Chất Cấm Vào Trang Trại Chăn Nuôi

Việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi không dừng lại ở các hộ nhỏ lẻ mà đã phát hiện xảy ra ở một số trang trại.
Chất cấm vào trang trại chăn nuôi
Chất cấm gây ung thư
Theo Cục Chăn nuôi, chất cấm trong chăn nuôi chủ yếu là salbutamol, clenbuterol và ractopamine thuộc nhóm beta-agonist. Salbutamol có tác dụng thúc cho heo lớn nhanh hơn, mông, vai nở hơn, tỷ lệ nạc cao hơn, màu sắc thịt đỏ hơn...
Khi người ăn phải thịt gia súc nuôi bằng những hóa chất trên sẽ bị ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, gây nhức đầu, tay chân run, buồn nôn, nhịp tim nhanh, làm tăng hoặc hạ huyết áp, gây rối loạn tiêu hóa, gây biến chứng, ung thư...
Thông tin trên được ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai, công bố tại hội nghị triển khai kế hoạch kiểm tra trọng điểm chất lượng thức ăn chăn nuôi (TĂCN) năm 2014. Hội nghị do Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) tổ chức ngày 22.8, tại TP.HCM.
Từ đầu năm đến nay, Chi cục Thú y Đồng Nai đã tổ chức 2 đợt thanh tra, phát hiện 6 trang trại sử dụng chất cấm với hàm lượng lên tới 18.000 ppm.
Ông Quang không công bố cụ thể chất cấm nào, nhưng cho biết phải sau 20 ngày vật nuôi mới đào thải hết những chất này trong cơ thể. Chi cục đã xử phạt theo quy định 15 triệu đồng/trang trại. “Từ đầu năm đến nay giá thịt heo hơi liên tục tăng và hiện đạt trên 50.000 đồng/kg. Giá heo cao nên nguy cơ sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là rất cao.
Diễn biến đang phức tạp, không còn bó hẹp trong các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ mà nó đã vào tận các trang trại tập trung, quy mô công nghiệp”, ông Quang nhận xét.
Theo GS Chu Phạm Ngọc Sơn, Trung tâm sắc ký Hải Đăng, một nghiên cứu thực nghiệm cho thấy nếu dùng TĂCN có chứa 500 ppm chất cấm thuộc nhóm Beta-agonist/kg TĂCN để nuôi heo thì con heo có thể từ trọng lượng 10 kg tăng lên 100 kg chỉ sau 18 tuần.
“Lợi nhuận lớn có thể khiến người chăn nuôi vi phạm, do đó công tác kiểm tra, ngăn chặn là rất quan trọng”, GS Sơn nói. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Xuân Dương, Cục phó Cục Chăn nuôi, việc phát hiện người chăn nuôi sử dụng chất cấm là không hề dễ.
Để làm được điều này phải dựa vào người dân. Trường hợp bắt 8 tấn TĂCN có chứa chất cấm salbutamol ở Thanh Hóa do một công ty ở Hưng Yên sản xuất chính là nhờ người dân cung cấp thông tin. Hiện Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo ngành chăn nuôi tăng cường kiểm tra chất lượng TĂCN. Bước đầu sẽ triển khai trọng điểm tại Hà Nội, Hưng Yên, Thanh Hóa, TP.HCM, Đồng Nai và Vĩnh Long, sau đó sẽ triển khai rộng trên cả nước.
Cũng theo ông Dương, mức chế tài theo quy định hiện nay là quá nhẹ, không đủ răn đe người vi phạm. “Chúng ta nên đề xuất hình sự hóa hành vi này vì nó còn nguy hại hơn cả ma túy. Người sử dụng ma túy chỉ gây hại cho bản thân họ còn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi thì nguy hại đến cả cộng đồng và thế hệ con cháu sau này”, ông Dương nói.
Có thể bạn quan tâm

Thời gian gần đây, lực lượng chức năng của tỉnh Bắc Giang đã phát hiện, xử lý nhiều hộ kinh doanh bơm tạp chất và cho lợn ăn thức ăn có chất cấm Salbultamol để tăng trọng. Tình trạng này có chiều hướng diễn biến phức tạp nếu không được kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm.
Mô hình trang trại chăn nuôi bò bán công nghiệp kết hợp đào ao thả cá và trồng rừng cho thu nhập hơn tỉ đồng mỗi năm của gia đình ông Nguyễn Khắc Vân ở thôn Đồng Bưởi, thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên đã trở thành một tấm gương điển hình về phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.

Năm 2015, được sự tư vấn giúp đỡ của Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa và Trạm Khuyến nông huyện Yên Định, câu lạc bộ chăn nuôi gà thịt theo chuỗi giá trị tại xã Yên Lâm được thành lập theo phương châm: liên kết hỗ trợ nhau trong sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi.

Việc gia nhập Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội để phát triển, nhưng đồng thời cũng đặt ra không ít thách thức mà Việt Nam cần phải vượt qua, trong đó có thách thức đối với ngành chăn nuôi Việt Nam.

Một nghịch lý trong ngành chăn nuôi diễn ra suốt thời gian qua là không ít hộ chăn nuôi phải “treo chuồng” bỏ nghề vì suất đầu tư quá lớn.