Chăn Nuôi Chưa Hết Khó
Các chuyên gia kinh tế khẳng định, khi Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, ngành chăn nuôi trong nước sẽ càng khó khăn hơn!
Ngành chăn nuôi nước ta đang lâm “trọng bệnh”, người sản xuất rơi vào tình trạng ngắc ngoải, sống dở chết dở.
Đến với “thủ phủ” chăn nuôi xã Gia Kiệm và xã Quang Trung, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai vào những ngày này, mọi người dễ dàng nhận thấy không khí ảm đạm bao trùm khắp nơi. Nhiều trang trại nuôi gà bỏ không, cổng đóng then cài không thấy một bóng người.
Chúng tôi phải đi lòng vòng một lúc thì thấy một trại cửa đang bỏ ngỏ, trống trơn, với 3 dãy chuồng gà bỏ không. Một thanh niên bước ra miễn cưỡng hỏi: “Các chú hỏi gì?”. Tôi tự giới thiệu và nói nội dung buổi gặp gỡ, lập tức, người thanh niên lảng tránh và tìm cách từ chối, phải thuyết phục mãi anh mới miễn cưỡng trao đổi.
Anh nói tên Trần Minh Hải, hiện ở ấp Nam Sơn, xã Quang Trung, huyện Thống Nhất. “Tôi chăn nuôi gà gia công cho công ty nước ngoài được 5- 6 năm, mỗi lứa nuôi được 15.000 con gà màu (giống gà Tam hoàng cũ). Lứa gà vừa rồi, do bị dịch bệnh H5N1, đàn gà chết trên 30%. Gia đình tôi thiệt hại khoảng 200 triệu đồng, chưa kể tiền đầu tư xây dựng chuồng trại, tiền trả cho nhân công nên trại gà của tôi bỏ không từ Tết đến giờ” – anh Hải buồn buồn nói.
Băn khoăn nhất của anh là không biết giá cả sẽ như thế nào, còn dịch bệnh hay hết. “Lo lắm, nhưng lỡ mượn tiền đầu tư chuồng trại rồi, giờ chưa lấy lại vốn nên chắc vẫn phải liều nuôi để trả nợ thôi”. Anh Hải cũng vừa bàn với gia đình mang sổ đỏ đi cầm cố ngân hàng để tiếp tục “đánh bạc với con gà”. “Vay ngân hàng thời điểm này không phải dễ dàng. Ở đây, nhiều nhà đã bị gà “mổ” hết sổ đỏ rồi”, anh Hải nói.
Chúng tôi gặp nông dân Vũ Viết Hùng, ấp Võ Dõng 3, xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, người có thâm niên nuôi heo hơn chục năm nay. Anh Hùng cho biết, trong trại lúc nào cũng có 50 con heo nái và 500 heo thịt.
“Tuy không phải mua heo giống nhưng nhiều lúc cũng lỗ lên lỗ xuống. Từ năm 2012 đến nay, do giá cả thức ăn tăng cao, giá cám cho heo thịt là 380.000 – 400.000 đ/bao 25 kg, đặc biệt là giá cám cho heo con ăn lên tới 680.000 đ/bao 25 kg nên đẩy giá thành lên. Rồi dịch bệnh cứ liên miên, giá thuốc thú y tăng ngất ngưởng, trong khi giá thịt heo xuống thấp, có lúc xuống tới 36.000 - 37.000đ/kg heo hơi. Vụ heo năm vừa qua, tính sơ sơ gia đình tôi mất toi 500 triệu”.
Tiếp tục vượt đèo Bảo Lộc, chúng tôi tới thăm trang trại quy mô 5.000 con heo thịt của anh Nguyễn Văn Bảo, ở xã Lộc Quảng, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Anh Bảo cho biết: “Trước đây tôi kinh doanh cửa hàng điện máy. Lúc đầu cũng có ăn lắm, sau này nhiều người thi nhau mở cửa hàng, giá cả cạnh tranh rất khó bán. Sau đó tôi chuyển qua nghề chăn nuôi, tới nay cũng được 14 năm rồi.
"Nhiều hộ dân trước đây nuôi hàng trăm nghìn con gà nay cũng bỏ nuôi hoặc giảm đàn. Giờ thì có khá nhiều trang trại đóng cửa bỏ không, người chăn nuôi đang lâm vào cảnh nợ nần chồng chất” – ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnhĐồng Nai nói.
Nuôi lớn như tôi còn đỡ thua lỗ vì giá thành giảm hơn chăn nuôi nhỏ lẻ. Suốt 14 năm làm nghề, tôi chứng kiến không biết bao nhiêu lần người chăn nuôi khổ sở vì giá cả thị trường bất ổn, dịch bệnh liên miên”.
Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết, huyện Thống Nhất nói riêng, tỉnh Đồng Nai nói chung có thế mạnh về chăn nuôi. Lúc cao điểm, cả tỉnh có khoảng 1,4 triệu con heo, 12 triệu con gà, 500.000 con vịt với 1.139 trang trại nuôi heo và 327 trang trại nuôi gia cầm, thuỷ cầm.
Những năm vừa qua, ngành chăn nuôi gặp rất nhiều khăn, nguyên nhân chính là do vẫn phụ thuộc 70% nguyên liệu thức ăn NK, 100% về con giống, giá thức ăn và thuốc thú y cao. Dẫn tới giá thành sản phẩm chăn nuôi ở mức khủng, kém sức cạnh tranh, trong khi đó dịch bệnh liên tục bùng nổ. Giá cả thị trường thì không ổn định, người chăn nuôi bị thua lỗ nhiều, nhất là chăn nuôi gia cầm.
Theo nhận định của ông Đoán, khi Việt Nam tham gia TPP, thuế NK một số mặt hàng sẽ bằng 0%, mở ra một thị trường rộng lớn, giúp tạo lập một môi trường kinh doanh cạnh tranh hơn, với hàng hóa và dịch vụ rẻ hơn, chất lượng tốt hơn, phương thức quản lý mới, hiện đại và hiệu quả hơn cho DN Việt Nam.
Tuy nhiên, cạnh tranh với các nền kinh tế phát triển, có quy luật thị trường ổn định và hiện đại như các đối tác TPP cũng đặt ra nhiều thách thức rất lớn cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và DN nói riêng, đặc biệt là chăn nuôi. Vì thế, ngành chăn nuôi nếu không có giải pháp hoạch định lại chiến lược, sách lược, kế hoạch cụ thể trong hoạt động SXKD thì tương lai cho ngành này sẽ trở nên vô cùng… xám xịt.
Có thể bạn quan tâm
Sáng 27/10, Trung tâm Hỗ trợ nông dân Hà Nội phối hợp với UBND huyện Thạch Thất, Công ty CP công nông nghiệp Tiến Nông tổ chức hội nghị “Tổng kết, đánh giá kết quả mô hình sử dụng phân bón NPKSilic Tiến Nông trên cây lúa”.
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, thông qua công tác nghiên cứu khoa học, nhất là các đề tài liên quan đến việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất lao động.
Từng học chuyên ngành xã hội nhưng lại đam mê với sản xuất, kinh doanh nên Nguyễn Xuân Kiên, Giám đốc Công ty TNHH Nam Anh đã mạnh dạn đầu tư sản xuất các loại nấm với quy mô lớn, trong đó có đông trùng hạ thảo, một loại dược liệu quý.
Theo Hợp tác xã dịch vụ kinh doanh tổng hợp nông nghiệp Trị An (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), vụ thu hoạch năm nay, năng suất mía tại cánh đồng lớn dự kiến đạt từ 90 - 100 tấn/hécta, tăng khoảng 40 tấn/hécta so với năng suất cùng kỳ năm ngoái.
Hiện nay, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang đã mở rộng diện tích vườn trồng cây ăn quả các loại lên gần 3.000 ha trong đó chủ lực là cây dừa với diện tích khoảng 2.400 ha, còn lại là các loại cấy ăn quả có giá trị khác như: thanh long, cây có múi…