Chăn Nuôi Heo Tại Nông Hộ Thua Lỗ Kéo Dài
Thời gian qua, giá heo hơi tại nhiều địa phương ở TP Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã tuột xuống dưới mức giá thành sản xuất, khiến nhiều hộ chăn nuôi heo bị lỗ vốn nặng. Người nuôi điêu đứng, trong khi giá thức ăn chăn nuôi và nhiều loại chi phí đầu vào phục vụ cho chăn nuôi heo tăng lũy tiến hoặc đứng ở mức cao. Bất cập kéo dài làm không ít hộ nuôi nhỏ phải bỏ chuồng, thu hẹp qui mô vì khó kiếm lời trong tình cảnh giá bán giảm, giá thành sản xuất tăng.
Nuôi nhỏ: khó lời!
So cách nay hơn 2 tuần, giá heo hơi tại nhiều tỉnh, thành ĐBSCL giảm 2.000 - 3.000 đồng/kg, tương đương 300.000 - 400.000 đồng/tạ. Giá heo hơi loại tốt tại các trang trại và hộ nuôi với số lượng lớn ở TP Cần Thơ và nhiều tỉnh như: Hậu Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang… đang ở mức 35.500 - 37.000 đồng/kg (tương đương 3,55 - 3,7 triệu đồng/tạ); tại nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ giá bán dao động từ 33.000 - 35.000 đồng/kg (tương đương 3,3 - 3,5 triệu đồng/tạ). Lượng heo hơi tới lứa xuất bán tại nhiều địa phương đang tăng trong khi sức tiêu thụ thịt heo trên thị trường yếu được cho là nguyên nhân làm cho giá heo hơi tiếp tục sụt giảm sau một thời gian đứng ở mức thấp.
Theo nhiều hộ chăn nuôi heo ở ĐBSCL, giá heo hơi giảm mạnh còn có phần do thương lái “ép giá” người nuôi. Thời điểm này cùng kỳ năm trước, giá heo hơi ở mức 4,2 - 4,4 triệu đồng/tạ thì giá bán thịt heo nạc tại nhiều chợ và siêu thị ở TP Cần Thơ chỉ ở mức 86.000 - 90.000 đồng/kg, thịt đùi và ba rọi 80.000 - 85.000 đồng/kg; sườn bẹ 100.000 đồng/kg. Trong khi đó, hiện giá heo hơi đã giảm ít nhất 700.000 - 800.000 đồng/tạ so với cùng kỳ năm trước, nhưng giá bán thịt heo nạc tại nhiều chợ và siêu thị vẫn đứng ở mức 90.000 đồng/kg; thịt đùi và ba rọi 79.000 - 80.000 đồng/kg, sườn bẹ 100.000 đồng/kg. Rõ ràng giá heo hơi giảm mạnh, nhưng người tiêu dùng cũng chưa phải là đối tượng được hưởng lợi. Phải chăng phần lợi nhuận đang thuộc về các trung gian bán hàng và những nhà sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi?
Theo nhiều hộ chăn nuôi heo ở TP Cần Thơ, với giá bán heo hơi hiện tại thì hầu hết người nuôi đều bị lỗ vốn nặng. Gia đình bà Nguyễn Thị Thá ở ấp Định Khánh B, xã Định Môn, huyện Thới Lai sống chủ yếu nhờ mấy công ruộng. Trong thời gian nhàn rỗi mùa vụ, gia đình bà đã phát triển chăn nuôi heo tại nông hộ. Tuy nhiên, nhiều tháng trở lại đây giá thức ăn chăn nuôi và các chi phí sản xuất đầu vào liên tục tăng, trong khi giá heo hơi đã tuột xuống mức thấp, nên bà Thá liên tục bị lỗ vốn khi xuất bán các đợt heo. “Bà con ở đây hiện nghỉ nuôi nhiều lắm rồi. Tôi tính không nuôi nữa, song có sẵn chuồng trại, con giống, nếu nghỉ không biết làm gì nên tôi nuôi tiếp với số lượng heo ít. Trước đây, lúc nào tôi cũng nuôi 2 - 3 con heo nái và cả chục con heo thịt nhưng nay tôi chỉ giữ lại 1 con nái và 8 con heo thịt”- bà Nguyễn Thị Thá nói.
Chị Lưu Thị Viên, chủ đại lý thức ăn gia súc Hữu Dư (Út Đủ) ở xã Thới Đông, huyện Cờ Đỏ đang nuôi 30 con heo nái và heo thịt, cho rằng: “Với giá heo hơi hiện nay phổ biến từ 3,3 - 3,6 triệu đồng/tạ, ngay cả những hộ kinh doanh thức ăn gia súc có điều kiện mua thức ăn với giá sỉ mà nuôi cũng không lời. Giá heo hơi phải ở mức từ 4 triệu đồng/tạ mới có khả năng lời chút ít, do dù mua thức ăn với giá sỉ nhưng chi phí thức ăn để nuôi một con heo đạt 100kg cũng khoảng 2,3 triệu đồng. Thêm vào đó, tiền con giống khoảng 800.000 - 1.000.000 đồng và phải tốn ít nhất từ 700.000 - 800.000 đồng cho chi phí điện, nước, thuốc thú y và công chăm sóc…”.
Giá heo hơi giảm liên tục, nhiều giải pháp gỡ khó cho người nuôi heo được Chính phủ đưa ra từ năm 2012, nhưng vẫn chưa thể giúp người nuôi qua cơn khó. Đối với những hộ chăn nuôi nhỏ, trong tình cảnh này càng khó kiếm lời, nhiều hộ không muốn tái đàn vì giá đầu ra không hấp dẫn.
Giải pháp gỡ khó
Thực tế cho thấy, giá bán lẻ nhiều loại thức ăn gia súc đậm đặc dạng cám ở mức 19.600 - 23.200 đồng/kg (tương đương 490.000 - 580.000 đồng/bao 25 kg) và thức ăn hỗn hợp dạng viên khoảng 13.000 đồng/kg (325.000 đồng/bao 25 kg). Để nuôi heo từ 15 - 20 kg/con đạt trọng lượng 1 tạ (100 kg), người nuôi tốn ít nhất 1 bao thức ăn đậm đặc và 6 bao thức ăn viên, tính ra chi phí tiền thức ăn trên 2,4 triệu đồng. Trong trường hợp heo chậm lớn, phải tăng lượng sử dụng thức ăn thì chi phí sẽ tăng thêm. Rõ ràng cơ hội kiếm lời cho các hộ chăn nuôi heo theo dạng nhỏ lẻ tại gia đình là rất khó, nếu không tự sản xuất con giống để nuôi và hạn chế việc phụ thuộc vào thức ăn công nghiệp. Tuy nhiên, việc chuyển sang sử dụng các loại tấm, cám, sử dụng cơm thừa tại các quán ăn… để thay thế thức ăn công nghiệp trong chăn nuôi là rất khó vì heo chậm lớn và hiệu quả không cao.
Bà Võ Thị Thoa ở ấp Thới Xuyên, xã Thới Đông, huyện Cờ Đỏ, cho rằng: “Chi phí tiền thức ăn chăn nuôi chiếm trên 60% giá thành chăn nuôi heo. Hiện nay, nuôi heo hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp và không có cơ hội kiếm lời nếu không kiêm luôn việc giết mổ, kinh doanh thịt heo. Tôi mua cơm thừa, canh cặn tại các quán ăn về cho heo ăn, nhưng nguồn thức ăn này có hạn và đi lấy về rất cực, nên không thể phát triển nuôi heo với số lượng lớn. Ngoài ra, thời gian nuôi heo phải kéo dài thêm khoảng 1 tháng, thậm chí nhiều hơn”…
Theo nhiều người chăn nuôi heo ở TP Cần Thơ, sử dụng các loại thức ăn công nghiệp để phát triển chăn nuôi heo theo hướng công nghiệp là xu hướng tất yếu. Ngoài ra, việc phát triển chăn nuôi heo trong nước cũng là một hướng đi phù hợp nhằm giúp tạo thêm công ăn việc, cải thiện thu nhập cho các gia đình và góp phần đảm bảo nguồn cung thịt heo, ổn định giá cả thịt heo trên thị trường. Tình trạng giá heo hơi trong nước đã tuột xuống mức giá thành chăn nuôi trong một thời gian dài là một thực tế đáng báo động, các ngành chức năng cần vào cuộc để giúp tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi.
Nhiều ý kiến cho rằng, giá thức ăn chăn nuôi và các chi phí đầu vào ở nước ta quá cao làm giá thành chăn nuôi heo của ta cao hơn so với nhiều nước trên thế giới, nên dễ dẫn đến tình trạng người nuôi heo phải bán sản phẩm dưới giá thành sản xuất, nhất là khi thịt heo được nhập ngoại nhiều. Hơn nữa, phải tiêu thụ sản phẩm thông qua các trung gian, nhiều hộ chăn nuôi heo trong nước dễ bị thương lái “ép giá” vào các thời điểm có thông tin về dịch bệnh xuất hiện hay khi nguồn cung heo hơi có dấu hiệu vượt cầu.
Muốn hỗ trợ người chăn nuôi heo trong nước vượt qua khó khăn đòi hỏi Nhà nước cần tổ chức lại chuỗi sản xuất, tiêu thụ thịt heo và thức ăn chăn nuôi trong nước. Trong đó, chú ý giảm bớt các khâu trung gian thông qua việc tăng cường liên kết giữa “4 nhà” và phải quản lý chặt giá cả, chất lượng các yếu tố đầu vào phục vụ chăn nuôi heo cũng như giá cả đầu ra sản phẩm. Ngoài ra, cần tăng cường đầu tư cho chất lượng con giống, phổ biến các kỹ thuật tiên tiến vào chăn nuôi để tăng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm.
Có thể bạn quan tâm
Trong những năm gần đây, phong trào phụ nữ đầu tư chăn nuôi bò phát triển khá mạnh ở thôn Hòa Hiệp, xã Bình Tường (Tây Sơn - Bình Định). Ngoài cây lúa thì lợi nhuận từ nuôi bò là nguồn thu chính của nhiều hộ dân ở đây để trang trải cuộc sống.
Trong khi nhiều thôn, xã vẫn đang loay hoay việc lựa chọn trồng cây gì, nuôi con gì để đem lại giá trị kinh tế cao nhất thì ở thôn Tân Bình 2, xã Bình Xa (Hàm Yên - Tuyên Quang), lâu nay con lợn đã được định hình là con làm giàu của người dân trong thôn. Chuyện nuôi lợn tưởng như ở đâu cũng thế, nhưng có nghe người chăn nuôi kể chuyện mới thấy cũng lắm công phu.
Cây hồ tiêu xuất hiện ở Chư Đăng Ya-xã đặc biệt khó khăn của huyện Chư Pah (Gia Lai) từ năm 2008 với quy mô nhỏ lẻ và chính thức phát triển mạnh từ năm 2012 đến nay.
Mới vào đầu vụ thu hoạch điều nhưng người trồng điều đã cảm thấy bất an khi giá cứ giảm mỗi ngày. Đầu vụ, mỗi kilôgam điều giá 27 ngàn đồng thì khoảng 10 ngày sau chỉ còn 24-25 ngàn đồng. Giá điều tiếp tục giảm khiến nông dân nhấp nhổm như ngồi trên lửa.
UBND tỉnh Đồng Tháp vừa có công văn về việc cấp kinh phí bổ sung gần 10 tỷ đồng cho 5 huyện: Tân Hồng, Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình và Tháp Mười nhằm hỗ trợ các khoản chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân có diện tích lúa đông xuân 2013-2014 bị dịch muỗi hành gây hại.