Chăn Nuôi Giảm Sút
Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện tại tổng đàn vật nuôi trên địa bàn thành phố Đà Nẵng chỉ có hơn 17.000 con trâu, bò, gần 60.000 con heo và khoảng 300.000 con gia cầm, giảm gần 40% so 6-7 năm trước. Tại sao hoạt động chăn nuôi sa sút, trong khi Đà Nẵng là thị trường tiêu thụ thịt động vật khá lớn?
Thực trạng buồn của chăn nuôi
Cách đây ít năm, ở Đà Nẵng có 64 trang trại chăn nuôi, trong đó không ít trang trại nuôi các loài vật có tính đặc thù như đà điểu, ba ba, heo rừng lai…, nhưng hiện nay chỉ còn hơn chục trang trại. Trong số các trang trại đang hoạt động phần lớn là của Công ty CP Chăn nuôi Việt Nam tại Đà Nẵng. Hoạt động chăn nuôi trong hộ nông dân đã giảm ở mức thấp nhất kể từ trước đến nay. Nếu như trước đây, hầu như hộ nào ở nông thôn cũng chăn nuôi, hộ nhiều có khi cả trăm con heo/lứa, hộ ít vài ba con, còn hiện tại mỗi thôn chỉ còn dăm bảy hộ chăn nuôi.
Gia đình bà Trần Thị Năm từng là điển hình chăn nuôi ở thôn Trà Kiểm, xã Hòa Phước. Thời kỳ cao điểm, trong dãy chuồng xây dựng khá cơ bản sau nhà liên tục có bốn, năm chục con heo đủ lứa. Bà đầu tư xây dựng hầm biogas thể tích lớn. Vài năm trở lại đây, dãy chuồng ấy để không. Hiện tại, tận dụng thức ăn thừa, bà nuôi một heo nái. Tương tự, hộ ông Phạm Đình Bán, ở thôn Hưởng Phước, xã Hòa Liên phá bỏ dãy chuồng nuôi heo quy mô lớn để chuyển sang làm việc khác. Trước đây, ngược Hòa Liên, hỏi điển hình làm ăn giỏi, chính quyền địa phương đều giới thiệu đến hộ này. Dạo đó, với tổng đàn heo hơn 100 con/lứa, trong đó 12 heo nái, gia đình ông Bán ăn nên làm ra từ chăn nuôi. Hiện nay, mặc dù rất nỗ lực, song gia đình ông Bán chỉ duy trì gần 10 con để tận dụng thức ăn thừa của gia đình và bà con lối xóm.
2-3 năm trở lại đây, không ít chủ trang trại chăn nuôi đã “bỏ của chạy lấy người” sau khi liên tiếp thua lỗ. Thôn Diêu Phong, xã Hòa Nhơn từng là nơi hội tụ các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, có trang trại 6-7 nghìn con gà đẻ. Nhưng hiện nay khu vực có nhiều trang trại chăn nuôi ấy hoang vắng đến kỳ lạ. Người dân địa phương cho biết, do thua lỗ nên đóng cửa hết cả rồi. Ở thôn Sơn Phước, xã Hòa Ninh cũng vậy, trước đây có 4-5 trang trại nuôi gà công nghiệp, nay là bãi đất trống. Thời kỳ cao điểm, tại thôn Nam Sơn, xã Hòa Tiến có 13 trang trại nuôi heo và gà công nghiệp, còn hiện tại chỉ còn 4 trại nuôi heo.
Cần chuyển hướng trong chăn nuôi
Nói về nguyên nhân dẫn đến chăn nuôi sa sút, bà Trần Thị Năm cho rằng: Nuôi heo liên tiếp bị thua lỗ, người chăn nuôi không thể duy trì để chuốc thêm nợ. Trước đây, heo hơi 45.000 - 47.000 đồng/kg, thức ăn chỉ 6.000-7.000 đồng/kg, còn nay heo giá 33.000 đồng/kg, thức ăn tăng so với trước hơn 1.000 đồng/kg, làm sao nuôi nổi. Đó là chưa kể, dịch bệnh liên tục đe dọa, nếu tràn qua chuồng coi như mất trắng.
Ông Thái Bá Quang, Trưởng phòng Quản lý Kỹ thuật thuộc Sở NN&PTNT cho rằng, chăn nuôi ở Đà Nẵng sa sút có nhiều nguyên nhân. Trước hết, Chỉ thị 12 ban hành, phạm vi được phép chăn nuôi thu hẹp. Ngày 16-8-2010, UBND thành phố có Công văn số 3574/VP-QLĐTh, gửi Sở NN&PTNT, Sở Xây dựng về việc không đồng ý quy hoạch bố trí khu chăn nuôi gia súc và gia cầm tập trung trên địa bàn thành phố. Do vậy, các trang trại chăn nuôi không còn cơ hội phát triển.
Cùng theo đó, dịch bệnh phát sinh gây thiệt hại không nhỏ. Chỉ tính riêng đợt dịch năm 2010, có 5.238 con heo nhiễm bệnh, trong đó 2.907 con bị tiêu hủy với tổng trọng lượng hơn 98 tấn. Việc cung ứng thức ăn khá bị động, khó kiểm soát về chất lượng. Giá đầu vào liên tục tăng, trong khi giá đầu ra con vật nuôi giảm, hoạt động chăn nuôi liên tiếp bị thua lỗ.
“Từ trước đến nay chăn nuôi luôn chiếm tỷ trọng cao trong ngành nông nghiệp và hoạt động này từng là cơ hội xóa nghèo, làm giàu cho rất nhiều gia đình. Không thể không phát triển chăn nuôi, khi mà ở Đà Nẵng rất giàu tiềm năng, nhất là thị trường”, ông Trần Đình Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết như vậy. Theo ông Quỳnh, thành phố Đà Nẵng đang chuyển dịch theo hướng dịch vụ - du lịch, do vậy chăn nuôi cũng chuyển biến theo hướng đó, tức là chọn con vật nuôi phù hợp, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. Trước hết, chăn nuôi thời gian tới phải phát triển theo hướng an toàn sinh học.
Tăng tổng đàn gà thả vườn, các loài vật nuôi có nguồn gốc hoang dã như thỏ, heo rừng, nhím, kỳ đà... là hướng phát triển khả thi. Bên cạnh đó, khai thác tối đa tiềm năng đất đai, khu vực không ảnh hưởng các dự án tiếp tục đầu tư xây dựng trang trại quy mô lớn, trong đó ưu tiên phát triển đàn bò laisin, đàn dê... Yếu tố có tính quyết định để đẩy mạnh chăn nuôi là cơ quan thú y ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh, các hộ chăn nuôi được hỗ trợ về kỹ thuật, giống và vốn liếng...
Có thể bạn quan tâm
Hiện, huyện Bắc Hà đã gieo trực tiếp được 19,3 ha cây đương quy tại các xã: Nậm Mòn (6ha), Na Hối (5ha), Tà Chải (2ha), Lùng Phình (5ha), Bản Già (1,3ha). Ngoài ra, Trạm Khuyến nông huyện đã gieo ươm được hơn 1,3 triệu cây đương quy giống, đủ trồng diện tích còn lại trong thời gian tới.
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, năm 1991, diện tích lúa lai cả nước chỉ khoảng 100ha. Đến nay con số này đạt trên 600.000 ha. Cũng theo báo cáo sơ kết mô hình thí điểm trong vụ Đông Xuân 2014 vừa qua, nông dân sản xuất giống lúa lai F1 thu lợi nhuận bình quân khoảng 50 triệu đồng/ha.
Năm nào cũng thế, cứ đến mùng 7 Tết là làng nghề trồng rau Trà Quế (Cẩm Hà, Hội An, Quảng Nam) lại tưng bừng tổ chức lễ hội cầu bông. Dù là hội làng nhưng năm nào du khách cũng đến đông nghịt. Chính vì thế, là làng nghề chuyên làm nông nhưng nay người dân trong làng lại làm giàu bằng... du lịch.
Đây là tấm bảng: “Canh tác cà phê thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu” được gia đình chị Thúy dựng lên để theo dõi diện tích 0,85 ha cà phê trồng theo mô hình bền vững. Chương trình này được tổ chức EDE Consulting khu vực châu Á - Thái Bình Dương triển khai từ tháng 8-2012.
Trong điều kiện thời tiết như hiện nay, năng suất bình quân mỗi công từ 60 - 100kg. Nếu giá ở mức 68.000 đ/kg như hiện nay thì người trồng sẽ lời khoảng 2 triệu/công. Cây é rất thích nắng và khô ráo. Trước khi thu hoạch mà gặp vài đám mưa, năng suất và chất lượng sẽ bị giảm sút.