Chăm sóc vườn ca cao để cho năng suất cao
Để vườn ca cao đạt năng suất cao chị cần chú ý tất cả các bước kỹ thuật canh tác ca cao từ chọn đất, trồng mới đến chăm sóc. Các bước
kỹ thuật có thể sơ lượt như sau:
* Đất trồng ca cao: Ca cao có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau, tuy nhiên cần lưu ý:
- Đất không nhiễm phèn, ngập úng, mặn, hàm lượng sét cao. Tầng sâu canh tác ít nhất 70 cm, độ phì tốt, pH từ 5 - 6.5. Đất trước khi trồng cần rà sạch rễ cây, cày phơi ải đất trước khi trồng 2 - 3 tháng.
* Giống trồng: Nên trồng ca cao ghép và được ghép bởi nguồn mắt ghép có xuất xứ rõ ràng, chất lượng cao.
* Mật độ và khoảng cách trồng: Ca cao trồng thuần, trồng với mật độ 1100 cây/ha (3m x 3m), trồng xen mật độ từ 500 - 800 cây/ha.
* Cây che bóng, chắn gió: Đây là yếu tố then chốt trong giai đoạn kiến thiết cơ bản. Trong những năm đầu ca cao cần che bóng từ 50 - 75% ánh sáng trực tiếp. Bóng che được điều chỉnh dần khi cây lớn. Cây chắn gió cần thiết lập xung quanh vườn trong suốt quá trình phát triển của cây ca cao.
* Phân bón: Muốn vườn cây phát triển tốt, năng suất cao, phân bón rất quan trọng. Trong giai đoạn kiến thiết cơ bản ca cao con cần phân có hàm lượng đạm cao để phát triển cành lá. Vào giai đoạn kinh doanh ca cao cần phân có lượng kali cao để cây đậu trái nhiều và hạt lớn. Nên bón phân từ 4 - 6 lần/năm. Ngoài phân bón gốc cần sử dụng thêm phân bón lá cho vườn cây từ 3 - 4 lần/năm.
*Tưới nước: Ca cao con cần tưới nhiều lần để cây phát triển tốt lượng nước từ 20 - 40l/hố. Khi vào giai đoạn kinh doanh, tùy vào vùng đất ca cao cần tưới từ 3 - 10 lần để đảm bảo năng suất mùa khô tăng cao, lượng nước cần từ 150 - 200l/hố.
* Tỉa cành tạo hình: giúp cho cây ca cao cân đối, giảm thiểu sâu bệnh hại.
Nguyên tắc chung của tỉa cành: Phải thông thoáng phía dưới, phía trên phải có độ che bóng cho thân phía dưới. Việc tạo tán rất đa dạng tùy thuộc vào từng cây, do đó cần phải xem xét kỹ hình dáng cây ca cao để tạo hình, song phải đảm bảo tán cây phân bổ đều các phía, không có cành cao quá hay thấp quá, nên để từ 3 - 5 thân (cây ghép). Nếu để thân hoặc cành quá dày dẫn đến hoa ít, sâu bệnh nhiều và năng suất thấp.
Các loại cành cần phải tỉa: cành sâu bệnh, cành đan xen, cành bị che khuất, cành mọc hướng xuống đất ảnh hưởng đến đi lại, cành mọc hướng vuông góc vào trong, cành giao tán, cành xà thấp, tầng cành thứ 2, cành chỉ còn chóp lá ở đầu, cành mọc thành cụm, cành tăm, cành vươn cao quá 3,5 m, chồi vượt.
* Phòng trừ sâu bệnh hại: Với ca cao cần quan tâm tới bọ xít muỗi và bệnh thối trái. Để hạn chế 2 loại sâu bệnh hại này cần quan tâm nhiều về kỹ thuật canh tác đó là vệ sinh đồng ruộng và làm thông thoáng vườn cây. Riêng trái thối cần cắt đem ra khỏi vườn hoặc chôn.
Trên đây chỉ là các khâu kỹ thuật cơ bản, để nắm rõ hơn các quy trình chăm sóc cần tham khảo thêm các lài liệu kỹ thuật.
Có thể bạn quan tâm
Cây ca cao thích hợp với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm mưa nhiều, nhiệt độ trung bình 25 độ C, độ ẩm 85%, lượng mưa bình quân trên 1.500 mm/năm.
Quy trình phòng trừ tổng hợp bệnh thối đen quả ca cao được xây dựng từ kết quả nghiên cứu khoa học của Viện Bảo vệ thực vật trong quá trình thực hiện đề tài "Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học xác định tác nhân gây bệnh và biện pháp quản lý tổng hợp bệnh thối đen quả ca cao" tại tỉnh Đắk Lawsk và Bình Phước. Quy trình đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới. Khuyến nông Việt Nam xin giới thiệu quy trình để cán bộ kỹ thuật và bà con nông dân tham khảo và ứng dụng vào sản xuất đạt hiệu quả.
Xin hỏi chuyên gia ghép ca cao vào thời điểm nào là thích hợp? Có mấy phương pháp ghép ca cao và kỹ thuật ghép của từng phương pháp?