Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chăn Nuôi Theo Chuỗi Giá Trị Liên Kết Vẫn Rất Lỏng Lẻo

Chăn Nuôi Theo Chuỗi Giá Trị Liên Kết Vẫn Rất Lỏng Lẻo
Ngày đăng: 03/12/2014

Liên kết trong sản xuất chăn nuôi là một tất yếu đem lại lợi ích cho những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và sức khỏe cho cả ngành chăn nuôi. Cần phải làm gì để liên kết chăn nuôi phát triển bền vững là vấn đề được Cục Chăn nuôi- Bộ NN & PTNT đang đặt ra.

Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Dương- Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN & PTNT), tại Hội nghị tổng kết ngành chăn nuôi và quản lý thức ăn chăn nuôi do Bộ NN & PTNT tổ chức sáng nay 2/12 tại Hà Nội.

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, sản xuất chăn nuôi năm 2014 tăng trưởng khá cao, ước tính tăng 4- 5% so với năm 2013. Trong đó, chăn nuôi lợn tăng gần 3%, gia cầm khoảng 5%, bò sữa khoảng 12% và thức ăn chăn nuôi khoảng 6%. Giá vật tư đầu vào không tăng, trong khi sản phẩm đầu ra luôn ở mức cao, lợn nạc bình quân trong năm từ 47.000- 52.000 đồng/kg, ngành chăn nuôi nhất là chăn nuôi lợn, bò sữa, trứng gia cầm có lời khá lớn.

Quản lý dịch bệnh, chất lượng vật tư và thiên tai được kiểm soát tốt hơn, trong năm không có bùng phát các ổ dịch lớn, số lượng gia súc, gia cầm chết về thiên tai thấp, chất lượng thức ăn chăn nuôi có nhiều cải thiện. Mặc dù vậy, năng suất chất lượng sản phẩm chăn nuôi còn thấp, giá thành cao. Giá bò thịt của Úc bằng 1/2, giá lợn của Mỹ bằng 3/4 giá của Việt Nam.

Theo ông Dương, sản xuất chăn nuôi theo chuỗi liên kết là phương thức sản xuất tất yếu trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế mà hầu hết các nước phát triển áp dụng.

Tại Mỹ, ngành chăn nuôi lợn với sản lượng lợn hơi xuất chuồng gần 11 triệu tấn/năm, chỉ chịu chi phối bởi 10 chuỗi liên kết giá trị, đứng đầu của mỗi chuỗi là một doanh nghiệp (tập đoàn), dưới đó là các trang trại, hợp tác xã, hộ chăn nuôi gia công. 100% sản phẩm chăn nuôi hàng hóa tại Nhật Bản và 70% sản phẩm chăn nuôi hàng hóa ở Thái Lan đều xuất phát từ các chuỗi liên kết sản xuất.

Ở Việt Nam, mới hình thành và phát triển, nhưng đã chứng minh được rằng doanh nghiệp nào tổ chức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm thì đều là nhưng doanh nghiệp hiệu quả và phát triển bền vững như Sữa Mộc Châu, Sữa Quốc tế, Dabaco….

Ông Dương cho biết, hiện liên kết trong sản xuất chăn nuôi phát triển chậm và tự phát, việc triển khai các chương trình trọng điểm, nhất là đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi chậm, một số địa phương đến nay vẫn chưa phê duyệt đề án.

Theo ông Hoàng Thanh Vân- Cục trưởng Cục Chăn nuôi, mở rộng chuỗi liên kết trong chăn nuôi sẽ giúp đẩy lùi tình trạng tư thương ép giá. Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn cả nước, chuỗi triển khai rất nhiều nhưng chưa bài bản. Phát triển chuỗi liên kết trong chăn nuôi vẫn đang ở giai đoạn đánh giá bước đầu.

Lý giải về vấn đề này, ông Vân cho biết, hiện nay nhận thức hợp tác theo chuỗi chưa được đồng bộ từ sản xuất đến tiêu thụ vì sản xuất theo chuỗi phải qua 7 khâu và có nhiều thành phần tham gia. Bên cạnh đó, việc tạo lập thị trường có truy suất nguồn gốc và người tiêu thụ chấp nhận sản phẩm thì chưa làm được, điều này đòi hỏi sự cố gắng rất lớn của các doanh nghiệp tham gia tạo lập chuỗi thì mới thành công.

Ngoài ra, vấn đề về vốn để tạo ra chuỗi phải trải qua 7 khâu, tất cả các khâu đều cần vốn, sự tham gia vốn này đối với người sản xuất nhỏ, vừa và các doanh nghiệp sản xuất lớn đều rất thiếu. Điều này đòi hỏi cần có sự vào cuộc đồng bộ của các chính sách tác động vào nó, đặc biệt là việc giải quyết vốn với lãi suất hợp lý để cho các khâu sản xuất giống, thức ăn, giết mổ, thị trường tiêu thụ và sự liên kết giữa họ thì sự tác động của các dòng vốn vào đây là rất quan trọng.

“Cục Chăn nuôi sẽ tổng kết các loại hình liên kết theo chuỗi để đánh giá báo cáo với Bộ NN & PTNT, sau đó Bộ NN & PTNT sẽ báo cáo với Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo và có chính sách cho phù hợp hợp đến 2015 tạo điều kiện cho các chuỗi có thể phát triển tốt hơn”, ông Vân nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Vũ Văn Tám nhấn mạnh, ba yếu tố quan trọng mà ngành chăn nuôi cần phải làm tốt hơn là giảm giá thành thức ăn chăn nuôi, đột phá về giống và đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong chăn nuôi theo chuỗi từ sản xuất tới chế biến, tiêu thụ gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm. Đây cũng là những yếu tố cần chú trọng khi tái cơ cấu ngành chăn nuôi hiện nay.

Nguồn bài viết: http://baocongthuong.com.vn/thi-truong-trong-nuoc/73182/chan-nuoi-theo-chuoi-gia-tri-lien-ket-van-rat-long-leo.htm#.VH59lo0cTDc


Có thể bạn quan tâm

Nông Dân Đại An Trồng Môn Lợi Nhuận Bình Quân Trên 200 Triệu Đồng/ha Nông Dân Đại An Trồng Môn Lợi Nhuận Bình Quân Trên 200 Triệu Đồng/ha

Ông Hà Văn Rem, một trong những nông dân có nhiều thâm niên trong việc trồng môn cho biết, nhờ trồng môn mà đời sống người dân trong ấp Đại An (Trà Vinh) không ngừng được cải thiện, nhiều ngôi nhà xây dựng kiên cố đã mọc lên từ thu nhập “trồng môn”.

23/05/2014
Nông Dân Trồng Ớt Lao Đao Vì Rớt Giá Nông Dân Trồng Ớt Lao Đao Vì Rớt Giá

Bước vào vụ thu hoạch năm nay, những nông dân trồng ớt ở Bố Trạch (Quảng Bình) chưa kịp vui mừng vì được mùa thì phải khốn khổ với nỗi lo ớt rớt giá.

23/05/2014
Triển Vọng Nghề Nuôi Hàu Bằng Bè Trên Sông Triển Vọng Nghề Nuôi Hàu Bằng Bè Trên Sông

Qua học hỏi kinh nghiệm các mô hình nuôi hàu ở các tỉnh ven biển, anh Nguyễn Văn Thiệu đã về quê (khóm 5, Thị trấn Long Thành, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) đầu tư nuôi hàu bằng bè trên sông nhằm tăng thu nhập cho gia đình.

23/05/2014
Lợi Nhuận Của Nông Dân Tham Gia Mô Hình Liên Kết 4 Nhà Đạt Cao Lợi Nhuận Của Nông Dân Tham Gia Mô Hình Liên Kết 4 Nhà Đạt Cao

Tổng kết mô hình liên kết 4 nhà thâm canh lúa theo hướng VietGAP và cánh đồng mẫu lớn vụ Đông Xuân 2013- 2014, Chi cục Bảo vệ thực vật Tây Ninh cho biết, bình quân mỗi ha ruộng trong mô hình, nông dân có lợi nhuận cao hơn ngoài mô hình trên 3,1 triệu đồng/ha.

23/05/2014
Cày Nát Đáy Biển Săn Banh Lông Cày Nát Đáy Biển Săn Banh Lông

Thời gian gần đây, huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang lên cơn sốt đánh bắt và thu gom con banh lông, khi loài sinh vật biển chưa từng được ngư dân quan tâm đánh bắt này bất ngờ được các thương lái Trung Quốc săn lùng và mua với giá cao ngất ngưởng

23/05/2014