Chăn Nuôi Việt Nam Đang Gặp Khó
Sáng 28/5, tại TP Cao Bằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức hội nghị “Đánh giá thực trạng ngành chăn nuôi hiện nay và định hướng phát triển chăn nuôi 2013 - 2015”.
Đa số đại biểu cho rằng: Thực trạng sản xuất chăn nuôi của nước ta thời gian qua biến động nhiều theo chiều hướng tăng năng suất, sản lượng nhiều hơn tăng quy mô đầu con. Tuy nhiên, dịch bệnh phức tạp, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trên diện rộng, gây tâm lý lo ngại với người chăn nuôi và người tiêu dùng sản phẩm; hơn nữa khủng hoảng kinh tế làm giảm sức mua của thị trường thực phẩm khiến người chăn nuôi thua thiệt; giá các nguyên liệu đầu vào, nhất là nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi ngày càng tăng, người chăn nuôi thiếu vốn trong khi lãi xuất tín dụng còn cao…
Phó Cục trưởng chăn nuôi Tống Xuân Chinh cho biết, khu vực trung du và miền núi phía Bắc có thế mạnh về phát triển gia súc ăn cỏ, là nơi lưu giữ, bảo tồn và phát triển nhiều loại vật nuôi bản địa có giá trị kinh tế cao như bò Mông, lợn mán, gà đồi, dê núi…Dù vậy, trong quá trình phát triển chăn nuôi, vùng này cũng bộc lộ những bất cập như chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ trọng cao cả về số lượng đầu con và sản lượng thịt (năm 2011, tỷ lệ chăn nuôi lợn với quy mô từ 1 đến 2 con vẫn chiếm 52 %; chăn nuôi gà với quy mô từ 1 đến 19 con vẫn chiếm 50%); vấn đề kiểm soát dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới hiện hữu trong bối cảnh sản phẩm chăn nuôi rớt giá lâu và sâu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Đàm Văn Eng cho biết, ngành chăn nuôi chiếm 30 % tổng giá trị sản xuất nông nghiệp Cao Bằng. Điều trăn trở lớn nhất của Cao Bằng hiện nay là vừa phải quyết liệt ngăn chặn giống gia cầm nhập lậu, vừa chủ động nguồn giống bởi hiện nayCao Bằng chưa có cơ sở sản xuất giống gia cầm và nhân dân vùng biên giới thiếu giống trầm trọng. Để đảm bảo việc phát triển chăn nuôi hiệu quả ổn định, về lâu dài, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để kêu gọi nhà đầu tư trong nước tổ chức sản xuất giống gia cầm tập trung tại chỗ tại vùng miền núi, biên giới.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái Trần Đức Lâm cho rằng, việc phát triển chăn nuôi hiệu quả phải dựa vào phương châm ba chống: chống dịch, chống rét và chống nhập lậu. Theo ông Lâm, những năm vừa qua, số lượng gia súc chết rét gấp hàng chục lần so với chết do dịch. Chính vì vậy cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi khu vực trung du miền núi phía Bắc. Để hạn chế việc nhập lậu sản phẩm chăn nuôi không rõ nguồn gốc, phải thực hiện quy hoạch chăn nuôi để cân bằng theo hướng nguồn cung đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.
Phó Cục trưởng phụ trách Cục chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương nêu rõ: mục tiêu giai đoạn 2013 - 2015 là nhằm tái cơ cấu sản xuất chăn nuôi phù hợp kinh tế thị trường, đáp ứng cơ bản các thực phẩm thiết yếu cho tiêu dùng và nâng cao thu nhập của người nông dân , gắn phát triển chăn nuôi với xây dựng nông thôn mới.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám khẳng định, ngành chăn nuôi đang cả nước đang gặp khó khăn. Do chăn nuôi tự phát, giá cao thì tăng đàn ồ ạt dẫn đến giá con giống tăng, giá thấp thì giảm đàn dẫn đến khủng hoảng thiếu. Việc sử dụng chuồng trại chưa hợp lý, không theo quy chuẩn; quản lý giống bất hợp lý; sử dụng thuốc thú y vô tội vạ, thị trường phụ thuộc lớn vào Trung Quốc.
Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với nhiều địa phương nhằm đưa ra biện pháp hữu hiệu. Về nguồn giống chăn nuôi, nhất thiết phải có sự hỗ trợ của Trung ương để cung ứng giống vật nuôi tại chỗ cho các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Hiện Bộ có quy định hỗ trợ cho cả những doanh nghiệp tư nhân thực hiện việc sản xuất giống tại các khu vực trên. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề này tại ba khu vực trong cả nước, từ đó thống nhất các giải pháp, định hướng đưa ngành chăn nuôi vượt qua khó khăn, phát triển ổn định.
Related news
Trong những năm gần đây, nhờ sự giúp đỡ của các ban ngành, đặc biệt là ngành nông nghiệp tỉnh Điện Biên, nhiều hộ nông dân ở xã Thanh Chăn huyện Điện Biên đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tập trung đầu tư phát triển kinh tế trang trại vườn rừng, xóa được đói nghèo từng bước vươn lên làm giàu.
Ếch Thái Lan dễ nuôi, nông dân có thể tận dụng diện tích mặt nước của ao, hồ hoặc những khoảng đất trống trong vườn để đầu tư nuôi ếch theo phương pháp công nghiệp, tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, do giá cả thức ăn ngày càng tăng cao, trong khi giá ếch thương phẩm bán vào vụ thuận không cao nên nông dân thu lãi ít, thậm chí thua lỗ. Điều này đã làm cho nhiều hộ nông dân từ bỏ việc nuôi ếch.
Mong muốn làm kinh tế tại quê hương, nên ngay khi địa phương có chủ trương chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình trang trại, gia đình chị Phạm Thị Loan (xã Ngô Quyền, Tiên Lữ) đã hăng hái tham gia. Từ khoảng 2 mẫu đất ruộng, gia đình chị Loan đã cải tạo thành vườn, ao và một số dãy chuồng trại chăn nuôi.
Đã nhiều năm nay anh Nguyễn Thanh Hồng ở ấp 2, xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) trồng bầu bí luôn đạt năng suất và cho thu nhập cao. Với 1,2 hécta bầu bí, hàng năm gia đình anh lãi 80 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Rời quê hương Thanh Hóa vào nhập cư, làm ăn sinh sống ở xã Ea Trol – 1 xã miền núi của huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên. Với số vốn 10 triệu đồng đã vay mượn của anh em, bà con, bạn bè ở quê, ông Nguyễn Tài Khoa mua 3 ha cà phê, gọi là vốn giắt lưng ban đầu để gia đình ông bén rễ và hình thành một cuộc sống mới ở vùng đất xa xôi này.