Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chăn Nuôi Phát Triển Theo Hướng Trang Trại, Gia Công

Chăn Nuôi Phát Triển Theo Hướng Trang Trại, Gia Công
Ngày đăng: 06/03/2014

Ngành chăn nuôi ở huyện Tân Phước (Tiền Giang) phát triển có phần chậm hơn so với các huyện khác trong tỉnh, nhưng đang phát triển khá mạnh mô hình chăn nuôi theo hướng trang trại, gia công. Đây được xem là mô hình chăn nuôi an toàn và bền vững.

Anh Trần Huỳnh Trung, một người dân ở xã Đạo Thạnh (TP. Mỹ Tho) đã đầu tư 5 tỷ đồng để mở trại chăn nuôi heo ở ấp Mỹ Thuận (xã Thạnh Mỹ) từ 3 năm nay, với diện tích 25.000 m2. Hiện tổng đàn heo mà anh Trung đang nuôi gia công cho 1 công ty đã lên đến 2.000 con, với giá nuôi gia công 2.500 đồng/kg.

Theo anh Trung, chăn nuôi theo hình thức gia công được cái lợi là không phải lo đầu ra, vì khâu tiêu thụ đều đã được các công ty đảm nhiệm; đồng thời, khi hợp đồng chăn nuôi gia công với các công ty thì người chăn nuôi chỉ đầu tư về trại nuôi, nhân công; còn con giống, thức ăn, kỹ thuật đều do phía công ty cung cấp. Do đó, sau mỗi đợt xuất chuồng, người chăn nuôi đều có thu nhập ổn định không phải lo về giá cả và vấn đề lỗ hay lời.

Ông Lê Quốc Hùng, cũng ở TP. Mỹ Tho, đã đầu tư 5 tỷ đồng để mở trang trại nuôi gà gia công cho 1 công ty ở TP. Hồ Chí Minh, với quy mô lớn (1.500 m2) mang tên Oanh Ần, tại ấp Mỹ Thuận (xã Thạnh Mỹ). 4 năm qua, trại chăn nuôi gà này vẫn hoạt động ổn định theo hướng nuôi gia công, với mỗi lần xuất chuồng lên đến 40.000 con.

Một số người dân địa phương cũng đã “bắt nhịp” với xu hướng chăn nuôi trang trại, gia công và đã mạnh dạn chuyển sang đầu tư mô hình chăn nuôi này để phát triển kinh tế. Điển hình, có ông Dương Minh Lan, ở ấp Mỹ Lộc, xã Thạnh Mỹ, đã mạnh dạn chuyển đổi từ 1 ha trồng khóm sang đầu tư trang trại nuôi gà gia công từ năm 2011.

Với vốn đầu tư khoảng 2 tỷ đồng và mỗi lần thả nuôi với đàn gà từ 10.000 - 15.000 con. Ông Lan cho rằng, chăn nuôi gia công là một mô hình chăn nuôi an toàn và bền vững. Bởi người nuôi đã được các công ty hợp đồng đầu tư về con giống, kỹ thuật, thức ăn và đảm nhiệm cả đầu ra. Do đó, người nuôi không phải lo rủi ro trong khi nuôi.

Bà Nguyễn Thị Thanh Tuyền, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tân Phước cho biết, phong trào chăn nuôi theo hướng trang trại, gia công bắt đầu có ở Tân Phước từ vài năm trở lại đây và phát triển mạnh vào năm 2013. Nếu như năm 2006, trên địa bàn huyện chỉ có 1 - 2 trại chăn nuôi thì đến nay số trại chăn nuôi có quy mô lớn và vừa lên đến 15 trại. Các xã có nhiều trang trại chăn nuôi như: Thạnh Mỹ, Mỹ Phước, Thạnh Hòa…

Hầu hết, các trại chăn nuôi ở huyện Tân Phước có diện tích rộng từ 10.000 - 30.000 m2, tập trung chăn nuôi chủ yếu là heo và gà. Số lượng đàn vật nuôi ở mỗi trại chăn nuôi từ 1.000 - 2.000 con đối với heo và từ 10.000 - 40.000 con đối với gà. Theo thống kê của ngành Nông nghiệp huyện, tổng đàn heo trên địa bàn khoảng 11.000 con, trong đó chăn nuôi trang trại chiếm 60%; tổng đàn gà khoảng 110.000 con (gần 80% chăn nuôi theo hình thức trang trại).

Theo nhận định của nhiều chủ trại chăn nuôi ở huyện Tân Phước, chăn nuôi dù theo hình thức trang trại hay nhỏ lẻ đều đòi hỏi tính hiệu quả và bền vững. Chăn nuôi theo hình thức trang trại sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi, từ khâu chủ động lựa chọn con giống tốt, tiêm vắc xin định kỳ, đảm bảo đủ dinh dưỡng nên khả năng kháng bệnh cao hơn.

Với thực trạng chăn nuôi trong thời gian qua là luôn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, do dịch bệnh liên tiếp hoành hành, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao và thị trường tiêu thụ khá bấp bênh, không ổn định nên xu thế phát triển chăn nuôi theo hình thức trang trại là điều tất yếu. Bởi nếu chỉ xảy ra 1 - 2 đợt dịch bệnh thì người chăn nuôi nhỏ lẻ xem như mất vốn, không còn khả năng tái đàn.

Để khuyến khích chăn nuôi theo hướng trang trại, những năm qua, ngoài các chính sách ưu đãi, ngành Nông nghiệp đã tập trung xây dựng mối liên kết giữa trang trại với doanh nghiệp, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và đào tạo nâng cao năng lực quản lý của chủ trang trại; đồng thời tăng cường kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư chăn nuôi. Huyện Tân Phước hiện cũng đã quy hoạch khu chăn nuôi tập trung với 220 ha ở ấp Hòa Xuân, xã Thạnh Hòa và đang khuyến khích, kêu gọi đầu tư.

Theo đánh giá của Phòng NN&PTNT huyện Tân Phước, phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia công ở huyện không chỉ mang lại hiệu quả, an toàn, ổn định thu nhập cho người chăn nuôi mà còn góp phần vào việc thực hiện có hiệu quả chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng trưởng kinh tế và tỷ trọng ngành chăn nuôi của huyện.

Tuy nhiên, thực tế chăn nuôi theo hướng trang trại của huyện trong thời gian qua còn gặp không ít “rào cản” như: Tình trạng quy hoạch trang trại chưa tập trung đảm bảo việc phát triển bền vững; nhiều trang trại thiết kế chưa đạt chuẩn; nước thải gây mùi hôi và tình trạng ô nhiễm môi trường; việc khuyến khích phát triển khu chăn nuôi tập trung đã được triển khai nhưng thiếu đồng bộ về cơ sở hạ tầng…


Có thể bạn quan tâm

Làm giàu từ kinh tế trang trại Làm giàu từ kinh tế trang trại

Với niềm đam mê chăn nuôi, anh Võ Đình Duẫn (thôn Bắc Lân, xã Ba Động, Ba Tơ, Quảng Ngãi) đã mạnh dạn vay vốn đầu tư mô hình trang trại chăn nuôi heo khép kín. Sau 3 năm, mô hình này đã mang lại doanh thu tiền tỷ cho gia đình anh.

01/09/2015
Hiệu quả từ mô hình trồng màu kết hợp với nuôi bò vỗ béo Hiệu quả từ mô hình trồng màu kết hợp với nuôi bò vỗ béo

Đó là mô hình của nông dân Huỳnh Trung Tràng, sinh năm 1957, ấp Sóc Mới, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, doanh thu hàng năm đạt trên 200 triệu đồng, lợi nhuận đạt từ 100 - 120 triệu đồng/năm.

01/09/2015
Vươn lên từ nghề chăn nuôi heo Vươn lên từ nghề chăn nuôi heo

Ra riêng với 2 công ruộng trồng lúa của cha mẹ cho vào năm 1990, cuộc sống gia đình mới Nguyễn Nghĩa Dũng (ấp Nam, xã Dưỡng Điềm, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) rất khó khăn. Với bản tính ham mê chăn nuôi nhưng lại không có vốn, vợ chồng anh Dũng đã phải xin và được cha mẹ đồng ý cho bán đồ cưới để mua một con heo nái về nuôi.

01/09/2015
Hiệu quả mô hình nuôi gà thả vườn an toàn sinh học Hiệu quả mô hình nuôi gà thả vườn an toàn sinh học

Nhằm khuyến khích bà con nông dân phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, ổn định và bền vững, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Yên Sơn thực hiện mô hình nuôi gà thả vườn an toàn sinh học tại xã Mỹ Bằng (Yên Sơn). Đến nay bước đầu mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực.

01/09/2015
Phát triển chăn nuôi bò vỗ béo - Hướng đi mới cho người chăn nuôi Phát triển chăn nuôi bò vỗ béo - Hướng đi mới cho người chăn nuôi

Trong những năm qua, nông dân trên địa bàn huyện Phú Bình (Thái Nguyên) đã áp dụng tiến bộ khoa học vào chăn nuôi bò vỗ béo nhưng với phương thức đơn giản như nuôi từ lúc bò mẹ đẻ ra đến lúc thịt, một số khác thì mua bò, bê về nuôi chăn thả, tận dụng nguồn cỏ tự nhiên và phụ phẩm của ngành trồng trọt, có bổ sung thức ăn tinh nhưng với một phần nhỏ, chủ yếu là ngô, cám gạo cho nên chưa khai thác hết tiềm năng tăng trọng của bò khi đưa vào vỗ béo. Hơn nữa, thời gian nuôi còn kéo dài nên hiệu quả chưa cao.

01/09/2015