phó trưởng phòng Quản lý chất lượng nông sản (Chi cục BVTV Hà Nội) cho biết, cách thức làm bả chua ngọt khá đơn giản, trước khi tiến hành đặt bả từ 3 - 4 ngày thì tiến hành làm bả theo tỷ lệ các thành phần như sau: Trộn 4 phần mật (đường), 4 phần dấm, 1 phần rượu và 1 phần nước, khuấy kỹ để dung dịch này tan đều.

Cho vào can nhựa, xô nhựa… đậy kín, chờ 3 - 4 ngày sau, khi thấy dung dịch bốc mùi chua ngọt thì trộn thêm thuốc trừ sâu, với liều lượng cứ 1 lít bả dung dịch chua ngọt cho 1 gói thuốc trừ sâu Regent 800WG (gói 1 gram), khuấy đều hỗn hợp là đem ra sử dụng được. Lượng sử dụng cho mỗi hộp bẫy từ 0,1 - 0,15 lít bả chua ngọt.

“Cách thức đặt bẫy là treo bẫy vào thanh ngang, sao cho bẫy ngang với tầm cao nhất của cây (chú ý không để hộp bẫy bị nghiêng). Số lượng bẫy được treo từ 3 - 5 bẫy/sào Bắc bộ; bẫy được đặt ở các vị trí để mùi chua ngọt được lan tỏa rộng nhằm thu hút trưởng thành sâu khoang. Nên tiến hành đặt bẫy khi điều tra phát hiện thấy trưởng thành sâu khoang bắt đầu phát sinh hoặc thấy đẻ trứng và duy trì liên tục trên đồng”, anh Công nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Danh Tâm, Phó Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Tiền Lệ, xã Tiền Yên (Hoài Đức) chia sẻ, vào các tháng 2, 3 khi thời tiết ẩm ướt, sâu khoang, sâu ăn lá hại rau rất nhiều. Phun thuốc trừ sâu gần ngày thu hoạch không đảm bảo quy trình SX rau an toàn, sử dụng các biện pháp thủ công, bẫy bả sinh học khác thì không có hiệu quả.

"Hiện chúng tôi sử dụng bẫy bả chua ngọt dưới sự hướng dẫn của Chi cục BVTV cho hiệu quả bất ngờ. Ngày mới bắt đầu bẫy bả, số lượng bướm sâu khoang vào nhiều vô kể khiến bà con rất yên tâm, sâu hết sạch mà vẫn đảm bảo được rau sạch", ông Tâm khẳng định.

Là hộ áp dụng bẫy bả chua ngọt, anh Cao Đắc Dậu ở thôn Tiền Lệ tâm sự: “Chỉ với 4 kg đường + 4 lít giấm + 1 lít rượu + 1 lít nước ủ trong 4 ngày lại cho hiệu quả tuyệt vời. Cứ cho hỗn hợp này vào cái lọ treo trên luống rau là ngày nào cũng nhìn bướm sâu khoang chui vào chết mà thấy phấn khởi. Sử dụng bẫy bả chua ngọt vừa an toàn cho rau, vừa đỡ vất vả cho bà con. Vì thế chúng tôi sẽ nhân rộng cách làm này để không phải lo lắng sâu bệnh hại rau nữa”.

Theo kinh nghiệm của Trạm trưởng Trạm BVTV huyện Hoài Đức, Đặng Thị Thu Thủy, một điểm cần lưu ý khi sử dụng bẫy bả chua ngọt là phải thường xuyên tiến hành kiểm tra bẫy trên ruộng, tốt nhất là kiểm tra định kỳ 2 ngày/lần, nếu có nhiều trưởng thành sâu khoang trong hộp bẫy phải vớt ra ngoài để tiếp tục thu hút.

Bả chua ngọt phải được duy trì liên tục trong hộp bẫy, thời gian thay bả là 7 ngày/lần. Cách thức chuẩn bị bả chua ngọt như đã hướng dẫn ở trên. Tiến hành làm vệ sinh bẫy khi bị bẩn do đất hoặc do xác chết của trưởng thành sâu khoang gây ra.


Related news

Nuôi Cá Lồng Bè Hiệu Quả Ở Kiên Hải Nuôi Cá Lồng Bè Hiệu Quả Ở Kiên Hải

Kiên Hải là một trong hai huyện đảo của tỉnh Kiên Giang, toàn huyện có 23 hòn đảo lớn nhỏ trải dài trên một vùng biển tương đối rộng.

Thursday. February 27th, 2014
Bảo Vệ Nguồn Lợi Thuỷ Sản Cần Có Sự Đầu Tư Tổng Thể Bảo Vệ Nguồn Lợi Thuỷ Sản Cần Có Sự Đầu Tư Tổng Thể

Cách đây 2 năm, một nghiên cứu chính thức của Viện Tài nguyên và Môi trường biển về mức độ xâm hại của các rạn san hô ở Cô Tô cho thấy độ che phủ của các rạn san hô khu vực này đang thấp dần đến mức báo động, chỉ còn 10%-15%, nhiều vị trí còn dưới 5%.

Thursday. February 27th, 2014
Sản Xuất Cá Tra Tiếp Tục Gặp Khó Sản Xuất Cá Tra Tiếp Tục Gặp Khó

Bộ NN-PTNT cho biết, sản xuất cá tra 2 tháng đầu năm vẫn đang gặp phải hàng loạt các khó khăn như cung cầu không ổn định, chất lượng con giống giảm, giá nguyên liệu thấp hơn giá thành, giá thức ăn, thuốc... luôn tăng trong khi đầu ra lại bất ổn nên nhiều người nuôi treo ao, hạn chế thả nuôi.

Thursday. February 27th, 2014
Triệu Phú Tôm Càng Xanh Triệu Phú Tôm Càng Xanh

Những năm gần đây, nhờ phát triển ngành nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm càng xanh, nên nhiều nông dân ở huyện Tam Nông (Đồng Tháp) đã thoát được cảnh nghèo khó, vươn lên làm giàu.

Thursday. February 27th, 2014
Xuất Khẩu Thủy Sản 2 Tháng Đầu Năm Lần Đầu Tiên Vượt 1 Tỷ USD Xuất Khẩu Thủy Sản 2 Tháng Đầu Năm Lần Đầu Tiên Vượt 1 Tỷ USD

Cũng theo số liệu, giá trị NK thủy sản có mức tăng đột biến. Trong tháng 2, giá trị NK thủy sản ước đạt 85 triệu USD. Tính chung 2 tháng NK lên tới 185 triệu USD tăng tới hơn 115,5% so với năm 2013.

Thursday. February 27th, 2014