Cây Táo Phủ Xanh Đất Bãi

Nhờ trồng táo trên đất soi bãi thay thế cây lúa, người dân xã Đồng Tân, huyện Hiệp Hoà (Bắc Giang) có thu nhập khá.
Năm nay táo được mùa, giá dao động từ 10 - 15 nghìn đồng/kg. Nhiều gia đình ở thôn Đồng Vân thu vài chục triệu đồng từ cây trồng này. Anh Nguyễn Phi Tâm, Trưởng thôn Đồng Vân cho biết: "Thôn có nhiều chân ruộng cao và đất soi bãi nên hầu hết diện tích canh tác gặp khó khăn về tưới tiêu, cấy lúa không hiệu quả. Mạnh dạn chuyển đổi từ cấy lúa sang trồng táo, nông dân có thu nhập cao hơn hẳn”.
Đến nay, thôn có 70/109 hộ trồng táo với tổng diện tích gần 10 ha. Từ hơn 10 năm trước, gia đình chị Dương Thị Lựu, thôn Đồng Vân đã trồng táo trên đất cấy lúa không ăn chắc, nhờ đó mà kinh tế trở nên khá giả. Vụ này, chị thu ba tấn quả từ ba sào táo, lãi gần 30 triệu đồng.
Theo chị Lựu thì giống táo ta (gồm hai loại chua và ngọt) rất dễ trồng, trồng một lần sau 10-15 năm mới phải thay gốc nên không tốn tiền mua giống như nhiều loại cây khác. Cây cho thu hoạch trong thời gian dài, từ tháng 10 năm trước đến hết tháng 2 năm sau. Khi thu hoạch hết, chị đốn toàn bộ cành. Trong thời gian chờ cây ra mầm mới, chị trồng xen ngô, bí và một số rau màu ngắn ngày khác.
Cũng như gia đình chị Lựu, nhận thấy việc trồng táo phù hợp với đất vườn, bãi bồi, dễ chăm sóc, ít tốn công lại cho thu nhập khá, anh Nguyễn Viết Chín đã mở rộng diện tích cây trồng này từ 2 sào lên 6 sào. Theo anh Chín, nhiều năm qua, giá táo tương đối ổn định nên anh yên tâm gắn bó với cây trồng này. Mùa thu hoạch, khách đến tận vườn thu mua, mỗi ngày bán buôn 1-2 tạ.
Để khuyến khích phát triển mô hình kinh tế ở thôn Đồng Vân, từ năm 2013, xã Đồng Tân đã hỗ trợ đối với những hộ mở rộng diện tích táo, mức hỗ trợ 300 nghìn đồng/sào, tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, thu hái. Chủ trương này được người dân đồng tình, hưởng ứng. Riêng trong năm 2013, toàn xã có 3ha được trồng mới trên đất bãi ven sông, nâng tổng diện tích táo trong xã lên hơn 13 ha.
Theo ông Nguyễn Văn Tân, Chủ tịch UBND xã, táo được xác định là cây trồng thế mạnh, phù hợp với đất đai ở Đồng Tân, vừa mang lại thu nhập cao vừa giúp bảo vệ quỹ đất soi bãi ven sông. Năm 2014, xã tiếp tục hỗ trợ nông dân trồng táo, dự kiến trồng mới khoảng 5 ha táo.
Có thể bạn quan tâm

Sáng 18/6, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì hội thảo Quốc gia triển khai Nghị định 202 về quản lý phân bón của Chính Phủ và chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững. Hội thảo có sự tham gia của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân các tỉnh, thành và Hiệp hội phân bón Việt Nam.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm chứa tạp chất tỉnh Cà Mau, qua công tác rà soát và tuyên truyền vận động, trên 1.200 cơ sở thu mua, sơ chế nguyên liệu thuỷ sản trong tỉnh ký cam kết không thực hiện hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và không thu mua, sơ chế, vận chuyển, kinh doanh tôm có chứa tạp chất. Ðồng thời, có trên 20 doanh nghiệp ký cam kết không thu mua, chế biến tôm có chứa tạp chất.

Đó là đề xuất của ông Lê Minh Trượng, giám đốc Công ty lương thực Sông Hậu, tại cuộc họp với lãnh đạo TP Cần Thơ về giải quyết hàng tồn kho ngày 19/6.

Hiền tính, dễ nuôi, phù hợp với điều kiện ở địa phương nên rắn ri tượng là loài động vật đang được người dân trong huyện U Minh lựa chọn để tạo thêm nguồn thu nhập, có không ít hộ giàu lên từ loài vật nuôi này. Hiện nay một số địa phương cũng hình thành tổ nuôi rắn, với quy mô hàng chục hộ liên kết nhau, số lượng rắn lên đến vài trăm con. Việc thành lập tổ nuôi rắn còn giúp nông dân trao đổi kinh nghiệm và dễ tìm đầu ra với số lượng lớn, giúp người nuôi an tâm.

Tôm thẻ chân trắng rớt giá, dịch bệnh xuất hiện trên diện rộng, tôm xuất khẩu nhiễm dư lượng kháng sinh Oxytetraxycline… Những vấn đề này hiện thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà quản lý, người nuôi tôm trên cả nước.