Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chăn Nuôi Trên Nền Đệm Lót Lên Men

Chăn Nuôi Trên Nền Đệm Lót Lên Men
Ngày đăng: 27/12/2014

Với những ưu điểm nổi trội như tránh được bệnh tật, chất thải tự tiêu, tiết kiệm nhân công, giảm chi phí đầu vào, tận dụng sản phẩm phụ tạo nguồn phân bón hữu cơ an toàn phục vụ cho sản xuất trồng trọt… mô hình đệm lót lên men được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Bắc Ninh triển khai, đem lại hiệu quả cao cho người chăn nuôi.

Đến thăm gia đình anh Bùi Xuân Kỳ, thôn Lạc Trung, xã Yên Trung (Yên Phong) là hộ tham gia mô hình chăn nuôi lợn thịt trên nền đệm lót lên men được biết, gia đình anh trước đây nuôi từ 20 con lợn trở lên, phần lớn nước cọ rửa chuồng trại, chất thải cặn bã... đều đổ ra ao, cống rãnh gần nhà gây ô nhiễm môi trường xung quanh.
Năm 2014, gia đình anh được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh hỗ trợ con giống, vật tư và hướng dẫn kỹ thuật để nuôi lợn dùng đệm lót lên men thì lợi ích đem lại rất lớn. “Lợi ích đầu tiên cảm nhận được chính là tôi không còn phải chịu cảnh bị bà con trong xóm phàn nàn vì nuôi lợn gây ô nhiễm. Đệm lót lên men còn có ưu điểm là giữ ấm tốt, nhờ đó mà đỡ tốn điện thắp sáng, sưởi ấm vào mùa đông, dịch bệnh cũng ít hơn, nhất là bệnh hen suyễn gần như không còn.
Chưa kể, nuôi lợn bằng đệm lót lên men còn đỡ được khâu vệ sinh, tắm cho lợn. Ngoài ra, cũng có thể lấy lớp đệm chuồng lợn dùng để bón cho ruộng. Hơn nữa, lợn nuôi cũng nhanh lớn hơn chỉ cần 4 tháng có thể xuất bán một lứa” - Anh Kỳ khẳng định.
Tìm hiểu tại hộ ông Nguyễn Văn Cương, thôn Quế Ổ, xã Chi Lăng (Quế Võ), một trong những hộ tham gia mô hình chăn nuôi gà thịt trên nền đệm lót lên men được ông cho biết: “Với diện tích 30m2 chuồng, tôi nuôi 250 con gà thịt giống lông màu. Trước đây, gia đình tôi nuôi bằng cách truyền thống, gà luôn bị bệnh về đường hô hấp và đường ruột, thường xuyên phải cho uống thuốc, tỷ lệ hao hụt cao, gà tăng trọng thấp, nhất là mùi hôi thối từ chất thải gây ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con xung quanh.
Từ khi thực hiện mô hình đệm lót lên men thì hiệu quả cải thiện đáng kể, gà ít bị bệnh, tỷ lệ tăng trọng nhanh, độ đồng đều cao, môi trường được giải quyết một cách cơ bản, vì vậy chi phí cho chăn nuôi gà giảm được 10 - 15%, sau 3 tháng nuôi trọng lượng bình quân gà trống đạt 2,6kg/con, gà mái đạt 2 kg/con, với giá bán hiện nay là 100 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, thu lãi khoảng 5 triệu đồng từ mô hình nuôi gà này”.
Chăn nuôi trên nền đệm lót lên men là phương pháp sử dụng vi khuẩn lên men có khả năng phân giải chất hữu cơ và ức chế các vi sinh vật có hại, tiêu huỷ phân, nước tiểu làm giảm các khí độc và mùi hôi trong chuồng. Nguyên liệu được sử dụng làm đệm lót chuồng đơn giản và quen thuộc với người nông dân như mùn cưa, trấu, vỏ lạc, lõi ngô được nghiền nhỏ trộn với men vi sinh, người chăn nuôi có thể thực hiện một cách dễ dàng, các tiêu chuẩn kỹ thuật cũng không quá phức tạp.
Với những ưu điểm nổi trội như tránh được bệnh tật, chất thải tự tiêu, tiết kiệm nhân công, giảm chi phí đầu vào, tận dụng sản phẩm phụ tạo nguồn phân bón hữu cơ an toàn phục vụ cho sản xuất trồng trọt… phương pháp chăn nuôi trên nền đệm lót lên men được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh triển khai, đem lại hiệu quả cao, giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.
Hiện, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh triển khai Đề tài khoa học “Ứng dụng công nghệ đệm lót lên men trong chăn nuôi lợn thịt, gà thịt, gà đẻ an toàn sinh học tại tỉnh” với quy mô 40 con lợn thịt tại 2 hộ ở huyện Yên Phong, 500 con gà đẻ trứng tại 2 hộ ở huyện Yên Phong, thị xã Từ Sơn, 500 con gà thịt tại 2 hộ ở huyện Quế Võ.
Theo ông Nguyễn Mạnh Định, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, chủ nhiệm đề tài, chăn nuôi trên nền đệm lót lên men là mô hình phù hợp với phát triển chăn nuôi theo hướng nông nghiệp sạch, phát triển bền vững, nhất là trong điều kiện hiện nay, diện tích đất cho phát triển chăn nuôi trang trại và gia trại đang gặp khó khăn, đặc biệt là đối với nơi tập trung dân cư đông đúc.
Việc ứng dụng công nghệ đệm lót lên men bằng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi lợn thịt, gà thịt, gà đẻ đảm bảo vệ sinh môi trường, góp phần đáng kể hạn chế ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn dịch bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Hơn nữa, đây là mô hình dễ ứng dụng, kinh phí đầu tư không nhiều, thực hiện trong thời gian ngắn nhưng hiệu quả kinh tế mang lại khá cao cho người chăn nuôi. Với kết quả này, trong thời gian tới Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư sẽ tiếp tục hỗ trợ, nhân rộng mô hình ra các địa phương trong tỉnh.


Có thể bạn quan tâm

Ngành Chăn Nuôi “Khát” Vốn Cuối Năm Ngành Chăn Nuôi “Khát” Vốn Cuối Năm

Giá heo hơi, gà công nghiệp đang tăng, giá thức ăn chăn nuôi có xu hướng giảm là những điều kiện thuận lợi để các hộ chăn nuôi đẩy mạnh tái đàn. Tuy nhiên, bà con hiện vẫn rất thiếu vốn để tái sản xuất.

13/12/2013
Hơn 7.600ha Nuôi Tôm Thâm Canh - Bán Thâm Canh Hơn 7.600ha Nuôi Tôm Thâm Canh - Bán Thâm Canh

Toàn tỉnh Bạc Liêu có 18/34 xã, phường, thị trấn thực hiện khai báo thả giống và thiệt hại trong nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh (TC-BTC).

04/01/2014
Nhìn Lại Vụ Nuôi Trồng Thủy Sản Năm 2013 Nhìn Lại Vụ Nuôi Trồng Thủy Sản Năm 2013

Năm 2013, thời tiết diễn biến phức tạp, biên độ dao động nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn không thuận lợi cho nghề nuôi thủy sản. Tháng 4 và 5-2013 tại vùng nuôi tôm thẻ chân trắng có hiện tượng tôm chết. Trong tháng 6-2013, do ảnh hưởng của cơn bão số 2 có gần 100ha nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng bị chết do sốc môi trường.

04/01/2014
Úc Không Ngưng Cung Cấp Bò Sống Cho Việt Nam Úc Không Ngưng Cung Cấp Bò Sống Cho Việt Nam

Thương vụ Úc tại Việt Nam ngày 10-12 đã thông tin chính thức về việc nguồn cung bò Úc giảm là do yếu tố “thời tiết”, chứ không phải do can thiệp của Chính phủ Úc.

13/12/2013
Cải Tạo Đàn Dông Ở Thiện Nghiệp (Bình Thuận) Cải Tạo Đàn Dông Ở Thiện Nghiệp (Bình Thuận)

Năm 2013, mô hình cải tạo đàn dông được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Bình Thuận phối hợp với Phòng Kinh tế Phan Thiết thực hiện với quy mô 900m2 tại xã Thiện Nghiệp. Thông qua việc thay đổi bằng giống dông đực Khu Lê, nhằm hướng tới mục đích cải tiến chất lượng, làm tươi máu, tránh đồng huyết, để nâng cao hiệu quả chăn nuôi tại địa phương...

13/12/2013