ĐBSCL: Thương lái ngoảnh mặt, xoài rớt giá thê thảm
Năng suất, chất lượng trái giảm do mưa bão, trong khi đó phía Trung Quốc lại chuyển hướng thu mua sang quốc gia khác khiến giá xoài giảm mạnh, nhà vườn trồng xoài ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lâm vào cảnh thất thu.
Giá giảm không phanh
Ông Trần Tứ Hải (ngụ ở ấp 2A, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) cho biết: Từ đầu năm 2016 đến nay, ông không bán được xoài Đài Loan cho thương lái bởi giá loại xoài này đang giảm mạnh. Thay vì 23.000 – 25.000 đồng/kg như những năm trước đây, hiện giá loại xoài này chỉ còn từ 7.000-8.000 đồng/kg. Riêng xoài cát Hòa Lộc có giá cao hơn, nhưng cũng chỉ ở mức 25.000 đồng/kg (1 tháng trước đây có giá từ 45.000-47.000 đồng/kg).
Trong ảnh: HTX sản xuất trái cây GAP Bình Phước Xuân gặp khó khăn trong tiêu thụ xoài. Ảnh: H.X
Yếu điểm của xoài Đài Loan là dùng để ăn sống, không chế biến để lâu được nên rất khó bán, đặc biệt là khi xuất khẩu. Khi bán trong nước, trái loại này khá to, nặng ký nên khi mua, khách hàng cũng e dè, bởi phần lớn người dân chỉ thích loại trái xoài cỡ nhỏ”. TS Lương Ngọc Trung Lập
“Tôi có 8.000 công (8.000m2 vườn trồng xoài Đài Loan và xoài Hòa Lộc. Khi thu hoạch, các thương lái không còn đến mua như trước nữa, gia đình tôi chỉ bán được cho các chợ lẻ. Với mức giá hiện nay, gia đình tôi không có lời, thậm chí còn thua lỗ” – ông Hải buồn so nói.
Nhiều hộ dân ở thị trấn Bảy Ngàn thông tin, ngoài giá thấp, người dân còn gặp khó khăn hơn khi năng suất xoài đang giảm mạnh. Cũng như ông Hải, ông Nguyễn Hoàng Liệt – Giám đốc HTX sản xuất trái cây GAP Bình Phước Xuân (xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) thông tin: “Hiện xoài Đài Loan giảm giá rất mạnh và rất khó bán. Tình trạng này khiến cho nhiều xã viên mất nguồn thu sau thời gian dài chăm sóc”.
Tình trạng xoài giảm giá mạnh không chỉ diễn ra ở Hậu Giang, An Giang. Nhiều nông dân, HTX kinh doanh xoài ở Đồng Tháp cũng “đứng ngồi không yên”. Ông Nguyễn Văn Chì – Chủ nhiệm HTX xoài Tân Thuận Tây nói: “Hiện xoài Cát Chu (loại xoài nổi tiếng ở Đồng Tháp) có sử dụng túi bao trái bán cho công ty thu mua chỉ với giá 14.000 đồng/kg. Đó là mua theo hợp đồng đã ký, còn những xã viên chưa có hợp đồng chỉ bán được từ 6.000-7.000 đồng/kg”.
Thấy khó nhưng chưa thấy lối ra
Ông Liệt cho biết, nguyên nhân giá xoài giảm là do thời gian qua, phía Trung Quốc không còn mua xoài Đài Loan của ĐBSCL cũng như của HTX, việc mua bán giữa HTX với Australia, Hàn Quốc cũng gặp khó khăn. Ông Liệt bức xúc: “Bên Australia, Hàn Quốc chỉ mua xoài có trọng lượng từ 600-800 gam/trái, còn xoài của HTX khi đến ngày thu hoạch đã từ 1kg/trái. Chúng tôi không bán được vì khi đạt kích cỡ như họ yêu cầu thì trái chưa già, chất lượng không có, không ngon”.
Theo Sở NNPTNT các tỉnh, thành ĐBSCL, do mưa kéo dài nên chất lượng trái không cao, bảo quản không được lâu, từ đó khó vận chuyển được xa, đặc biệt là ra nước ngoài. Hiện lượng xoài ở ĐBSCL phần lớn chỉ tiêu thụ tại các chợ đầu mối trong vùng và TP.HCM. Cũng do thời gian gần đây, mưa diễn ra liên tục nhiều ngày nên tại các chợ này khó tiêu thụ. Đặc biệt, thời gian này, có rất nhiều mặt hàng trái cây vào mùa nên người tiêu dùng có quá nhiều lựa chọn hơn cách đây vài tháng.
Trao đổi với phóng viên NTNN/Dân Việt, TS Lương Ngọc Trung Lập – Trưởng bộ môn Nghiên cứu thị trường (Viện Cây ăn quả miền Nam) cho rằng: “Nguyên nhân giá xoài giảm là do lượng xoài thu hoạch thời gian này cao, đồng thời gặp khó khăn trong tiêu thụ. Ngoài ra, một phần nguyên nhân cũng do phía Trung Quốc hạn chế mua xoài ở ĐBSCL và tập trung mua ở Campuchia, Myanmar bởi 2 thị trường này có xoài giá rẻ hơn”.
Cũng theo TS Lập, thị trường Trung Quốc, vốn rất bấp bênh, không biết lúc nào mua, lúc nào không. Vì vậy, không nên lệ thuộc vào thị trường này quá nhiều. Khoảng năm 2000, thị trường Trung Quốc mua nhiều ở Việt Nam, nhưng kể từ năm 2005 đến nay đã giảm dần.
Có thể bạn quan tâm
Những thông tin thất thiệt đã làm bế tắc thị trường, sản phẩm hồng Đà Lạt - Lâm Đồng trở nên ế ẩm có nguy cơ biến mất.
Ngày 27.10, tại Hà Nội, Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NNPTNT) tổ chức họp báo “Hội chợ triển lãm nông nghiệp quốc tế lần thứ 16 – AgroViet 2016”
Gạo Jasmine với nhiều phẩm chất vượt trội như quy trình sản xuất không sử dụng phân hóa học, không dư lượng thuốc BVTV, không chất bảo quản, chất tạo mùi