Chàng Trai Dân Tộc Làm Giàu Từ Mô Hình Kinh Tế Vườn

Đó là mô hình kinh tế vườn của chàng trai dân tộc Nùng Cháng Thừa Lù - một tấm gương sáng điển hình của thôn Thanh Long xã Thanh Vân huyện Quản Bạ trong việc vươn lên thoát nghèo. Mới 27 tuổi Cháng Thừa Lù đã có trong tay hơn 3 ha cây ăn quả gồm hồng không hạt, quýt, chanh và 2 hồ nước rộng nuôi thả cá cùng số lượng lớn đàn ong nuôi lấy mật… báo hiệu một vụ mùa bội thu, khiến mọi người đến thăm thầm cảm phục.
Theo anh Lù: Mỗi năm trừ tất cả chi phí gia đình anh cũng thu lãi bình quân từ 45- 50 triệu đồng từ cây ăn quả, nuôi ong và thả cá, tuy nhiên trong những năm gần đây gia đình anh thu lãi nhiều hơn khi trực tiếp đưa các sản phẩm trong trang trại của mình đi tiêu thụ tại thị trấn huyện Quản Bạ và thị xã Hà Giang.
Sau khi cùng chúng tôi tham quan trang trại theo mô hình kinh tế vườn, anh Lù tâm sự: Ban đầu gia đình anh khởi nghiệp cũng khá gian nan, đầu tiên anh cùng gia đình khai phá gần 3 ha đất đồi và nương lúa. Khu đất cao và dốc được anh trồng giống hồng không hạt, xen kẽ trồng chanh và thử nghiệm nuôi ong tự nhiên lấy mật, còn lại số diện tích đã khai phá được để lại cấy lúa và làm ao thả cá.
Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, anh nuôi thêm trâu, bò và các loại gia cầm vừa góp phần tăng gia sản xuất, ổn định cuộc sống, tạo nguồn phân hữu cơ bón cho cây trồng lại có tiền đầu tư cho vườn cây ăn quả trên khu đồi cao. Nhờ biết chăm chỉ lao động, cần cù học hỏi kinh nghiệm và sáng tạo trong lao động, cuộc sống của gia đình anh ngày càng khấm khá. Và cho tới thời điểm hiện nay nhìn vào mức thu nhập của gia đình anh, đồng bào thôn Thanh Long xã Thanh Vân luôn quý mến gọi anh với cái tên đầy khâm phục “ông chủ vườn”. Anh bật mí: Hiện nay trong toàn trang trại của mình có khoảng 1000 gốc chanh, 700 gốc hồng không hạt, 60 thùng ong mật tự nhiên và hơn 3000 m2 ao thả cá tất cả đều đến kỳ chuẩn bị cho thu hoạch. Với giá cả như hiện nay anh nhẩm tính sẽ cho thu nhập trên 70 triệu đồng.
Sự sáng tạo của Cháng Thừa Lù trong mô hình kinh tế vườn được thể hiện ở chỗ trồng xen canh giữa các loài cây trồng ngắn ngày với cây dài ngày. Dựa vào nguồn hoa rừng sẵn có và hoa trong vuờn cây ăn quả để nuôi ong lấy mật; Kết hợp giữa nương lúa và hồ nuôi cá để có nước tưới cho lúa và vườn cây ăn quả. Sự sáng tạo của anh được bắt đầu nguồn từ điều kiện tự nhiên cộng với sự cần cù, siêng năng, sáng tạo của bản thân. Mô hình kinh tế vườn của Cháng Thừa Lù là một điển hình trong phong trào “Thanh niên thi đua phát triển kinh tế, lao động sản xuất giỏi” của huyện Quản Bạ để mọi người dân học tập và làm theo.
Có thể bạn quan tâm

Các doanh nghiệp xuất khẩu và nhiều hộ nuôi tôm ở ĐBSCL đang lo lắng khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa có quyết định sơ bộ, cho rằng các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tôm của Việt Nam được trợ cấp từ Chính phủ Việt Nam nên DOC áp thuế chống trợ cấp tôm nước ấm từ Việt Nam lên mức rất cao 5,08% - 7,05%. Đây là mức thuế vô cùng bất lợi đối với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ.

Mấy tháng gần đây, nghêu giống trong nước rớt giá mạnh do nghêu giống có nguồn gốc từ Trung Quốc tràn sang ồ ạt với giá rất thấp. Điều này khiến nhiều người ương nghêu giống ở ven biển Tân Thành (Gò Công Đông, Tiền Giang) không bán được giống, thua lỗ vì đã mua nghêu cám (nghêu giống loại nhỏ hơn) trước đó để ương với giá cao.

Đây là nhận định của ông Trần Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP.Cần Thơ nêu ra tại hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp TP.Cần Thơ năm 2012, diễn ra ngày 3.1.

Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) vừa tổ chức hội thảo mô hình “Sử dụng nước thải ao nuôi cá tra tưới lúa” vụ lúa thu đông năm 2012. Trên 30 bà con nông dân trên địa bàn thị xã tham dự.

Thực hiện nhiệm vụ năm 2012, huyện Bác Ái cơ bản đạt được mục tiêu đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2011-2015 và Nghị quyết của Huyện ủy đề ra từ đầu năm. Nổi bật là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp có những chuyển biến tích cực.