Bỏ nhiều loại phí gia cầm
Cụ thể, ngày 7-8, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 113, sửa đổi một số nội dung tại Thông tư số 04/2012 về chế độ về phí, lệ phí trong công tác thú y, trong đó bãi bỏ nhiều loại phí. Đây là một trong những động thái hỗ trợ thiết thực của Nhà nước cho ngành chăn nuôi gia cầm đang đối mặt nhiều khó khăn như hiện nay.
* Giảm phiền hà
Thông tư 113 được ban hành và có hiệu lực vào ngày 8-8, sau một thời gian có các phản ánh của người chăn nuôi gia cầm về quy định trong lĩnh vực thú y. Cụ thể, trong “đường đi” của một con gà từ trang trại đến bàn ăn, phải gặp nhiều hoạt động chuyên môn thú y thực hiện lặp đi lặp lại ở nhiều khâu, như: vệ sinh, tiêu độc phương tiện vận chuyển; niêm phong phương tiện vận chuyển; cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật... Theo đó, việc thu các khoản phí, lệ phí tương ứng có sự trùng lặp, 1 con gà phải gánh quá nhiều loại phí thú y không chỉ góp phần đẩy chi phí sản xuất lên cao, mà còn gây rất nhiều khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp, người chăn nuôi về mặt thủ tục hành chính. Ngoài việc ban hành thông tư trên để kịp thời gỡ khó cho người chăn nuôi gia cầm, Bộ Tài chính đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn rà soát, xây dựng dự thảo thông tư thay thế Thông tư số 04 theo hướng bãi bỏ các khoản phí, lệ phí chồng chéo, bất hợp lý.
Ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, nhận xét: “Việc bãi bỏ các khoản phí thú y tuy chỉ góp phần giảm một phần nhỏ chi phí chăn nuôi, nhưng rất có ý nghĩa vì giảm rất nhiều thời gian và thủ tục phiền hà cho người chăn nuôi”. Theo ông Quyết, do gia cầm thường được xuất chuồng vận chuyển đi tiêu thụ vào ban đêm với đủ loại giờ giấc khác nhau trong khi việc kiểm dịch lại giới hạn về thời gian. Chính vì vậy, doanh nghiệp, người chăn nuôi phải đóng nhiều loại phí trong hoàn cảnh “qua sông phải lụy đò” nên nhiều khi phí bôi trơn còn cao hơn nhiều mức phí quy định.
* Cần một sân chơi lành mạnh
Việc bãi bỏ nhiều khoản phí và giảm phiền hà về thủ tục thú y rất có ý nghĩa với người chăn nuôi trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của ngành chăn nuôi gia cầm vẫn là tình trạng cạnh tranh không lành mạnh với thịt nhập khẩu. Ông Lê Mạnh Cường, chủ trang trại chăn nuôi gà tại huyện Tân Phú, chia sẻ: “Điều chúng tôi e ngại nhất hiện nay là vấn đề cạnh tranh không lành mạnh do còn quá nhiều lỗ hổng trong việc kiểm soát, quản lý thịt nhập khẩu. Chúng tôi cũng rất mong tiếp tục được hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn về mặt chính sách, nhất là những rào cản về thủ tục trong xuất khẩu thịt gia cầm ra thị trường thế giới”.
Chia sẻ thêm thông tin về vụ việc kiện bán phá giá thịt gà nhập khẩu, đại diện Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ cho biết, hiệp hội đã được các doanh nghiệp, người chăn nuôi trong khu vực hỗ trợ về mặt kinh phí để thực hiện vụ kiện. Thực tế, vấn đề thịt gà nhập khẩu với giá rẻ bất thường đã xuất hiện từ quý IV năm ngoái và kéo dài đến nay gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, nhờ báo chí liên tục lên tiếng nên hiện vấn đề này đang được dư luận rất quan tâm. Nhiều bộ, ngành cũng đã bắt đầu vào cuộc, gỡ khó phần nào về mặt chính sách, thủ tục trong hoạt động sản xuất, kinh doanh gia cầm. Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cũng đã bắt đầu thu thập thông tin liên quan về bán phá giá thịt gà nhập và sẽ chính thức làm việc với các đơn vị liên quan về vấn đề này. Hiệp hội và người chăn nuôi rất mong tiếp tục được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ kịp thời về mặt chính sách để không bị thua thiệt khi bước sâu vào hội nhập.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai Trần Văn Quang, chi cục sẽ triển khai thực hiện việc bãi bỏ các loại phí thú y theo quy định ngay khi nhận được văn bản chính thức của Thông tư 113. Theo tính toán sơ bộ, chi cục có thể bị giảm khoảng 50% nguồn thu khi thực hiện việc cắt giảm các loại theo quy định mới. Vì chi cục đã thực hiện tự chủ về tài chính nên việc hụt nguồn thu ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của đơn vị. Chi cục sẽ kiến nghị lên UBND tỉnh để có giải pháp tháo gỡ khó khăn.
Có thể bạn quan tâm
Đi tham quan mô hình gồm có 150 gian chuồng mới được dựng lên kiên cố trên diện tích nhà hình chữ U rộng khoảng 200m2, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Hệ thống điện, các ô cửa cho ánh sáng tự nhiên, khoang chứa nước… đều được bố trí khoa học, đầy đủ, rất thuận tiện cho việc chăm sóc vật nuôi.
Theo Matthew Briggs, cố vấn nuôi trồng thủy sản của công ty Ridley Aquafeed với hơn chục năm kinh nghiệm trong ngành tôm Đông Nam Á, thiếu hụt do Hội chứng EMS khắp châu Á nhiều khả năng sẽ kéo dài ít nhất trong vài năm tới, thậm chí “có thể lâu hơn”
Thời gian qua, dịch bệnh trên các loài thủy sản nuôi liên tiếp diễn ra khiến nhiều hộ nuôi lao đao. Không chỉ gây nên thiệt hại về kinh tế, dịch bệnh còn khiến tình trạng ô nhiễm môi trường trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Tôm là một trong những loài thủy sản được nuôi phổ biến do mang lại giá trị cao.
Theo kết quả khảo sát vào đầu năm 2013 của Trạm Khuyến nông thị xã Tân Châu về tỷ lệ hao hụt của lươn nuôi từ nguồn giống khai thác tự nhiên ở địa bàn xã Tân An thuộc thị xã Tân Châu cho thấy: Tỷ lệ hao hụt trung bình của lươn nuôi ở các mô hình nuôi lươn thương phẩm là: 59,27% .
Trong những năm qua, ngành Thuỷ sản Vân Đồn (Quảng Ninh) có những bước phát triển mạnh. Tổng sản lượng khai thác thuỷ sản hàng năm đều đạt ở mức cao. Đặc biệt trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản, nhất là nuôi nhuyễn thể, đã trở thành thế mạnh phát triển kinh tế của huyện Vân Đồn.