Cây sưa trên đất Nam Đông
Các cây gỗ sưa của ông Phin đã 10 năm tuổi
Trồng sưa trong vườn
Ông Nguyễn Tất Phin (60 tuổi, xã Thượng Quảng) cho biết, năm 2006, khi hay tin có lái buôn mua gỗ sưa đỏ với giá cao, ông cùng nhiều người dân kéo nhau lên rừng tìm kiếm.
Lâm tặc ở các nơi cũng bất chấp pháp luật làm cho rừng ngày một vắng bóng cây sưa.
Không tìm được gỗ ông và bà con đành thu nhặt những cây sưa con ở rừng về ươm trồng ngay tại mảnh vườn sau nhà để tiện bề chăm sóc.
“Năm 2006, tui nhổ hơn 60 cây con từ tự nhiên đem về trồng.
Sau vài năm thấy phát triển tốt, tui liền đi mua thêm giống về trồng.
Bây giờ, vườn sưa của tui đã 10 năm tuổi”, ông Phin chia sẻ.
Khi được hỏi về giá trị thật sự của vườn sưa đang có, ông Phin cũng mập mờ, chẳng tỏ tường.
Nhưng để chứng minh giá trị, ông dẫn chúng tôi ra vườn sưa tham quan.
Hướng ngón tay về phía cây sưa có đường kính chừng 15cm, ông nói: “Hôm trước, có lái buôn ở Quảng Nam ra cáp mua cả vườn.
Sau khi kiểm tra roòng (lõi) cây kỹ lưỡng rồi định giá mỗi cây 50 triệu đồng nhưng tui chưa bán”.
“Tại sao lại không bán”, tôi hỏi.
Ông Phin giải thích: “Theo tui biết mỗi kg sưa đỏ giá từ 40 đến 50 triệu đồng, trong khi họ chỉ trả mỗi cây 50 triệu mà thôi.
Họ mua xong không thu hoạch ngay mà nhờ tui bảo vệ vườn cây thêm mấy năm nữa nên tui nhất quyết không bán”.
Vườn sưa của ông Phin tổng cộng gần 150 cây có đường kính từ 10 đến 15 cm, có nhiều cây đã chảy nhựa đầy thân.
Ông Phin bảo, trồng cây sưa trong ba năm đầu cần chăm sóc tỉ mỉ, cẩn thận bởi thân cây dẻo dễ đổ ngã.
Đến khi cây cao được hơn ba mét thì chỉ cần phát quang.
Bên cạnh trồng sưa, ông Phin còn tự tạo ra nguồn giống bằng cách đến mùa hạt sưa rụng xuống mọc cây con, ông bứng lên ươm vào bầu tạo giống.
“Bây giờ, muốn trồng sưa trên rừng cũng không được, vì trồng cây nào họ phá cây đó.
Tui ưa trồng đại trà trên rừng nhưng không dám nên chỉ còn cách đưa về vườn nhà để trồng.
Riêng về việc ươm giống bằng cây con, vụ trước tui cũng thu về được 15 triệu đồng từ việc bán 500 trăm cây giống”, ông Phin cho biết.
Ở Nam Đông, không chỉ ông Phin mà còn có nhiều hộ dân trồng sưa trong vườn, hộ ít thì vài chục cây, nhiều đến vài trăm cây.
Góp phần để bảo tồn loài cây quý
Ông Trần Công Thành, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Đông nhớ lại, năm 2006 ở xã Hương Hữu có một số gia đình còn lại vài cây sưa đỏ lớn cho gỗ.
Lúc đó, trên địa bàn xuất hiện các lái buôn thu mua với giá cao, dẫn đến việc nhiều người dân lên đồi khai thác trái phép gỗ sưa hiện có.
“Trên vùng đất Nam Đông có nhiều loại gỗ sưa như sưa trắng, đỏ, vàng.
Khi xem lại danh mục các loại cây sưa thì nhóm sưa đỏ là loại gỗ quý.
Hiện nay, nhiều gia đình trồng loại cây này, chủ yếu là ở xã Hương Lộc.
Tuy nhiên, cây sưa có giá trị kinh tế cao hay không thì chưa có cơ quan nào khẳng định”, ông Thành chia sẻ.
Theo người trồng sưa thì loại cây này khá dễ trồng, có thể gieo ươm từ hạt hoặc cắt cành, xử lý rồi giâm hom.
Cây sưa phù hợp nhất ở vùng đất đá vôi, nhưng ở Nam Đông thì cây sưa trồng ở đâu cũng có thể sống được; điều quan trọng là cây sưa có nhanh tạo lõi hay không.
Sưa trồng trong vòng mười năm thân cây sẽ rất lớn, nhưng để tạo lõi thì cần thời gian lâu hơn.
Hiện nay, cây sưa, đặc biệt là sưa đỏ phân bố rất hẹp và có nguy cơ mất đi nên cần được bảo tồn.
Sau khi sự việc cây sưa đỏ bị tận thu ở Hương Hữu thì UBND huyện Nam Đông có hướng phục hồi lại loại cây này.
Huyện không có chủ trương phát triển tập trung cây sưa mà chỉ khuyến cáo bà con trồng với hình thức phân tán và trồng theo hàng rào để bảo tồn.
“Trồng cây gỗ sưa phải đến hơn 10 năm mới có thể thu hoạch nên chúng tôi không khuyến khích bà con trồng tập trung vì đất còn làm nhiều việc khác nữa.
Trong trường hợp nếu trồng gỗ sưa đến khi thu hoạch không ai mua thì diện tích đất sẽ rất uổng phí.
Nếu có một cơ quan đặt vấn đề về giá, chứng minh được cây đó quý, giá trị cao và mục đích sử dụng để làm gì thì mới có căn cứ để làm đề án phát triển.
Bây giờ, chúng tôi chỉ khuyến cáo bà con trồng phân tán nhằm mục đích bảo tồn giống cây này”, ông Thành cho biết.
Có thể bạn quan tâm
ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất của cả nước, với diện tích canh tác hàng năm hơn 4 triệu ha, chiếm khoảng 50% sản lượng lúa cả nước. Tuy nhiên, đây là một trong 5 vùng bị tác động mạnh của biến đổi khí hậu nên nông nghiệp ĐBSCL đang đứng trước những thách thức lớn.
Mấy ngày nay, nông dân nuôi cá điêu hồng trên bè ở Tiền Giang phấn khởi do giá cá điêu hồng nằm ở mức 41.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg so với tuần trước. Với giá bán này, sau khi trừ mọi chi phí, người nuôi cá bè có thể lãi trên 50 triệu đồng/bè khi thu hoạch.
Năm 2009, Sở NN-PTNT phối hợp với Sở KH-CN Bình Định thực hiện đề tài “Đánh giá tiềm năng và xây dựng quy trình kỹ thuật ương - nuôi cá điêu hồng trong lồng năng suất cao” phù hợp trên các hồ chứa nước lớn của tỉnh. Kết quả của đề tài đã thúc đẩy phát triển nghề nuôi cá điêu hồng lồng bè ở hồ Định Bình trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh.
Ngày 29/8/2013, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng tổ chức tập huấn lần 2 mô hình nuôi ghép cá rô phi đơn tính đực khu vực miền núi theo quy trình GAP tại hội trường Trung tâm Nông nghiệp huyện Lâm Hà.
Năm 2012, xã Lương Sơn (Ninh Sơn) đã triển khai thí điểm 10 mô hình kinh tế về chăn nuôi, trồng trọt, với tổng kinh phí trên 450 triệu đồng; trong đó có 5 mô hình nhà nước hỗ trợ vốn đầu tư cùng với nông dân.